Ngày 18/8, lần đầu tiên tỉnh Tứ Xuyên kích hoạt mức ứng phó, kiểm soát lũ lụt cao nhất (cấp 1 trong thang cảnh báo 4 cấp) khi mực nước sông ngày càng dâng cao. Đáng chú ý là khu di tích dưới chân Lạc Sơn Đại Phật nằm bên ngoài thành phố Lạc Sơn đã bị ngập, lối vào chỉ còn thấy nóc nhà, nước mấp mé ngón chân Phật - mức cao kỷ lục được ghi nhận tại đây kể từ năm 1949 đến nay. Mọi hoạt động tham quan đều phải dừng.
Lạc Sơn Đại Phật ngày 18/8. Video: lanshanrongmei, hbtvnews, cbt.
Lạc Sơn Đại Phật tọa lạc ngay vùng hợp lưu của ba con sông Dân, Thanh Y và Đại Độ, là tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới. Bức tượng được tạc vào vách đá Thê Loan của núi Lăng Vân, tổng chiều cao khoảng 71m. Trong đó, phần đầu cao 15m, vai rộng 28m, lông mày dài 5,5m, mũi cao 6m, tai dài 7m. Mỗi bàn chân Phật dài 11m, rộng 8,5m đủ diện tích cho hơn 100 người ngồi. Ở Lạc Sơn có một câu nói cổ rằng thành phố sẽ bị ngập hoàn toàn khi chân tượng Phật khổng lồ chìm trong nước lũ.
Trước kia, đoạn sông này nước chảy xiết, gây khó khăn cho các hoạt động giao thông đường thủy. Vì thế khi khởi công xây dựng tượng từ năm 719 đến 803, nhà sư Hải Thông (người chỉ huy xây dựng) mong muốn Lạc Sơn Đại Phật có thể khiến cho nước sông chảy êm đềm, hiền hòa hơn. Theo một số nghiên cứu, đá từ vách núi rơi xuống sông suốt quá trình xây dựng đã góp phần không nhỏ để thay đổi dòng chảy, giúp con sông trở nên an toàn và tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi lại như ngày nay.
Hiện mỗi năm, khu di tích đón hàng triệu lượt khách tham quan, hành hương và là một trong những địa điểm không thể bỏ lỡ khi đến Tứ Xuyên. Đặc biệt là vào dịp lễ, hàng nghìn người đến chiêm ngưỡng bức tượng khổng lồ mỗi ngày. Ngoài ra, Lạc Sơn Đại Phật cũng gắn với nhiều câu chuyện ly kỳ như 4 lần tượng "chảy nước mắt", gương mặt thay đổi sắc thái..., khơi dậy tính tò mò của du khách.
Diệp Tử (theo Xinhua)