Nữ giám đốc “xe ôm” “Alô, có phải Cokbi đấy không. Cho một xe đến ngõ 111 Nguyễn Phong Sắc nhé…”. 5 phút sau, một chú Cokbi xuất hiện và đưa bạn đến nơi bạn muốn. Đó chính là dịch vụ của doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe máy: Cokbi Hiền Linh. Cokbi hiểu nôm na là taximoto (dịch vụ vận chuyển bằng xe máy có đồng hồ điện tử tính giờ, mới xuất hiện tại Hà Nội). Nhân viên trực tổng đài dùng bộ đàm điều xe khi khách hàng gọi. Đội ngũ tài xế được trang bị các phương tiện như đồng phục mũ, áo, bộ đàm điện thoại nối với tổng đài... Khách hàng đang ở bất cứ địa điểm nào của Hà Nội bấm điện thoại gọi vào số tổng đài, các tài xế của công ty sẽ có mặt. Nhiều khách hàng thích thú khi lần đầu thấy xe máy Cokbi lắp đặt đồng hồ điện tử tính đường và tiền tương ứng. Còn các bác tài thì hồ hởi vì chỉ phải đóng phí 10.000 đồng/ngày cho công ty, còn lại là bỏ túi. Ít ai biết Giám đốc điều hành của Cokbi Hiền Linh là Trần Kim Ngân, sinh viên năm thứ 4, khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ngân cho biết: “Công ty lấy tên dịch vụ này là Cokbi để thay đổi khái niệm xe ôm. Điều này sẽ tạo cho đội ngũ lái xe đầu quân cho công ty mình tâm lý thoải mái , không tự ti về nghề của mình…”. Ý tưởng về một công ty kinh doanh loại dịch vụ này lóe lên trong chuyến du lịch Bangkok (Thái Lan). Ngân tâm sự: “Lúc ấy mình đã thấy Thái Lan manh nha loại hình kinh doanh này. Mình đã liều tách đoàn, lân la trò chuyện với các bác tài moto của Thái Lan suốt mấy ngày liền”. Về nước, Ngân lên đề án và định để sau khi tốt nghiệp sẽ bắt tay thực hiện. Nhưng cũng trong quá trình đó, khi thăm dò thị trường trong nước, cô phát hiện ra rằng, có hai công ty đang có những hoạt động “tay trái” gần giống hoạt động trong kế hoạch của mình. Lập tức cô cùng các bạn lao ngay vào thực hiện kế hoạch. Ngân thuyết phục bố mẹ thế chấp nhà vay tiền để trang bị các phương tiện kỹ thuật. Sau đó, Ngân tuyển chọn đội ngũ lái xe. Tiêu chí nhân sự của Công ty Hiền Linh là những tài xế có kinh nghiệm, có nhân thân, lai lịch, địa chỉ thường trú rõ ràng. Gia nhập công ty, họ lập tức được nộp BHXH, BHYT, BH trách nhiệm dân sự đối với khách hàng. Để Cokbi hoạt động bài bản, Ngân đã có hàng loạt những chuyến đi nghiên cứu, học hỏi thị trường, cách làm của nước bạn Thái Lan và những chuyến đi “con thoi” ở hai thị trường Bắc, Nam. Rẻ, thuận tiện, an toàn hơn, Cokbi giành được tín nhiệm của khách hàng chính nhờ việc sử dụng hóa đơn VAT và đồng hồ điện tử để tính cước. So sánh với loại hình taxi về giá cả, Ngân nhận thấy với taxi, cũng quãng đường đó, khách hàng sẽ chi ít nhất cũng gấp đôi. Hơn nữa ưu thế nổi bật của Cokbi là chế độ bảo hiểm cho hành khách. “Mặc dù Cokbi chính thức có mặt trên thị trường sau một số công ty khác và trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với các loại hình vận chuyển hiện có nhưng tôi tin với những ưu điểm của nó, chúng tôi sẽ đứng vững và số điện thoại 04.2626364 sẽ nằm trong bộ nhớ nhiều người”, Ngân khẳng định. Khởi nghiệp từ trấu và mùn cưa Năm lớp 11, Việt tự mình mở một xưởng nhỏ, anh vừa làm chủ, vừa làm thợ và kiêm luôn nhân viên tiếp thị bán hàng. Học đến năm thứ tư ĐH Xây dựng, thấy cần phải dành hết thời gian và công sức cho kinh doanh Việt quyết định tạm nghỉ học. Quyết định này của Việt vấp phải sự phản ứng dữ dội của gia đình. Mọi người đồng ý cho Việt theo đuổi kinh doanh nhưng phải có bằng đại học. Anh đã thuyết phục gia đình rằng đây chính là thời điểm hợp lý nhất để anh thực hiện hoài bão làm ăn lớn của mình; rằng cần phải nắm lấy cơ hội của mình. Và Công ty cổ phần VIETgo đã ra đời. Công ty cổ phần VIETgo ra đời năm 2005, thời điểm thương mại điện tử trên thế giới phát triển khá mạnh và bắt đầu phổ biến ở Việt Nam. Tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử, VIETgo bắt đầu xuất khẩu với những mặt hàng vốn đã là thế mạnh của Việt Nam như mây tre đan, nông sản. Bên cạnh đó, nhận thấy được lợi ích của một số mặt hàng làm từ nguyên liệu trong nước, VIETgo tiến hành khai thác và hiện nay trở thành công ty đứng đầu trong xuất khẩu mùn cưa, trấu… Trang web xúc tiến thương mại lớn nhất thế giới hiện nay http://www.Alibaba.com.vn đã trao giải danh giá Winning sheller cho VIETgo. Ai mua bán doanh nghiệp không, tôi giúp? Trần Trọng Hiếu, Giám đốc đầu tư của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị quốc tế ADJ, lại có hướng đi khác. Sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh Irvine University tại Mỹ, Hiếu đã có thời gian công tác tại nhiều công ty nước ngoài. Đây là môi trường thuận lợi để Hiếu học hỏi tác phong và kinh nghiệm thương trường của những doanh nghiệp nước bạn. Năm 1998-1999, khi còn đầu quân cho Prudential Việt Nam, Hiếu đã học được cách thức quản lý đội ngũ đại lý hơn 2.000 người. Hiếu đã đến 20 quốc gia khác nhau để tham khảo và học hỏi các công ty tài chính thành công. Và chính thời điểm này anh đã nhận thấy có một thị trường đặc biệt đang hình thành và được dự báo là sẽ sôi động trong thời gian tới. Đó chính là thị trường mua bán và chuyển nhượng doanh nghiệp. Trang web http://www.muabandoanhnghiep.com.vn của ADJ ra đời dưa trên ý tưởng đó. Đây là siêu thị hay là sàn giao dịch ở trên Internet. Chưa đầy 2 tuần sau khi thành lập trang web này đã nhận được gần 40 yêu cầu bán doanh nghiệp. Một nửa trong số đó đã mua bán thành công. ADJ luôn duy trì một mối quan hệ mật thiết với các tổ chức nước ngoài thông qua đại sứ quán ở các quốc gia. Khi các doanh nghiệp ngoài nước muốn đầu tư hoặc tìm mua doanh nghiệp trong nước, họ sẽ thông qua đại sứ quán nước sở tại. Đại sứ quán sẽ thông tin cho ADJ. Và ngược lại, nếu doanh nghiệp trong nước muốn tìm kiếm đối tác nước ngoài họ cũng sẽ thông qua ADJ. Đến nay thị trường của ADJ còn vươn tới, không chỉ dừng lại ở những thị trường tiềm năng mà bao gồm những thị trường Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan. (Theo Tiền Phong) |