Đám cưới là bước ngoặt trong cuộc đời của mỗi người, nó làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống trước đây của cô dâu và chú rể. Với cô dâu, đó là áp lực khi phải đảm nhận vai trò người phụ nữ trong gia đình, là việc vẹn toàn tình cảm với nhà chồng, còn chú rể, họ cũng có những nỗi lòng riêng, khó nói được với vợ sắp cưới.
1. Lo toan tài chính
Chú rể sợ áp lực đè nặng lên vai khi chính thức trở thành người đàn ông trụ cột trong gia đình. |
Đang từ một chàng trai tự do, chơi bời bạn bè, chú rể nghiễm nhiên trở thành trụ cột gia đình ngay sau đám cưới. Tất nhiên, chú rể đa phần sẽ chọn trao "tay hòm chìa khóa" cho vợ mới cưới, nhưng họ còn phải lo lắng làm sao kiếm đủ tiền nuôi cả gia đình sau này.
Để chú rể bớt lo lắng, cô dâu nên cùng chú rể chia sẻ các vấn đề tài chính khi đang chuẩn bị đám cưới. Sự sẻ chia, gánh vác của người vợ sẽ làm chú rể yên tâm hơn khi bước vào cuộc sống mới. Cụ thể, khi đi mua sắm đồ đạc cho phòng cưới, cô dâu nên tự mua những vật dụng nhỏ như chăn, ga, gối, đồ trang trí... còn chú rể chi tiền sửa phòng, sắm giường, tủ... Mỗi người chia sẻ một chút sẽ đỡ gánh nặng cho cả hai.
2. Dung hòa giữa mẹ và vợ
Mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu là nỗi ám ảnh không chỉ với cô dâu mà nó xảy ra cả với chính chú rể. Việc phải đứng giữa hai người phụ nữ mình yêu thương, khó xử giữa mâu thuẫn của hai người là nỗi sợ của nhiều chú rể.
Mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu luôn là điều ám ảnh của chú rể. |
Để giúp chú rể, cô dâu nên thường xuyên đến nhà chồng để làm quen với nếp sống, quen với mẹ chồng và quan trọng nhất là để chú rể cảm thấy yên tâm. Theo kinh nghiệm của bạn Quốc Dũng, từng kết hôn cách đây 3 năm và đang cùng vợ sống với gia đình mình chia sẻ: "Khi mẹ và vợ xích mích, tôi không tỏ ý bênh ai cả. Tôi mắng vợ ngay trước mặt mẹ và cũng chỉ ra điểm sai của mẹ ngay trước mặt vợ. Khi chỉ còn lại hai vợ chồng, tôi khuyên vợ nên nhịn mẹ một chút để gia đình yên ấm. Lúc ngồi thủ thỉ với mẹ, tôi cũng nói là vợ tôi chưa khéo, mẹ có gì chỉ bảo thêm, không nên xét nét cô ấy quá. Tuy không phải lúc nào cũng hiệu quả nhưng ít ra mẹ và vợ tôi cũng ít nặng nhẹ với nhau hơn".
3. Mất tự do
Lấy vợ cũng đồng nghĩa với việc chú rể nói lời 'tạm biệt' với tự do. |
Lấy vợ cũng có nghĩa là chú rể nói lời chào tạm biệt với cuộc sống tự do, tự tại trước kia. Cuộc sống mới sẽ là những ràng buộc lẫn nhau và điều lo lắng lớn nhất của chú rể chính là bị vợ kiểm soát.
Khi lấy nhau, cả cô dâu và chú rể sẽ phải đánh đổi tự do của mình để lấy hạnh phúc gia đình. Không chỉ có chú rể mất đi tự do, mà bản thân cô dâu cũng sẽ phải vất vả nhiều hơn, ít còn thời gian cho riêng mình. Chú rể nên dành thời gian cùng cô dâu chuẩn bị đám cưới cho thật tốt, thay vì ngồi đó lo lắng.
Thái An
Ảnh: IM