Lê Thiết Cương quan niệm trong nghệ thuật thì đề tài không có giá trị mà điều quan trọng nhất là người ta xử lý nó ra sao. Ban đầu, khi nói đến răng và tóc, công chúng dễ liên tưởng đến vẻ đẹp người phụ nữ nhưng với họa sĩ này thì không. Anh bảo rằng nếu tôn vinh người phụ nữ thì cần gì phải là răng và tóc mà "khối" chỗ khác đẹp hơn nhiều.
Nhưng ý tưởng của cuộc triển lãm này thì hình thành từ những câu chuyện tình cờ của anh. Lê Thiết Cương kể lại: "Tôi đưa bạn đi khám ở chỗ ông thày lang quen. Ông không bắt mạch và bảo bạn tôi há mồm ra, thò tay vào lay lay mấy cái răng cửa rồi bảo: "Chả phải chữa chạy gì cả. Răng còn chắc thế này là còn ham muốn và còn... Rồi cách đây vài năm, khi tôi dự buổi lễ xuống tóc cho một cậu bé ở chùa. Tôi băn khoăn không hiểu sao cắt tóc lại là biểu tượng cho một ý định đã quyết, những sợi tóc rơi nghĩa là đã ở bờ bên này để bắt đầu cuộc hành trình "đáo bỉ ngạn". Chứng kiến hai câu chuyện đó, Lê Thiết Cương hiểu rằng răng và tóc không chỉ là hình thức, tưởng chừng là những thứ rất nhỏ bé nhưng nó ẩn chứa nhiều điều trong đời người.
Họa sĩ Lê Thiết Cương. |
Cuộc triển lãm ảnh mà Lê Thiết Cương làm "chủ xị" thu hút thêm 7 tác giả Dương Minh Long, Nguyễn Việt Thanh, Ngọc Thái, Lê Anh Tuấn, Trần Quốc Khanh, Đoàn Kỳ Thanh và tác giả người Mỹ Lawrence D'Attilio. Cuộc chơi này theo Lê Thiết Cương là rất đặc biệt, sẽ khẳng định cho những người trong và ngoài giới biết đó mới chính là nhiếp ảnh. Với anh, nhiếp ảnh phải thể hiện sự chân thực, tự nhiên, không sắp đặt và thể hiện tính thời điểm.
Với tiêu chí như vậy, Răng và tóc đã giới thiệu những bức ảnh đời nhất. Đó là cô gái quê với mái tóc dài chấm khoeo chân đang đứng trên cầu Thê Húc của Dương Minh Long. Góc máy không lạ, đề tài không mới, mọi thứ xung quanh không có can thiệp của bàn tay con người sắp đặt mang tới sự tự nhiên nhất có thể. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh lại giới thiệu một bức ảnh cậu thanh niên dân tộc Mông đang dùng hai hàm răng để bật nắp chai bia. Nói về những tác phẩm của mình trong triển lãm, Lê Thiết Cương tâm đắc với bức ảnh chụp một phụ nữ dùng răng xé lạt để cung cấp cho những nơi gói bánh chưng ngày Tết. Nếu hình ảnh dừng lại ở đó thì có thể khán giả sẽ bảo bức ảnh ấy chụp cách đây 30 năm cũng được nhưng chi tiết một hộp cơm ăn dở đặt bên cạnh đã nói lên thời điểm của nó. Với Lê Thiết Cương, đằng sau mỗi khuôn hình phải hàm chứa thông tin, thậm chí là thông điệp đến người xem chứ không chỉ là cái đẹp chung chung, nhàn nhạt trên bề mặt ảnh. Vì vậy, có thể nhận thấy trong cuộc chơi do Lê Thiết Cương khởi xướng lần này thống nhất quan điểm trong mỗi tác phẩm của họ là không cố tình, không gượng gạo hoặc cài cắm ý tưởng văn học hay những câu chú thích đao to búa lớn.
Bức "Thói quen" của Lê Thiết Cương. |
Họa sĩ tiết lộ, anh sẽ còn bỏ tiền túi nhiều lần nữa để tổ chức nhiều cuộc triển lãm với tiêu chí tự nhiên và chân thực còn lời lãi không thành vấn đề, thậm chí chấp nhận bị lỗ cũng chẳng sao. Mục đích lớn nhất của anh là khẳng định những tác phẩm trong triển lãm mới thực sự là ảnh. Anh nói: "Có nhiều người chụp tưởng đó là ảnh nhưng tôi cho rằng đó là ảnh giả. Tất nhiên tôi không bảo rằng những bức ảnh đó phải bị xóa bỏ, là vô tích sự mà trên góc độ khác nó cũng rất cần thiết bởi cuộc sống này phải mang nhiều màu sắc đa dạng thì đó mới là sống". Khi được hỏi: "Anh cho rằng không có tác phẩm nào là nhiếp ảnh thực sự, anh nghĩ sao nếu có ý kiến cho rằng đó là một sự kiêu ngạo và làm mếch lòng giới nhiếp ảnh?". Lê Thiết Cương thẳng thắn trả lời: "Giời mưa thì phải ướt áo chứ, nếu cứ sợ điều này điều nọ, không nói thật suy nghĩ của mình thì chỉ còn nước lên núi mà ở ẩn".
Huyền My