Những ngày gần đây, gia đình cụ ông Đỗ Phát Dũng (83 tuổi, ở xã Minh Khôi, huyện Nông Cống, Thanh Hoá) vui hơn thường lệ bởi gia đình mới đoàn tụ cùng người con trai sau gần 40 năm thất lạc. Nhiều người thân, hàng xóm tới thăm hỏi, chia vui cùng gia đình.
“Niềm vui sum họp không thể diễn tả được. Tôi ở tuổi gần đất xa trời, cũng không nghĩ có ngày hạnh phúc lớn như thế”, cụ Dũng chia sẻ.
Cụ Dũng cho hay ông bà lấy nhau rồi lần lượt sinh 8 người con, 4 trai, 4 gái. Năm 1978, người con trai cả Đỗ Phát Hùng theo tiếng gọi của tổ quốc lên đường nhập ngũ. Anh Hùng sau thời gian huấn luyện được biên chế vào một đơn vị chiến đấu ở chiến trường Tây Nam.
Chiến tranh kết thúc, những người trai làng cùng nhập ngũ đều trở về hết, riêng anh Hùng mất hẳn tin tức. Ít năm sau, gia đình nhận được giấy báo tử, anh Hùng được công nhận là liệt sĩ.
“Kể từ ngày nhập ngũ, chúng tôi không có bất kỳ liên lạc bằng thư tín hay kỷ vật nào với con trai. Cả nhà ai cũng đinh ninh nó đã chết, chỉ hy vọng tìm được xương cốt đưa về quê hương khói song chưa thể thực hiện vì không rõ hy sinh ở đâu”, cụ Dũng kể.
Câu chuyện về người liệt sĩ quê Minh Khôi hy sinh khi làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc theo thời gian dần cũng ít được nhắc đến cho đến một ngày giữa tháng 6, gia đình bất ngờ nhận được thông tin ông Hùng còn sống ở một tỉnh Tây Nguyên.
Theo người thân, thời gian ở chiến trường, ông Hùng bị sốt rét rừng và mất liên lạc với đơn vị. Sau trận ốm, ông hoàn toàn mất trí nhớ và được một gia đình ở Lâm Đồng cưu mang. Gia đình này sau đó gả con gái cho ông Hùng.
Tuy nhiên, do mất trí nhớ, ông Hùng không rõ quê hương bản quán suốt mấy chục năm. Gần đây, khi thấy người cha lớn tuổi có hồi phục chút ít trí nhớ, các con ông Hùng đã nỗ lực liên hệ về Thanh Hoá tìm kiếm.
“Giữa buổi trưa hơn nửa tháng trước, tôi đang ở nhà thì nhận được điện thoại từ một cán bộ công an xã. Qua cuộc điện thoại đứt quãng, tôi linh cảm đó là con trai mình song chưa dám khẳng định chắc chắn. Tôi yêu cầu con nếu còn sống thì sớm trở về để nhận họ hàng, nhìn mặt mẹ cha…”, cụ Dũng nhớ lại.
Ít ngày sau, ông Hùng cùng vợ và các con trở về. Người thân cho hay sau mấy chục năm xa cách quê hương, người trai làng năm xưa không còn nhớ lối về. “Giây phút gặp lại, cả gia đình đều rơi nước mắt. Có niềm vui nào lớn hơn khi tìm được đứa con thất lạc mà tưởng như đã chết”, cụ Dũng nói. Nước mắt người cha giàn giụa.
Về thăm quê hơn 10 ngày, ông Hùng đã quay về huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cùng vợ con. Bà Trần Thị Hồng, vợ ông Hùng tâm sự, ngày đó, thấy người lính trẻ hiền lành chất phác, lại mất trí nhớ nên cha mẹ bà đã cưu mang, đùm bọc. Sau này, vì cảm mến, bà Hồng nên duyên vợ chồng với ông Hùng. Họ có với nhau 5 người con, ba trai, hai gái. Theo người vợ, ông Hùng dù không còn minh mẫn, nhanh nhẹn nhưng bù lại ông rất chăm chỉ, chịu khó, yêu thương vợ con. Kể từ ngày tìm được người thân, trí nhớ ông Hùng cũng hồi phục nhanh hơn.
Ông Bùi Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Minh Khôi, cho hay việc liệt sĩ Hùng trở về khiến người dân địa phương rất bất ngờ. Chính quyền địa phương đã đến động viên thăm hỏi. Cơ quan chức năng cũng lập biên bản, lấy lời khai và đề nghị thu lại bằng Tổ quốc ghi công đã cấp cho ông Hùng.
Chân Nhân