Số đất còn lại, làm mấy cái kiốt, hoặc mấy gian nhà cấp 4 cho sinh viên thuê, thành ra chả làm gì cũng không sợ đói. Lúc đầu thì cái sự chả làm gì không ai muốn. Nhưng mấy đời làm ruộng, bây giờ có "đào tạo lại" cũng chẳng để làm gì, làm gì còn ruộng mà làm.
Cái sự chơi lúc đầu chỉ là bất đắc dĩ, nhưng chơi mãi thành quen, đến bây giờ thì chả thích làm gì, kể cả làm cỗ. Có công việc gì phải đụng đến cỗ bàn, thì cũng lại đi thuê. Cái sự chơi ở đây, là chơi mà không phải lo miếng cơm manh áo.
Ông Chức ở phường Trung Hoà bảo, mười gia đình ở làng ông trước đây, thì có đến sáu bảy gia đình có nhà cho sinh viên thuê. Nhà ông cũng có 9 gian nhà cấp 4 nhưng không khép kín, ông cho thuê mỗi gian trung bình 350.000 đồng/tháng. Bây giờ ông phá đi, xây lại cũng trên diện tích ấy thành 2 tầng, 8 gian khép kín, đang trong giai đoạn hoàn thiện. Dự kiến cho thuê 700.000 đồng/tháng. Vị chi mỗi tháng ông cũng được dăm sáu triệu tiền cho thuê nhà.
Dân ở khu vực này không những có nhà, có kiốt cho thuê, mà hầu như nhà nào cũng có sổ tiết kiệm, có sổ hàng tỷ đồng, thành ra chơi mà không sợ ăn cụt vào vốn.
Không phải tất cả mọi người đều chơi, nhưng số người chơi ở đây cũng không phải ít. Hầu hết là những người trước kia là nông dân, khi không còn ruộng nữa, họ chả biết làm gì. Khi đã có tiền, thì từ chỗ chả biết làm gì đến chỗ chả cần làm gì, cũng chỉ là gang tấc, thành ra cái sự chơi ở đây nó mênh mông lắm.
Ông Chức bảo: "Sáng ra cả làng tập thể dục, xong "loăng quăng" đến 9h mới về, làm mấy ván cờ thế là hết ngày".
Ông Tuỳ ở thôn bên cạnh, nay thuộc phường Yên Hoà thì bảo: "Làng chơi thì tự cổ chí kim đến bây giờ ông mới thấy, chơi mà đói thì mới sợ, chứ chơi mà no thì tội gì không chơi".
Rồi ông lại bảo: Chỗ ông có nhiều "hội chơi" lắm. Hội cờ tướng của các ông, hội tam cúc của các bà, hội lễ chùa, hội du lịch, hội v.v... Toàn những hội VLC và CLC (vui là chính và chơi là chính).
Chơi phố nó khác chơi làng. Chơi phố thì họ đổ ra phố, ra quán bia, ra sàn nhảy, ra rạp chiếu phim... Chơi nhiều nhưng quen ít. Còn chơi làng nó bắt đầu từ sự quen đến sự chơi.
Làng Việt Nam có lịch sử từ hàng trăm, hàng nghìn năm. Mỗi người trong làng đều có quan hệ họ hàng, dòng tộc. Ra ngõ là gặp người quen, là gặp họ hàng, anh em ruột thịt. Cả làng có mối quan hệ dằng dịt, cho nên chỉ chơi suông với nhau cũng đã hết ngày.
Hà Nội cứ phình ra tứ phía, với một tốc độ chóng mặt, chỉ riêng những khu đô thị mới đã ngốn mất bao nhiêu là làng. Nào Linh Đàm, Pháp Vân, Nam Thăng Long, Định Công, Trung Yên... Kể cả khu Nghĩa Đô, Giáp Lục, Mai Động... trước đây cũng đều là làng, thành ra số người chơi cứ tăng dần lên, cũng đến chóng mặt, theo sự phát triển của đô thị.
(Theo Lao Động)