Việc một số ngân hàng tăng lãi suất không phản ánh đúng cung cầu vốn thị trường. |
Chẳng hạn lãi suất tiền gửi kỳ hạn ba tháng của SHB từ 0,73% đến 0,75%/tháng tùy số lượng gửi nhiều, ít. Với số tiền gửi tính bằng tỷ đồng, người gửi có thể thỏa thuận một mức lãi suất hấp dẫn hơn mức lãi suất niêm yết trên.
SHB không phải là tổ chức tín dụng duy nhất tăng lãi suất huy động. Một số ngân hàng khác cũng có động thái tương tự SHB. Phần lớn đấy là các ngân hàng mới chuyển đổi mô hình từ tổ chức tín dụng nông thôn lên thành đô thị qua các đợt tăng vốn ồ ạt. Tăng lãi suất là một mũi tên bắn trúng hai đích đối với họ.
Thứ nhất do chưa có thương hiệu, lãi suất sẽ là “mồi nhử” để họ thu hút khách hàng từ những ngân hàng đang áp dụng lãi suất huy động thấp hơn. Không chỉ khách hàng cá nhân, lãi suất tiền gửi cao hơn 0,03-0,04 điểm phần trăm/tháng còn được doanh nghiệp có tiền nhàn rỗi tạm thời quan tâm.
Thứ hai, họ đang thực sự thiếu vốn để cho vay. Những ngân hàng này chưa có điều kiện phát triển ngay các dịch vụ tài chính, nên chỉ còn cách gia tăng dư nợ, tối đa hóa lợi nhuận từ tín dụng để giải tỏa áp lực lợi nhuận không cân xứng khi mà vốn điều lệ vọt lên nhanh.
Trước đây hầu hết các ngân hàng cổ phần nông thôn vốn điều lệ 50-70 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 20-30 tỷ đồng/năm, nay vốn tăng lên 500-700 tỷ đồng, lợi nhuận phải tăng tương ứng 10 lần. Làm sao có thể đạt được điều đó trong vòng 12-24 tháng?
Tốc độ gia tăng lợi nhuận thấp hơn tốc độ tăng vốn sẽ dẫn đến hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng, và tất nhiên, giá cổ phiếu bị tác động theo. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang phát triển, không ngân hàng nào muốn cổ phiếu rớt giá và vì thế, lãi suất trở thành một công cụ cạnh tranh để giữ giá cổ phiếu.
Trên thực tế, việc một số ngân hàng tăng lãi suất không phản ánh đúng cung cầu vốn thị trường. Mới đây không ít ngân hàng tăng lãi suất huy động ngoại tệ, chủ yếu do doanh nghiệp, nhất là các đơn vị làm hàng xuất khẩu hoặc có nguồn thu ngoại tệ khác, chuyển sang vay USD vì chênh lệch lãi suất giữa ngoại tệ-tiền đồng quá lớn. Thay vì vay tiền đồng, các nhà xuất khẩu vay đôla Mỹ, rồi bán đôla Mỹ cho ngân hàng lấy tiền đồng. Bằng cách này họ tận dụng được lãi suất đôla thấp.
Rủi ro về tỷ giá hiện nay hầu như không có khi mà Ngân hàng Nhà nước đang phải nỗ lực để có thể đảm bảo đồng Việt Nam đạt được mức mất giá 1% so với đôla Mỹ trong năm nay. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn cho rằng khả năng đồng Việt Nam tăng giá (như từng xảy ra trong tháng 12/2006, tháng 1, 2/2007) là có thể, bởi nếu thị trường chứng khoán nóng trở lại, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài sẽ tăng, áp lực tăng giá đồng nội tệ sẽ trở nên rõ ràng hơn.
Như vậy, vay ngoại tệ ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp có lợi cả đôi đàng. Không phải ngẫu nhiên, trong cuộc đối thoại giữa doanh nghiệp ở khu công nghiệp Tây Bắc (Củ Chi) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) tuần trước, hàng loạt công ty đã đề nghị được vay ngoại tệ thay vì tiền đồng.
Tuy nhiên, với nhiều ngân hàng, việc tăng lãi suất ngoại tệ đã không diễn ra song song với tăng lãi suất tiền đồng. Ngược lại, họ tăng lãi suất đôla Mỹ và giảm lãi suất tiền đồng.
Chỉ có điều khi tăng lãi suất thì ngân hàng nào cũng công bố, còn giảm lãi suất thì họ lặng lẽ thực hiện, không một tuyên bố nào, nên khách hàng gửi tiền phải chú ý mới nhận ra.
Đại diện một ngân hàng nói: “Nếu giữ nguyên lãi suất hiện tại (vốn đã thấp hơn các ngân hàng khác), chúng tôi mất 2 tỷ đồng/tháng để trả lãi”. Và ngân hàng này âm thầm hạ lãi suất, nhưng tiền huy động được vẫn tăng gấp đôi.
Một cuộc khảo sát ở các ngân hàng quốc doanh cho thấy cả bốn “anh cả đỏ” đều đang thừa vốn. “Nguồn vốn khả dụng của phần lớn các ngân hàng đang ở trạng thái thừa. Thậm chí vừa qua bốn ngân hàng quốc doanh đã phải ngồi lại, thỏa thuận lãi suất 12 tháng bình quân chỉ còn 0,69%/tháng”, một quan chức ngân hàng khẳng định.
Tuy nhiên thỏa thuận này có tác dụng đến đâu thì chưa thể đánh giá, vì ngay cả các ngân hàng quốc doanh cũng không muốn mất khách hàng do lãi suất huy động thấp. Song có thể thấy là các ngân hàng quốc doanh đã không tăng lãi suất ít nhất là vừa qua và hiện tại.
Lãi suất đi về đâu? Xuống dốc hay lên dốc từ nay đến cuối năm? Giới tài chính cho rằng khả năng lên dốc của lãi suất đang được nhiều lực đẩy hỗ trợ.
Trước hết là lãi suất trái phiếu đồng nội tệ (kể cả trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp), sau một thời gian giảm, đang tăng trở lại. Thứ hai sự biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài theo chiều hướng tăng từ nay đến cuối năm theo các đợt IPO các doanh nghiệp lớn, có thể khiến nhu cầu tiền đồng tăng, dẫn tới việc gia tăng lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng và cả thị trường tiền tệ nói chung.
Thứ ba là quý 3-4 thường là thời điểm doanh nghiệp tăng cường vay vốn, thực hiện các hợp đồng cuối năm, hoặc các dự án đầu tư mở rộng sản xuất. Nhu cầu vay tiền đáp ứng tiêu dùng của khách hàng cá nhân thời điểm này cũng thường tăng.
Với những yếu tố này, lãi suất càng về cuối năm càng khó đi xuống.
(Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn)