Theo nội dung cơ bản của bản cáo trạng của Viện KSND Tối cao, ngày 19/11/2001, Phạm Hồng Quân cùng Mai Xuân Thắng và Nguyễn Anh Đức đi 3 xe Matiz đến "Song phương quán" trên đường Láng- Hòa Lạc chở 9 khách về Hà Nội. Trên đường hướng Hòa Lạc- Hà Nội, xe Matiz do Quân điều khiển đã tránh 3 chiếc xe máy cùng chiều nên đã lạng vào lề bên phải, đâm vào xe đạp của cháu Phạm Phương Linh và Phạm Anh Thư đèo nhau, gây tử vọng cho 2 cháu.
Bị cáo Phạm Hồng Quân bị dẫn ra xe. |
Tại tòa, có 2 luồng nhân chứng ngược nhau về việc bị cáo Quân điều khiển chiếc xe gây tai nạn. Luồng nhân chứng thứ nhất, gồm tốp học sinh đi sau 2 cháu Linh và Thư cho rằng: xe Quân đi với tốc độ “kinh khủng”. 2 xe Matiz màu trắng vọt lên, cố chèn ép nhau vượt lên. Rồi 2 xe va chạm rất nhanh, xe của Quân lấn chéo sang đường, đâm thẳng vào xe đạp, hất tung nạn nhân lên cao và lao xuống ruộng. Nhân chứng Trương Bích Thủy, người đi đường cũng mô tả việc “thấy 2 xe nối nhau vượt lên, nhanh đến hoảng hồn, chưa kịp định thần thì 2 xe đã vụt qua”.
Còn những người khách ngồi trên 2 xe trên hai chiếc taxi do Quân và Thắng cầm lái đều cho rằng không hề có việc hai xe rượt đuổi, chèn ép, va chạm nhau. Xe đi tốc độ bình thường.
Tuy nhiên qua bản bản ảnh video chiếu tại tòa về chiếc cột mốc bên đường bị đâm gãy đôi và chiếc xe lao xuống ruộng với vết cày song song dài tới gần 20m, vết phanh trên mặt đường dài đến gần 10m, luật sư bảo vệ người bị hại cho rằng với xe đi tốc độ bình thường không thể để lại những dấu vết như vậy. Nhưng trong bản cáo trạng lại nhận định xe bị cáo Quân điều khiển chạy với tốc độ tối thiểu 48km/h là rất vô lý.
Phiên tòa nóng lên khi HĐXX gọi hỏi những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án là những cán bộ công an thụ lý, điều tra vụ án. Dù trong cáo trạng đã nhận định rõ rằng các cán bộ công an có nhiều sai sót trong vẽ sơ đồ hiện trường, lập biên bản và tẩy xóa trong các biên bản, dẫn đến việc làm sai lệch hồ sơ nhưng tại tòa các cán bộ công an vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và cho rằng mình chỉ là người thi hành. Việc vẽ hiện trường không đúng với thực tế là do vẽ bằng tay nên có sự xô lệch, hoặc việc cẩu chiếc xe gây tai nạn ra khỏi hiện trường ngay sau đó là không phải do họ tự ý làm (việc đưa tang vật ra khỏi hiện trường là vi phạm tố tụng). Cũng vì gây ra quá nhiều sai sót nên nhóm cán bộ công an thụ lý vụ án đều đã phải nhận án "kỷ luật" trước đó. Các cán bộ công an này đều cho rằng không có mục đích gì trong việc vẽ sai hiện trường, cạo sửa hồ sơ.
Ngoài ra, sự vắng mặt của một số nhân chứng, một số vật chứng của vụ án chưa được trưng cầu giám định một cách toàn diện, như mẫu tóc, máu của người ngồi ghế trước dính vào kinh xe bị vỡ... đã làm cho vụ án ngày càng trở nên rắc rồi. Đặc biệt là sự xuất hiện nhân chứng Nguyễn Phước Cẩm Chi, sau 5 phiên tòa chưa một lần được nhắc đến, trong phần nhân chứng phiên tòa này lại có tên.
Tuy vắng mặt tại phiên tòa, nhưng Nguyễn Phước Cẩm Chi đã có đơn gửi HĐXX và nêu rõ, mình cũng là nạn nhân của một vụ tai nạn, nhưng là vụ tai nạn khác xảy ra trên đường Phạm Văn Đồng tại cùng thời điểm vụ tai nạn Láng - Hòa Lạc xảy ra. Lái xe tải Nguyễn Anh Tuấn đâm vào Chi có mặt tại tòa, khẳng định rằng sau khi gây tai nạn đã đưa Chi vào ngay bệnh viện gần nhất là Bệnh viện 19/8. Tuy nhiên, trong đơn của Chi gửi HĐXX lại khai rằng khi bị đâm xe, Chi ngất đi không biết gì nữa, tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trong bệnh viện Xanh-pôn. Một điều khó giải thích nữa là sau cả 2 vụ tai nạn xảy ra, tại cùng một thời điển điều tra viên Phạm Đăng Nhàn đều có mặt cả 2 nơi để thụ lý cả 2 vụ tai nạn.
Cũng tại tòa, HĐXX đã tập trung xét hỏi bị cáo Quân về hợp đồng làm việc tại công ty TNHH Sơn Dương, xét hỏi những lái xe, người ngồi trên xe có quen biết bị cáo Quân. Nhóm nhân chứng này đều cho rằng không phải là quen thân trước đó. Tuy nhiên theo suy luận của luật sư bị hại thì Quân không phải là lái xe cho hãng xe Thế kỷ mới, vì thời điểm Quân gây tai nạn, công ty Sơn Dương chưa có chức năng kinh doanh dịch vụ taxi. Cũng tại thời điểm đó, Quân gần 20 tuổi chưa đủ tuổi để được cấp bằng lái xe (theo quy định thì người 21 tuổi mới đủ điều kiện để cấp bằng lái xe). Luật sư bảo vệ bị hại Trần Đình Triển (Văn phòng luật sư Vì dân) cho rằng ngày 19/11, Quân cùng nhóm bạn đến ăn nhậu ở Song phương quán, say rượu, đua xe đẫn đến gây tai nạn. Tuy nhiên, trong trình tự hồ sơ của vụ án không thể hiện điều này.
Cũng vì vậy, tại phần tranh luận, bà Nguyễn Thị Phương Dung, mẹ của nạn nhân Phạm Phương Linh đã đề nghị bị cáo Quân nói rõ tất cả sự thật. Gia đình bà không coi trọng việc đền bù thiệt hại vụ tai nạn, cũng không quan trọng việc bị cáo bị xử bao nhiêu năm tù. Vì hoàn cảnh của bà quá đặc biệt, bà chỉ có duy nhất cháu Phương Linh đã mất. Theo bà Dung, bị cáo Quân cũng chỉ là một nạn nhân của sự xếp đặt nào đó, có lẽ cũng rất khổ sở khi suốt 5 năm phải hầu tòa 6 lần.
Cũng trong chiều 28/12, đại diện Viện KSND thành phố Hà Nội đã đề nghị mức án 5 đến 7 năm tù đối với bị cáo Quân về hành vi "vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ".
Hôm nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.
Khánh Ngọc