Từ chân cầu tàu Thọ Quang (Sơn Trà), chiếc thuyền cá loại 22 mã lực đưa đoàn khảo sát trong đó có hai chuyên gia lặn biển người Pháp, ông Joel và bà Minh Thu Botté, rẽ sóng thẳng hướng ra mũi Nghê. Sau hơn 40 phút trên sóng, đi qua các địa danh bãi Bụt, bãi Nồm, bãi Tranh, bãi Giòn..., đoàn khảo sát đến với mũi Nghê.
Từ xa, mũi Nghê - một mỏm đá ăn sâu ra biển - hiện nguyên dáng một con sư tử nằm thưỡn dài trên mặt biển. Nước biển nơi đây trong vắt đến lạ kỳ, nhưng chỉ cần thuyền nhích ra xa bờ một chút mặt biển lại trở nên xanh thẳm.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, vùng biển mũi Nghê với diện tích chừng 4,5 ha là lãnh địa của những loài cá mú, cá hồng mà chỉ cần biết quăng câu, du khách có thể tóm được dăm chú cá làm mồi nhậu buổi trưa ngay trên biển. Khi dự án nói trên được triển khai, đây sẽ là khu vực dành riêng cho những nhóm lặn biển chuyên nghiệp. Theo hai chuyên gia lặn biển đi cùng đoàn đánh giá, vùng biển mũi Nghê có tiềm năng về lặn biển hơn cả khu vực hòn Mun, Nha Trang. 42 loài san hô rực rỡ sắc màu nơi đây đã hút hồn du khach thăm quan.
Bãi Tranh - nơi dự kiến hình thành những khu lều dã ngoại nằm sát chân sóng. Ở đây, sau những giây phút phơi mình trên cát trắng, du khách có thể lặn biển để thỏa sức ngắm nhìn cả một rừng san hô dưới thềm lục địa. Do các rạn san hô mọc rất sát bờ nên chỉ cần một vài sải tay bơi du khách có thể ngắm nhìn vô vàn những đàn cá thuộc họ cá thia (18 loài), cá bàng chài (15 loài), cá bướm (9 loài), cá thần tiên...
Trong khi du khách đang vui đùa cùng đàn cá dưới mép biển thì trên bờ, nếu không cẩn trọng những gì mang theo của một chuyến picnic sẽ bị những đàn khỉ tấn công. Bởi một thời bán đảo Sơn Trà được mệnh danh là đảo khỉ với những đàn khỉ đông vô kể. Nhưng từ 10 năm trở lại đây do tốc độ khai thác, xây dựng nhiều khiến lũ khỉ phải ẩn sâu vào rừng. Song bãi Tranh vẫn là nơi duy nhất bọn khỉ thường xuyên xuất hiện theo đàn với số lượng lớn.
Tàu thả neo dừng chân quanh hòn Sụp rất gần bãi Thọ Quang. Ngồi trên thuyền, du khách cũng có thể quan sát những cây san hô như chiếc nấm khổng lồ mọc quanh khu vực hòn Sụp rộng chừng 9 ha. Trong tương lai nơi đây sẽ là khu vực dành cho những người mới tập lặn. Theo số liệu khảo sát của bà Minh Thu Botté, trong khi phía đông của hòn Sụp có khoảng 54 loài san hô thì phía tây số loài san hô lên đến 58. Đặc biệt quanh hòn Sụp có đến 162 loài thuộc 77 giống cá khác nhau sinh sống.
(Theo Tuổi Trẻ)