Nhà văn Đào Thắng, người bạn thân tình của gia đình nhà văn Kim Lân cho biết, một phần vì tuổi già, thêm chứng hen suyễn và khó thở lâu ngày nên chuyện ra đi của nhà văn Kim Lân đã được báo trước. Trước khi mất, ông cũng phải nằm viện một thời gian dài.
Nhà văn Kim Lân sinh ngày 1/8/1920 tại Bắc Ninh. Ông bắt đầu viết truyện, viết báo từ năm 21 tuổi. Ông viết không nhiều, chủ yếu về đề tài nông thôn và hai tác phẩm được chú ý nhiều nhất và đưa vào chương trình sách giáo khoa là Làng và Vợ nhặt.
Nhà văn Kim Lân. |
Không chỉ là một nhà văn lỗi lạc, ông còn được biết đến trong vai trò là một diễn viên với vai Lý Cựu trong Chị Dậu, Pụ Pạng trong Vợ chồng A Phủ và đặc biệt vai Lão Hạc trong Làng vũ đại ngày ấy đã đưa ông trở thành một diễn viên nổi tiếng.
Ông có 7 người con trong đó có đến 5 người theo hội họa, nghề mà ông mơ ước từ nhỏ nhưng không thành. Trong số đó, Thành Chương trở thành cái tên quen thuộc nhất với công chúng qua nhiều giải thưởng quốc tế. Ngoài Thành Chương, còn có Nguyễn Thị Hiền (hiện là chủ Gallery Hiền Minh tại TP HCM), Mạnh Đức, Từ Ninh, Việt Tuấn, Đào cũng đều là những họa sĩ thành danh. Ông từng tâm sự, có lẽ niềm mơ ước và yêu thích hội họa của mình đã truyền trọn vẹn sang các con, trở thành năng lực sáng tạo.
Ngoài đời, nhà văn Kim Lân còn nổi tiếng ở nhân cách giản dị và đôn hậu. Nhà văn Y Ban khi vừa biết tin ông mất, bàng hoàng không tin đó là sự thật. Chị tâm sự: "Tôi đang có chuyện buồn lại nghe tin nhà văn qua đời, tôi không thể khóc được nữa. Những tác phẩm văn học tôi được tiếp xúc đầu đời chính là của ông để theo đó hình thành con đường văn chương của mình". Nhưng đối với Y Ban, điều mà chị trân trọng nhất ở nhà văn Kim Lân chính là nhân cách: "Ông là bậc trưởng lão trong làng văn và rất có tiếng như vậy nhưng lại chấp nhận lớp trẻ chúng tôi rất phóng khoáng. Chính ông là người chắp cánh và ủng hộ tác phẩm Bức thư gửi mẹ Âu Cơ của tôi".
Hình ảnh nhà văn Kim Lân trong mắt Y Ban luôn là một ông lão trầm ngâm ngồi trong căn nhà nửa tối nửa sáng kỳ lạ nhưng rất gần gũi. Ông cũng là người mà chị hay tìm đến để chia sẻ mỗi khi gặp chuyện buồn. Y Ban kể lại, lần gặp gần đây nhất, trông ông đã yếu rồi nhưng vẫn gọi chị đến rồi giúi vào tay bao thuốc lá và bảo: "Con mang về cho chồng nhé".
H.M.