![]() |
|
Lưu học sinh VN tại Anh phần lớn đi từ các tỉnh phía bắc VN. Họ tìm đến một môi trường quốc tế hóa cao, và ngoài việc học, còn tranh thủ tắm mình trong không gian văn hóa của trường ĐH để khôn ra và lớn lên
Học trò miền Nam đi học ở Australia và Mỹ chiếm số đông, trong khi học trò ở Hà Nội lại đến Anh khá nhiều. Người ta giải thích là do phong trào (quả thật một dạo học trò Hà Nội suốt ngày nói chuyện đi Anh), hoặc mối quan hệ (học trò Sài Gòn đi Mỹ vì có bà con đang ở đấy), hoặc người trước đi, người sau nối gót. Nhưng câu chuyện thực không hẳn như vậy.
Trong câu chuyện khá ngắn ngủi, Hiệu trưởng Cao đẳng Manchester có nói một câu: "Chúng tôi muốn không quá ít nhưng cũng không muốn quá nhiều học sinh của một nước đến học ở đây".
Anh V. Raimo ở Văn phòng quốc tế ĐH Nottingham cũng nói một câu tương tự. Xây dựng một môi trường quốc tế là vấn đề khá sáng rõ ở ĐH Nottingham với khoảng ba vạn SV, trong đó có bảy nghìn SV quốc tế.
Bảy nghìn SV, nhưng đến từ gần 130 quốc gia, và những người giảng dạy ở đây có lẽ cũng buộc phải quốc tế hóa: họ đến từ hơn 40 quốc gia khác nhau! Một môi trường quốc tế hóa với sự tương tác, cọ xát thường xuyên sẽ thúc đẩy sáng tạo và tính cởi mở vì thực ra "nước Anh cũng chỉ là một quốc gia nhỏ bé", anh Raimo nói không có vẻ gì là khiêm tốn.
Trong câu chuyện của mình, nhiều du học sinh VN thường nói: "Mình muốn đến nơi có ít người VN". Mới nghe, câu này có gì đó hơi trái khoáy, và người nói xem ra không được ...VN cho lắm. Nhưng quả thật nó chứa đựng trong đó một cách nghĩ đã rất khác, rất tích cực của người trẻ hôm nay.
Bạn nói bạn đi học những điều mới mẻ, rất hay. Bạn đến một nơi đông "người mình", rất tốt. Rồi bạn nấu ăn món VN đều đều, rất ngon. Rồi bạn nói tiếng Việt suốt đêm, rất vui. Bạn tụ tập chỉ "người mình" thôi vào mỗi cuối tuần, rất nhiều trò thú vị...Có rất rất nhiều điều như thế, nhưng rốt cục khi quay trở lại câu hỏi: Vậy thì bạn phải đi ra nước ngoài đi học làm gì, khi mà gần như suốt ngày bạn nói tiếng Việt, ăn cơm Việt, sinh hoạt theo thói quen ở nhà. Bạn nói phải đi để học những điều mới mẻ? Rất tào lao. Bạn khác gì một bà cụ sang thăm và ở lại với con cháu nào?
Đấy chỉ một diễn giải để minh họa cho lựa chọn của các bạn học sinh, sinh viên VN khi đi du học hôm nay. Đến xứ người học không phải vì thích hay không, có mối quan hệ ở đấy không mà đó phải là sự chọn lựa một môi trường để quốc tế hóa chính mình. Quả thật, khi đứng cùng một nhóm bạn thuần Việt trong sân ĐH Nottingham, Birmingham hay trường Cao đẳng Broxtowe mà nghe họ bắn tiếng Anh rôm rả, cảm giác rất thú vị.
Nhiều bạn trong số đó rời nhà từ năm 15 tuổi, ngày đi còn khóc nhè làm bố mẹ phân vân, nhưng chỉ sau một năm đã vai khoác ba lô, tay cầm chai nước chạy lúp xúp cùng bạn bè các quốc gia khác, mắt sáng ngời. Hội nhập là câu chuyện như thế nào, nếu như không phải là phải chạy cùng bạn bè để biết ngoài không gian rất thú vị ta đã biết, còn có những chân trời còn lý thú hơn nữa.
Rất trùng hợp, anh V. Raimo khi nhắc đến 2 giải Nobel năm 2003 của trường cũng lại nói đến chuyện tương tác và xây dựng môi trường quốc tế. Còn ông Hiệu trưởng Cao đẳng Manchester khi nói về mối quan hệ với ĐH Manchester lại nhắc một câu: "Trường ĐH này đặt mục tiêu đoạt 3 giải Nobel trong vòng 10 năm tới! Kết quả đấy thực ra nếu có, cũng chỉ có thể là thành quả xuất phát từ một môi trường quốc tế hóa.
Cách đây vài năm, việc đi học ở Anh với mức học phí đắt lè lưỡi có vẻ là câu chuyện không dễ thuyết phục. Nhưng nếu gặp những bạn học sinh sinh viên ở đây và chứng kiến sự trưởng thành đáng ngạc nhiên, văn minh hơn, quốc tế hóa hơn của họ, có thể thấy sự lựa chọn đó có gì đấy đi cùng thời đại. Đi cùng thời đại là câu chuyện rất đáng nói trên nhiều lĩnh vực của người Hà Nội bây giờ.
Nhiều người đã biết đến tên tuổi của Nguyễn Chí Hiếu khi cậu trở thành học sinh xuất sắc nhất nước Anh trong kỳ thi Chứng chỉ A năm 2004.
Nhưng học sinh VN ở Anh không chỉ có một Chí Hiếu. Nhiều người khác đã trở thành niềm tự hào của lưu học sinh VN tại đây. Có những nơi sự ganh đua học tập chỉ diễn ra giữa các học sinh Việt. Trang, học sinh ở Cao đẳng Chichester khi được hỏi mình có dẫn đầu lớp học không đã trả lời... em chỉ đứng thứ nhì thôi. Vì trong lớp còn có một người... VN khác nữa!
Chuyện còn lý thú ở chỗ nhiều người sang đây mới phát hiện ra chính mình. Nhiều bạn khi học trong nước không có gì nổi bật, hoặc giỏi không đều, nhưng khi được thả vào một môi trường quốc tế thì lại phát huy hết khả năng và tạo ra những đột phá.
Học và sống giữa những người trẻ đến từ các nước khác, học sinh VN không chỉ tự phát hiện ra bản thân mà có lẽ còn phát hiện ra chính cả hệ thống đào tạo nơi quê nhà.
Một điều hơi trái khoáy là những môn khó ở Anh là Toán, Vật lý... lại rất dễ với học sinh VN, trong khi những môn rất dễ với cả thế giới nói chung (ngoại khóa, làm việc nhóm) thì lại trở nên rất khó với họ. Đây có lẽ không phải lỗi của một cá nhân học sinh VN nào, mà là một dạng lỗi hệ thống.
Học nhiều đôi khi làm mình có điểm cao, có thành tích học tập chót vót, nhưng chưa hẳn đã làm mình khôn ra, lớn lên. Hệ thống cơ sở vật chất và cách bố trí của nó ở nhiều trường ĐH ở Anh là để phục vụ cho quá trình khôn ra này.
Thư viện ĐH Birmingham có đến 2 triệu bản sách. Thư viện ĐH Leeds yên lặng và linh thiêng như một giáo đường. Nhưng có lẽ câu chuyện nằm ở Trung tâm nghệ thuật của ĐH Warwick và Bảo tàng Mỹ thuật ĐH Birmingham.
Đây là 2 nơi mà chỉ cần bạn có 1 năm để lang thang, có thể bạn đã khôn ra và lớn lên bằng khoảng chục năm đi học ròng rã. Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Birmingham dẫn PV SVVN đi một lượt Bảo tàng Mỹ thuật trong khuôn viên của trường (được đánh giá là một bảo tàng ĐH thuộc hạng tốt nhất châu Âu). Tôi không thể nghĩ mình có thể được xem tác phẩm của Pierre Auguste Renoir và Claude Oscar Monet cùng nhiều họa sĩ tài danh khác trong khuôn viên của một trường ĐH.
Hay như ở Trung tâm Nghệ thuật của ĐH Warwick, chỉ nhìn giá để brochure in các chương trình biểu diễn ở khoảng 5-6 cụm rạp và không gian khác nhau, có thể thấy SV ở đây là những tỷ phú về văn hóa. Đó cũng là điều trả lời cho câu hỏi về sự trưởng thành mau chóng về phông văn hóa của rất nhiều bạn du học sinh chỉ sau một năm gặp lại.
Khôn ra và lớn lên. Nếu lựa chọn của việc học là để nhằm mục tiêu như vậy thì câu chuyện từ sự trưởng thành của nhiều bạn lưu học sinh tại Anh (cũng như nhiều nước khác) có thể là một gợi ý cho bạn. Và nó cũng là một gợi ý, một đối sánh quan trọng cho cả những người làm đào tạo ở VN.
Theo con số thông kê chính thức, hiện có khoảng gần 3.000 lưu học sinh VN đang theo học tại Anh. Tuy nhiên, cũng có nguồn tin nói con số phải lên đến khoảng 5.000, trong đó có nhiều con em Việt kiều tại Đông Âu. Đại sứ quán VN đang xúc tiến hỗ trợ thành lập tổ chức Tổng hội Sinh viên VN tại Anh trong một ngày sắp đến. 3 suất học bổng cho bậc học Thạc sỹ tại ĐH Leeds Đây là 3 suất học bổng với trị giá tương đương 100% học phí (khoảng 8.300 đến 11.000 Bảng Anh) cho các ngành học thuộc 3 khoa Kinh tế, Công nghệ thông tin, Chính trị và quan hệ quốc tế, niên khóa 2005-2006. Học bổng này chỉ dành riêng cho ứng viên là người VN. Đơn xin học cần gửi đến một trong các khoa nói trên và ghi rõ bạn muốn xin học bổng 100% học phí này và bao gồm các giấy tờ sau: Hạn nộp đơn: ngày 10/6. |