Thành lập từ năm 2009, từng nhận hàng nghìn lứa học sinh là bệnh nhân nội ngoại trú của Bệnh viện Ung bướu TP HCM, lớp học đặc biệt tại khoa Nội Nhi của bệnh viện này cũng là nơi từng từ biệt vĩnh viễn vài trăm em. Phần lớn các bé ra đi vì bệnh đã đến lúc không còn có thể khống chế được nữa.
Chiều cuối tuần một ngày đầu tháng 7, không khí tại lớp học chùng xuống. Tiếng thầy cô giảng bài, tiếng học trò đọc thơ thay bằng tiếng khóc. Giữa căn phòng, Nguyễn Hiệp, cậu học trò lớp 6 bị ung thư xương ngồi yên, gương mặt đờ đẫn, xung quanh ai nấy mắt đỏ hoe bởi đây là lần lên lớp cuối cùng của bạn.
Quê ở Tánh Linh, Bình Thuận, đang là một học sinh giỏi của trường, Hiệp bỗng dưng đổ bệnh. Cha qua đời, dù nhỏ tuổi cậu vẫn cố gắng chống chọi cơn đau ở hàm để nhặt ve chai, bóc hạt điều phụ giúp mẹ. Được ít lâu sau, không chịu nổi cơn đau, Hiệp được mẹ đưa vào Bệnh viện Ung Bướu TP HCM và được bác sĩ xác định ung thư hàm giai đoạn muộn. Từ đó, Hiệp được làm quen với lớp học này.
Chiều ngày cuối tháng 6, tức sau 3 năm nỗ lực điều trị, các bác sĩ buộc phải thông báo tình trạng sức khỏe của bé cho người nhà. Nhận được tin, mẹ Hiệp mấy ngày liền sau đó mắt đỏ hoe và khóc ngất bởi chị biết đây đã là những ngày cuối cùng mà bé còn tồn tại trên cõi đời.
Chia tay mọi người trong buổi học cuối, gương mặt thi thoảng nhăn nhúm vì đau, Hiệp yếu ớt không còn có thể nói được thành lời, tay vân vê quyển vở chứa nhiều bài học mà em từng cùng thầy cô và các bạn trong những ngày còn khỏe. "Hàm đau quá phải không con", nghe lời cô giáo hỏi, Hiệp khẽ gật đầu rồi lật đến một trang vở, nơi vẫn còn những dòng cậu từng viết trong một bài tập làm văn.
Lần theo ngón tay của Hiệp, rồi đọc dòng cảm nghĩ của cậu học trò nhỏ trong những ngày đến với lớp học toàn những bạn bệnh nặng, nhiều người đã không cầm được nước mắt. Ôm con vào lòng, người mẹ cũng chực trào cám ơn mọi người rồi nói lời từ biệt.
Cô Đinh Thị Kim Phấn, người sáng lập và gắn bó với việc dạy dỗ các bệnh nhi suốt 6 năm qua, cho biết Nguyễn Hiệp là một trong số hàng trăm học sinh đặc biệt có buổi học cuối cùng bởi không còn chịu được đau đớn do bệnh ung thư gây nên.
Không có bảng đen phấn trắng, thầy cô là người tình nguyện, học sinh cũng đủ mọi lứa tuổi và học các lớp khác nhau, đều đặn vào mỗi chiều thứ sáu và sáng thứ bảy hàng tuần, căn phòng sinh hoạt chung tại khoa Nội nhi, Bệnh viện Ung bướu TP HCM lại rộn ràng tiếng nói cười của thầy trò.
"Ở đây vui lắm. Bé nào đến cũng tạm quên đớn đau do bệnh tật. Tuy nhiên điều khiến cả giáo viên và học sinh chúng tôi luôn cảm thấy chạnh lòng là có những bạn hôm trước đến lớp, hôm sau đã qua đời", Thanh Hưng, một tình nguyện viên nói.
Là chủ nhiệm, sau ngần ấy năm lên lớp, cô Kim Phấn cho biết vẫn còn giữ lại toàn bộ tập vở của học sinh để làm kỷ niệm. Trong số ấy, hơn 200 cuốn tập lưu giữ tại lớp học mãi mãi không thể được dùng đến vì nhiều bé đã vĩnh viễn lìa đời.
"Dạy dỗ cho các bé vất vả mấy vẫn không ngại, chỉ sợ nhất cảm giác khi đến lớp lại thấy thiếu mất một bé nào đó. Những câu nói quen thuộc như 'cô ơi bé phải về quê' khiến tôi cảm thấy xót xa bởi nó đồng nghĩa với việc các bé phải ra đi mãi mãi", cô Phấn nói.
Chia tay bạn về quê sống những ngày cuối cùng, khoe quyển tập dày 200 trang đã ghi chép gần đầy kín, một bệnh nhi 11 tuổi nhà ở tỉnh Bình Phước rưng rưng. "Tụi con thích lớp học này. Nhờ học mà tụi con đỡ nhớ trường lớp và quên bớt đi những cơn đau. Con chỉ lo không biết mình có đủ sức để viết hết quyển vở này không", cậu bé nói.
"Cuộc sống ở đây là vậy đấy. Mọi thứ có khi không được tính bằng năm mà chỉ vài tháng, thậm chí vài ngày. Ba năm gắn bó với lớp là đến vài chục lần tôi khóc tiễn các học trò. Có thế mới thấy cuộc sống đáng quý biết nhường nào", Minh Yến, một tình nguyện viên, nói.
Chưa đủ nhận biết được nỗi đau sinh tử, tiễn bạn buồn thiu vài phút trước rồi vài phút sau lại vô tư quên đi, song đọc những dòng chữa xiêu xiêu "con biết con sắp đi về quê và có thể không bao giờ gặp lại mọi người... Con sẽ nhớ mọi người lắm lắm", lòng những người ở lại không khỏi quặn thắt.
Chiều mưa đầu tháng 7, lên lớp cho buổi học mới, nhìn chỗ ngồi của Hiệp trống vắng, cô trò cả nhóm tình nguyện viên không ai nói lời nào. Họ chỉ lặng lẽ nhìn nhau, mắt rưng rưng thầm mong ngày mai hay ngày kia, lớp học đừng vắng thêm trò nào nữa. Theo thông tin từ mẹ Hiệp ở Bình Thuận, cậu bé đã rất yếu. Nhiều ngày liền Hiệp không thể ăn mà chỉ nằm yên.
Hiện khoa Nội Nhi Bệnh viện Ung Bướu TP HCM có khoảng gần 100 bệnh nhi nội trú. Các bé bị đủ loại ung thư và đến từ các nơi khác nhau, song điểm chung nhất là tất cả đều bệnh rất nặng. Cuộc sống nơi đây như lời một bác sĩ - "Tất cả đều rất mong manh".
Thiên Chương