Giữa tháng 3, đưa vợ về TP HCM để điều trị thuốc lần 3, Huỳnh Văn Riul quê ở Cao Lãnh, Đồng Tháp cho biết anh đã cố gắng hết sức để vay mượn tiền bà con họ hàng nhưng khó khăn vẫn chồng chất.
Cuối năm 2014 chị Trương Thị Ngọc báo với chồng mình mang thai và trong lần đi khám sau đó, Ngọc được bác sĩ xác định thai lưu phải bỏ. Thế rồi hơn một tháng sau đó, tình trạng xuất huyết vẫn xảy ra. Lo lắng vì vợ rong kinh kéo dài, Riul vét mớ tiền để dành tiêu tết đưa vợ đi khám thì nhận được hung tin bà xã bị mắc bệnh ung thư nhau.
“Tôi hoa mắt ù tai khi cầm trên tay kết quả xét nghiệm. Trên đường từ bệnh viện về nhà, hai vợ chồng không nói với nhau câu nào mà chỉ biết khóc. Thật không thể tin được sau 5 năm ngày con gái mất vì ung thư tuyến tụy, căn bệnh quái ác lại đến với nhà mình”, người đàn ông nói.
Từ Bệnh viện đa khoa Đồng Tháp, Ngọc được các bác sĩ yêu cầu chuyển lên Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), nơi có kinh nghiệm chuyên môn cao hơn. "Trên đường về thành phố, tôi thầm khấn vái bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán nhầm, thế nhưng mọi thứ không thay đổi. Vợ tôi chính thức được ghi nhận mắc ung thư nhau với ghi nhận tình trạng ung thư tế bào nuôi giai đoạn 2 đã di căn thành trước âm đạo", Riul thở dài kể.
Khăn gói lên Sài Gòn với hành trang là chiếc ba lô cũ kỹ quen thuộc trong những lần nuôi con tại Bệnh viện ung bướu TP HCM, Riul vay mượn bà con họ hàng được hơn 10 triệu đồng. “An ủi động viên bà xã cố gắng mà trong lòng tôi lo lắm bởi tôi biết quá rõ về tính đắt đỏ khi điều trị căn bệnh này”, Riul nói.
Đến bệnh viện trong lần điều trị thứ 3, nhìn gương mặt buồn buồn của chồng sau khi thanh toán viện phí, chị Ngọc chỉ biết chia sẻ khó khăn bằng cách khóc. Nước mắt cứ trào ra trên gương mặt người phụ nữ từng tất bật chạy chăm con bị ung thư tụy.
Theo các bác sĩ khoa Ung bướu Bệnh viện Từ Dũ, vợ Riul phải chịu tối thiểu 6 lần hóa trị. “Thời gian điều trị lâu hay mau tùy thuộc vào khả năng đáp ứng với thuốc. Nhiều người mắc bệnh tương tự đã được trị khỏi, tuy nhiên nếu không đầu tư vào chế độ dinh dưỡng thì bệnh tình của bệnh nhân khó có thể chữa lành”.
Nghe bác sĩ khuyên bà xã cần bồi dưỡng, Riul chạy vội xuống căn tin bệnh viện rồi quay lại rất nhanh với một hộp sữa. Cắm ống hút vào đưa vợ, Riul cho biết "giờ trong khả năng của mình, việc bồi dưỡng cao lắm cũng chỉ được như vậy".
"Gia đình rất khó khăn, khi vợ tôi còn khỏe, hai vợ chồng làm thuê cho công ty mỹ nghệ, mỗi ngày cũng chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng. Giờ vợ ốm yếu nằm liệt giường, chắc tôi phải cố cày thêm để có tiền mà trang trải. Ráng đến đâu hay đến đó chứ không còn cách nào khác", người đàn ông 39 tuổi rưng rưng nói.
5 năm trước, đêm 14/3/2010, phòng 305 khu nhi, khoa Nội A, Bệnh viện Ung Bướu TP HCM không ai ngủ được bởi cứ vài giây, bé Nhã - con gái anh Huỳnh Văn Riul lại kêu lên một lần, lúc khe khẽ, lúc lại gào thét khuấy động. Gần sáng thì tiếng kêu rên ngừng hẳn.
Ôm con vào lòng, người cha tái xanh, mắt ráo hoảnh thất thần như không tin vào sự thật bởi bao nhiêu tài sản của gia đình lần lượt đội nón ra đi nhưng vẫn không thể cứu được con.
Một ngày sau đó, vợ chồng anh Riul được bệnh viện cấp cho xe đưa bé về nhà. Ngồi trên xe cứu thương đưa thi thể con gái 7 tuổi về Cao Lãnh, Đồng Tháp, người đàn ông gầy gò nắm chặt tay vợ, luôn miệng động viên “âu cũng là số phận, em ráng giữ gìn sức khỏe chứ đừng để đổ bệnh lúc này bởi giờ nhà mình không tiền bạc chi cả". Thế nhưng điều mà người đàn ông sống bằng nghề làm thuê lo sợ nhất cuối cũng đã đến.
Bảo hiểm chi trả gần 40% tiền thuốc men, thế nhưng trong cảnh làm thuê mỗi ngày vài chục nghìn, số tiền vài triệu đồng cho mỗi lần vợ vô thuốc và tiền xe lên xuống hai bận từ Đồng Tháp đến Sài Gòn đối với vợ chồng Riul cũng đã là quá khó.
“Dù sao cũng đã là số phận, giờ tôi chỉ mong vợ mình mau lành. Anh chị em đều nghèo khó. Giờ cô ấy lại không thể đi làm thuê thì mình tôi cố gắng. Ráng nhịn ăn nhịn mặc để dành tiền cho vợ bồi dưỡng”, người đàn ông vừa nói vừa choàng tay ôm lấy vợ mình.
Thiên Chương