Nằm khá xa với hai thành phố lớn là TP HCM và Hà Nội, nhưng Quảng Trị ngày nay cũng dần thu hút du khách khắp nơi, đặc biệt là dịp tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ. Chỉ riêng tỉnh này có tới 72 nghĩa trang, trong đó nghĩa trang Trường Sơn và nghĩa trang Đường 9 là nơi chôn cất khoảng 20.000 mộ liệt sĩ, trong đó có rất nhiều mộ liệt sĩ vô danh.
Phương tiện di chuyển
Máy bay: Hiện nay Quảng Trị chưa có sân bay đón khách trực tiếp. Du khách có thể chọn các chuyến bay đến Phú Bài, Huế hoặc Đồng Hới, Quảng Bình. Nếu có dự định về Quảng Trị trong dịp này du khách nên mua sớm để được vé rẻ và chỗ ngồi tốt nhất. Từ Quảng Bình và Huế chỉ mất khoảng 2 giờ đi ô tô để tới thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Giá vé xe dao động 75.000 - 150.000 đồng.
Tàu hỏa: Ga Đông Hà là một ga khá lớn, đón tiễn khoảng 5 chuyến tàu Thống Nhất hàng ngày, chưa kể tàu địa phương. Từ Hà Nội, du khách có thể chọn tàu SE1 hoặc SE3. Xuất phát từ buổi tối, ngủ một đêm trên tàu và sáng hôm sau bạn có mặt tại Quảng Trị. Giá vé nằm dao động 350.000 - 750.000 đồng. Từ TP HCM du khách có thể chọn mã tàu SE8 hoặc SE6, mất khoảng một ngày một đêm và tới Quảng Trị vào sáng hôm sau. Giá vé nằm dao động từ 550.000 đến 1,3 triệu đồng.
Ô tô: Xuất phát từ Hà Nội đi Quảng Trị, du khách muốn tiết kiệm thời gian cũng như tiền khách sạn có thể chọn đi xe đêm giường nằm của các nhà xe như Quang Tửu, Dòng Hiền... Các nhà xe này điều xuất phát lúc chiều tối và đến Quảng Trị vào sáng ngày hôm sau. Giá một vé dao động từ 230.000 đến 250.000 đồng.
Các hãng xe uy tín chạy tuyến Sài Gòn – Đông Hà như Hoàng Long, Tiến Đạt Thành, Đức Trang...đều xuất phát từ bến xe Miền Đông. Du khách có thể đặt vé qua tổng đài của các nhà xe với giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng, tùy gói dịch vụ và các bữa ăn. Thời gian di chuyển dài khoảng một ngày.
Dưới đây là gợi ý hành trình 3 ngày ở Quảng Trị để bạn tham khảo:
Ngày 1: Nghĩa trang Đường 9 - Nghĩa trang Trường Sơn - Địa đạo Vịnh Mốc - Cửa Việt
8h: Sau khi ăn sáng du khách men theo đường quốc lộ 9 để về với nghĩa trang Đường 9. Bạn có thể mua hoa và nhang ở trước cổng nghĩa trang, sau đó tiến vào lễ đài để thắp hương.
9h: Tiếp tục quốc lộ 9 về tới thị trấn Cam Lộ rồi rẽ phải theo hướng chỉ dẫn của biển báo để qua nhánh Trường Sơn Đông. Từ đây chạy một đoạn hơn 10 km để tới nghĩa trang quốc gia Trường Sơn. Du khách thắp hương, dành phút mặc niệm để tưởng nhớ công ơn của các anh hùng.
10h: Tiếp tục hành trình qua tỉnh lộ 75 để về giếng cổ Gio An. Đây là hệ thống thủy lợi của người Chăm sáng tạo và được người Việt tiếp thu giữ gìn đến ngày nay. Theo ước tính hệ thống giếng cổ Gio An trên 5.000 năm tuổi.
11h: Du khách chạy hết tỉnh lộ 75 để tới quốc lộ 1A, từ đây rẽ trái để về di tích lịch sử cầu Hiền Lương, sông Bến Hải. Sau khi tham quan du khách đi tiếp về thị trấn Hồ Xá thuộc huyện Vĩnh Linh để ăn trưa và nghỉ ngơi.
14h: Hành trình kế tiếp là địa đạo Vịnh Mốc, một hệ thống địa đạo quy mô của người dân ở thôn Vịnh Mốc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh. Đây là một công trình quân-dân sự trong thời chiến.
16h: Du khách đi theo cung đường ven biển về hướng Cửa Tùng, ở đây có chợ hải sản rất rẻ, bán các loại nghêu, ghẹ, cá... tươi ngon. Du khách có thể mua về chế biến ở khách sạn hoặc tại nhà dân. Sau đó tiếp tục đến biển Cửa Việt nếu du khách muốn tắm biển, ngắm cảnh, chụp hình. Tiếp sau bạn về làng Mai Xá để ăn bún Chắt Chắt bên cây đa của làng và quay lại Đông Hà.
Buổi tối du khách thư giãn ở những quán cà phê quanh thành phố hoặc đến dọc bờ sông Hiếu thưởng thức hải sản.
Ngày 2: Khe Sanh - Cửa khẩu Lao Bảo - Làng Tà Rụt
7h: Sau khi ăn sáng du khách tiếp tục chạy về hướng quốc lộ 9 để về Khe Sanh của huyện Hướng Hóa. Thăm di tích lịch sử sân bay Tà Cơn thuộc cụm cứ điểm Khe Sanh. Tại đây có hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách về chiến thắng cũng như giai đoạn trong chiến tranh. Từ Đông Hà đến Khe Sanh khoảng 60 km.
11h: Du khách rời Khe Sanh về cửa khẩu Lao Bảo. Ở đây bạn có thể vào siêu thị miễn thuế mua hàng với giá rẻ. Nếu du khách mang theo hộ chiếu có thể sang nước bạn Lào để đánh dấu làm kỷ niệm. Sau khi tham quan và mua sắm du khách nghỉ chân và ăn trưa.
13h: Tiếp tục hành trình, du khách ghé thăm nhà tù Lao Bảo. Đây là một trong những nhà tù lớn nhất Đông Dương, nơi giam cầm nhiều nhà cách mạng như nhà thơ Tố Hữu, đại tướng Nguyễn Chí Thanh…. Hiện nay, địa danh được công nhận di tích cấp quốc gia.
14h: Du khách trở ra quốc lộ 9 để về cầu Đakrông. Vượt qua cầu, đi theo đường Hồ Chí Minh thêm 60 km nữa là bạn tới thị trấn Tà Rụt. Sau khi chinh phục một đoạn khá xa với phong cảnh núi non hùng vĩ, du khách ghé thăm nơi có cộng đồng người dân tộc Pa Cô sinh sống.
Đêm ở đây du khách có thể ghé thăm nhà người dân tộc, trò chuyện, uống trà để hiểu thêm về văn hóa, phong tục đời sống của người Pa Cô.
Khách sạn ở thị trấn này có giá khá rẻ, khoảng 150.000 - 200.000 đồng một đêm, phòng điều hòa. Giá cơm suất ở đây từ 20.000 đến 40.000 đồng.
Ngày 3: Thành cổ Quảng Trị - Thánh địa La Vang - Ẩm thực làng Phương Lang
6h: Du khách dậy thật sớm để bách bộ trong thị trấn Tà Rụt, thưởng ngoạn không gian trong lành, mát mẻ.
8h: Sau khi ăn sáng du khách tiếp tục trở về thành phố Đông Hà để viếng thăm thành cổ Quảng Trị. Nơi diễn ra trận chiến 81 ngày đêm khốc liệt.
11h: Gần thành cổ Quảng Trị là di tích trường Bồ Đề, nơi minh chứng cho trận chiến ác liệt năm xưa. Hầu như nhà cửa ở thị xã Quảng Trị điều bị san bằng, trường Bồ Đề là căn nhà duy nhất còn sót lại sau trận đánh.
12h: Tiếp tục hành trình du khách tiến về thánh địa La Vang, huyện Hải Lăng. Đây là nơi hành hương quan trọng của dân địa phương và du khách các vùng khác.
13h: Sau khi tham quan thánh địa La Vang, du khách tiếp tục chạy thêm khoảng 16 km để tới làng Phương Lang. Ở đây có đặc sản bánh ướt rất nổi tiếng. Dân địa phương dùng bánh ướt ăn kèm với thịt heo luộc, rau sống, nước chấm đặc trưng rất tinh tế và đậm đà hương vị. Du khách có thể tìm đến các quán trong làng Phương Lang để thưởng thức.
15h: Sau khi ăn uống và nghỉ ngơi, bạn về biển Mỹ Thủy thưởng ngoạn cảnh biển trong xanh và hoang sơ.
18h: Trở về thành phố Đông Hà, bạn soạn đồ đạc chuẩn bị lên tàu xe. Nếu còn thời gian du khách có thể thưởng thức một tô cháo cá Hải Lăng ở đường Lê Lợi đối diện khách sạn Công Đoàn khá ngon và lạ miệng.
Lưu ý thêm
Tà Rụt không phải xã biên giới, nhưng là trung tâm cụm xã nên có xin phép càng tốt. Nhớ mang theo giấy tờ tùy thân để phòng trường hợp chính quyền kiểm tra.
Đoạn đường từ cầu Đakrông về thị trấn Tà Rụt chỉ có một số nhà người dân bán xăng lẻ nhưng là người dân tộc nói tiếng Kinh không được tốt. Du khách có thể đổ xăng trước khi đi đoạn đường này hoặc mang xăng dự phòng.
Thị trấn Khe Sanh có trồng và bán cà phê địa phương cho du khách thưởng thức. Lưu ý, người có chứng bệnh về tim mạch uống cà phê ở đây rất dễ say.
Nhớ mang theo áo mưa phòng trường hợp trời mưa bất chợt sẽ làm ảnh hưởng hành trình.
VnExpress