Đinh Thu Hương
Nhiều đứa trẻ, cảm giác là chúng khôn quá, không lớn được, khôn đến độ chẳng khác gì "cụ non", cái ngây ngô của trẻ con dường như mất dần đi. Chúng thông minh quá đôi khi thấy toàn... khôn lỏi, khôn cái kiểu ích kỷ cho riêng mình. Nhìn dăm bảy đứa trẻ gần nhà khoảng 2-3 tuổi, cái kiểu khôn đến ích kỷ như là bản sao của nhau vậy.
Chỉ thích chơi đồ chơi của bạn nhưng không cho bạn mượn đồ chơi của mình, chỉ thích sang nhà bạn chơi nhưng bạn sang nhà mình là vội vàng ra sập cửa không cho vào. Chỉ muốn bạn chia bim bim cho mình nhưng mình thì nhất quyết không bẻ ra được một mẩu. Chỉ nhanh nhẹn "dạ - vâng" khi được người lớn cho cái này, thứ kia nhưng ôm khư khư giấu giiếm khi người lớn đùa xin. Chỉ muốn mẹ bế mình chứ không thêm bạn nào khác...
Có thể dăm bảy đứa trẻ này không nói lên tất cả, không hẳn là biểu thị cho số đông nhưng chúng đang là đại diện cho thế hệ tương lai. Có thể sau 10 hay 20 năm nữa, chúng sẽ không còn ích kỷ đến từng cái kẹo, từng gói bim bim nhưng sự ích kỷ lớn dần theo thời gian, theo độ tuổi.
Cuộc sống ngày một tăng tốc và phát triển, sự vội vàng phủ đầy lên cuộc sống thường ngày khi giờ đây người ta chẳng kịp dừng lại trước một cụ già loay hoay qua đường, không nán lại nhặt cùng ai đó khi đồ của họ la liệt trên đường... Cuộc sống mỗi lúc mỗi khác và không biết sẽ còn khác đến thế nào nữa khi những đứa trẻ này làm chủ đất nước với tình thương hạn hẹp, sự ích kỷ rộng rãi hơn, với sự đùm bọc, san sẻ ít nhưng "cái tôi" thì lớn đến không tưởng.
Ngẫm cho cùng thì cũng lại là môi trường, cũng vẫn là cách người lớn hướng cho chúng sống và chơi mà ra cả. Cứ cái kiểu: "Nào ăn đi, ăn không có bạn A, bạn B, bạn C... ăn hết bây giờ", là đứa trẻ lại há miệng nuốt thun thút như đúng rồi. Cứ cái kiểu: "Kẹo này cay lắm, bạn D không ăn được đâu" là cái cách để người lớn dỗ dành cho qua chuyện khi có đứa trẻ khác thèm nhưng không được con cho. Cứ cái kiểu: "Cái này để cháu bé cháu chơi, cô lớn rồi..." thì liệu với bộ óc thông minh của chúng, chẳng nhẽ lại không thể hiểu, chẳng nhẽ toàn đứa "ăn lõi gạo" lại không thể biết để vận dụng.
Đừng bao giờ nghĩ cháu 2-3 tuổi là bé nên không biết gì khi nó cứ lăn xả tát vào mặt người lớn, túm tóc cào cấu bạn khi không có được thứ đồ chơi mình thích. Cháu 2-3 tuổi không biết gì nhưng biết sợ khi người lớn nghiêm mặt đe, biết dừng lại, thôi đánh bạn khi bạn khóc. Thế nên cháu 2-3 tuổi còn bé thật nhưng cháu hiểu được cả đấy, hiểu theo cách người lớn hướng cho cháu một cách đầy thiện chí.
Cũng chỉ là có thể tôi đang suy nghĩ quá sâu và xa, lo lắng hơi quá đà khi tự mình nhân rộng mọi thứ vượt ngoài tầm của nó. Cũng chỉ là có thể tôi đang quá khắt khe với những đứa trẻ chưa một lần tôi hiểu thế nào là "mang nặng đẻ đau", tôi không thấu hiểu hết tình thương của những người được làm cha mẹ dành cho những đứa con của mình. Nhưng với tôi, thương không đồng nghĩa là dạy con cách bao biện, cách không cần sẻ chia.
Đành rằng: "Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" nhưng tôi không tin trong môi trường giáo dục mà tôi vẫn ví, đầy rẫy những chất kích thích với hóa học này lại không hề hấn, ảnh hưởng gì tới nhân cách đứa trẻ. Tôi không tin, những đứa trẻ 2-3 tuổi là cháu bé không biết gì nhưng khi mới chỉ chập chững bước sang 4-5 tuổi đã phải học cả khối chữ nghĩa môn này, môn kia, hết mẫu giáo lại đến lớp học thêm.
Giờ học Toán hay Ngoại ngữ cứ dày đặc lên từ trong trường, ngoài lớp với kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Còn các bài học đạo đức, cha mẹ phó mặc cho những tiết giảng ít ỏi ở trường. Có thể vẫn biến những đứa trẻ ấy thành người tài, người đứng đầu lĩnh vực nhất định nhưng tôi chắc rằng chúng vẫn thiếu đi một góc nào đó trong tâm hồn.
Tôi thích dạy những đứa cháu mình cách để chúng biết san sẻ đồ chơi hay từng gói bim bim, cách nhường nhịn và biết hy sinh từ những cái nhỏ nhất quanh tuổi của chúng. Bởi với tôi, khi cho đi nghĩa là bạn sẽ còn được nhận lại. Đó mới là hạnh phúc, là giá trị của cuộc sống mà con người hướng tới.
Vài nét về blogger
Nói ngoài lề thì rất giỏi nhưng nói trong một hoàn cảnh trịnh trọng nào đó thì thấy rất khổ. Viết cũng tuỳ lúc, tuỳ chỗ... nhưng thấy dân tình "blog" ác quá nên cũng gắng "đua đòi" cho đỡ tụt hậu, cho đỡ tủi thân. 8X mà - Đây là câu tự bạch trích trong blog của tôi từ khi bắt đầu tham gia blog đến giờ... - Đinh Thu Hương.