Bà Đảm (mẹ chồng chị Cấn Thị Hạnh) òa khóc khi nhắc đến số nợ con dâu đã vay. |
Hiện giờ, hầu hết trong số họ ở trong tình trạng cạn kiệt lương thực và mong muốn được trở về với gia đình, ở quê nhà, người thân của họ cũng điện thoại kêu cứu lên báo chí.
Lần theo địa chỉ nhà của những người lao động ở Jordan, các phóng viên đã tìm về xã Phú Kim, huyện Thạch Thất, tỉnh Hà Tây để tìm hiểu.
Gia đình đầu tiên phóng viên tìm đến là của chị Cấn Thị Hạnh ở thôn Ngoại, xã Kim Phú. Bà Bùi Thị Đảm, mẹ chồng của chị Hạnh ôm cháu khóc nấc lên không nói được lời nào. Thấy bà khóc, cháu bé mới 2 tuổi, con của chị Cấn Thị Hạnh khóc òa lên. Vỗ về hai bà cháu một lúc thì bà Đảm bình tĩnh trở lại. Bà hỏi: “Liệu con tôi có về được không cô? Cảnh sát mà đánh thì con tôi chết mất. Nó mà không về được thì tôi tính sao với hai đứa con của nó bây giờ”!
Theo lời chị Nguyễn Thị Tuyết (Thạch Thất, Hà Tây), chị là một trong hơn 200 lao động VN đang kêu cứu ở Jordan. Trước khi đi chị được công ty xuất khẩu lao động cho biết sẽ được trả lương 220 USD một tháng (chị đặt cọc 25 triệu đồng). Tuy vậy, khi sang tới Jordan, chị Tuyết và những người cùng đoàn chỉ được trả mức lương 120-130 USD một tháng. Bên phía sử dụng lao động không làm đúng theo hợp đồng thỏa thuận 8 giờ một ngày mà bắt làm tới 16 giờ một ngày với chỉ một ngày nghỉ trong tuần.
Chị Tuyết và những người lao động VN đã phản đối tình trạng lao động quá sức này và biểu tình từ mười ngày nay để đòi hỏi phía công ty nước bạn phải có sự đối xử công bằng và tuân thủ hợp đồng. Sau khi đình công được 2 ngày, phía công ty ở Jordan đã họp toàn bộ công nhân và bắt họ tiếp tục làm việc, đe dọa nếu ai không làm thì bị đánh đập. Đến ngày 20/2, công ty thuê cảnh sát địa phương đến phá cửa phòng, dùng bình cứu hỏa xịt bột và dùng gậy đánh một loạt công nhân đang đình công ở đây. "Có một số người đang ốm nằm trên giường cũng bị lôi xuống đánh", chị Tuyết bức xúc kể. (Theo Tuổi Trẻ) |
Bà Đảm chân trần, quần ống thấp ống cao ngồi trong ngôi nhà ngói ba gian nhưng trống hơ trống hoác, chẳng có đồ đạc gì có giá trị ngoài chiếc tivi vừa mua được do con gửi tiền về? Bà kể: “Nó đi hôm 20/9/2007. Nhà tôi nghèo quá, công ăn việc làm không có, dựa vào mấy sào ruộng thì không đủ ăn nên vợ chồng nó mới tính vay tiền đi xuất khẩu lao động. Gia đình chúng tôi nghèo, anh em họ hàng cũng vậy, nên hầu như chúng nó phải tự đi vay nặng lãi của người ngoài. Vợ chồng chúng nó phải nhờ anh trai bên vợ vay cho đấy".
Nghẹn ngào bà kể tiếp: "Trước khi đi, nó bảo với tôi: “mẹ ở nhà trông hai đứa nhỏ hộ con, cho con đi lao động vài năm để về mua mảnh đất làm nhà”. Từ hôm nó đi đến giờ, mới chỉ gửi về được 6 triệu. Hôm thổi cơm liên hoan cho nó đi, tôi đưa cho nó 200.000 đồng. Nó chỉ nhận 100.000, còn 100.000 nó bảo tôi giữ lại cho hai đứa nhỏ”.
Hai đứa nhỏ con chị Hạnh, đứa lớn, cháu Nguyễn Thị Thu Hiên năm nay mới 5 tuổi, khi chúng tôi đến đang ở lớp mẫu giáo của thôn; đứa bé, cháu Nguyễn Thị Thu Thảo mới lên 2. Cầm cố, vay mượn được khoảng gần 30 triệu đồng, chị kiếm được một vé bay sang Jordan làm việc.
Bà Đảm kể tiếp: “Hôm trước Tết, nó gọi điện về cho thằng Thắng nhà tôi (chồng chị Hạnh) để thông báo tình hình là lương thấp mà phải làm việc quá sức 16 tiếng/ngày. Thằng Thắng đã vào Đăk Lăk tìm việc làm mới một tuần nay, không biết nó đã biết chuyện vợ nó bị đánh ở bên đó chưa. Ông nhà tôi đi làm thuê làm mướn, tôi giờ phải một mình ở nhà lo cám bã, lợn gà và hai đứa nhỏ này".
"Vì chúng nó muốn đi lao động để mong hết khổ, tôi mới chấp nhận cho chúng nó đi. Biết đi lao động nợ nần, khổ sở nhục nhã thế này, tôi sẽ không chúng nó đi đâu. Giờ tôi thân già mà đêm không được ngủ trọn giấc vì hai bên sườn hai đứa nhỏ. Mẹ chúng nó thì chẳng biết sống chết thế nào cô ơi”, bà Đảm lại òa khóc.
Cùng cảnh ngộ như gia đình chị Cấn Thị Hạnh, anh Cấn Xuân Chung ở thôn Bách Kim, xã Phú Kim cũng có vợ là Cấn Thị Lan đang ở Jordan. Hàng ngày anh Chung “đi te” (mò cua bắt ốc, bắt lươn) để nuôi hai đứa con nhỏ. Mỗi ngày “đi te”, anh Chung kiếm được 10.000-20.000 đồng.
Anh Chung (chồng chị Cấn Thị Lan) ngày ngày "đi te" kiếm sống, bao giờ mới trả hết nợ? |
Anh kể, vợ anh bay từ tháng 8/2007. Trước khi xuất ngoại, vợ chồng anh nộp hết 31 triệu đồng cho một người tên Đường. “Toàn bộ số tiền này, chúng tôi đều phải vay nặng lãi. Trước khi vợ tôi đi, tôi cũng đã đọc kỹ hợp đồng, biết được khoản tiền lương hàng tháng là 230-250 USD một tháng nên đã quyết tâm đi vay tiền cho vợ đi. Với khoản lương như vậy, tôi tính chỉ nửa năm là hoàn vốn. Vậy nhưng không ngờ sang đó, họ trừ kiểu gì mà tiền lương vợ tôi nhận được chỉ có 2 triệu VND một tháng, thấp hơn một nửa so với những cam kết và hứa hẹn của Công ty Cổ phần Da giày Việt Nam”.
Cám cảnh không kém là gia đình của lao động Khuất Thị Nga. Hai vợ chồng lấy nhau có được hai mặt con, do vỡ nợ vì mở xưởng làm ăn nên anh chồng tìm cách lo lót cho vợ đi Jordan để về trả nợ. Toàn bộ số tiền hơn 30 triệu phải chi phí trước lúc đi đều nhờ mẹ vay.
Bà Cấn Thị Chiến, mẹ chị Nga lo lắng: “Con tôi mới đi được 2 tháng nay. Giờ mà trở về tay không thì không biết khoản nợ này ai trả cho tôi bây giờ!? Lãi suất hàng tháng chúng tôi phải trả cao lắm. Số tiền tôi vay cho con, lãi suất chỉ 2,0 nhưng có gia đình vì con phải đi gấp nên cao mấy cũng phải vay. Hai phẩy chứ 5 phẩy, 10 phẩy cũng phải vay mà đi”.
Hầu hết các gia đình có lao động đang làm việc tại Jordan mà chúng tôi đến đều ở trong tình cảnh túng bấn, con cái nheo nhóc, nhà cửa không có. Đó cũng chính là lý do đã đưa bước chân họ tìm đến nơi “miền đất hứa”.
(Theo Gia Đình Xã Hội)