>> Gợi ý đề thi môn Toán
>> Gợi ý đề thi môn Lý
>>Theo con 'lều chõng' đi thi
>>Tâm trạng ngày thi đầu tiên
15 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi xảy ra tại các trường: ĐH Hàng Hải, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Cần Thơ, trường khối quân sự, mỗi trường 1 thí sinh; ĐH Đà Nẵng, ĐH Kiến trúc TP HCM, ĐH Hoa Sen, đều có 2 trường hợp.
Bị kỷ luật nhiều nhất là ĐH Thái Nguyên với 10 trường hợp, ĐH Đà Nẵng 5 cán bộ và 3 thí sinh, ĐH Hải Phòng 5 thí sinh. Hai sĩ tử của ĐH Công nghiệp TP HCM và ĐH Nông nghiệp 1 bị đình chỉ do đến muộn.
Năm 2006, trong ngày thi đầu tiên, 72 thí sinh bị kỷ luật (36 bị đình chỉ), 21 giám thị bị kỷ luật (đinh chỉ 9).
![]() |
Trao đổi bài sau giờ thi Vật lý. |
Chiều 4/7, đến môn thi thứ hai (Vật lý), phụ huynh các sĩ tử đã dần quen với cảm giác chờ đợi. 15h30, trước cổng ĐH Công Đoàn, ĐH Kiến Trúc, ĐH Mỏ địa chất, ai cũng tranh thủ mua báo để xem đáp án môn Toán sáng nay. Dù mua để “về nhà cho cháu nó so đáp án” nhưng nhiều người vẫn tranh thủ lúc chờ con “lướt” qua xem thế nào.
Đề thi Lý được đa phần thí sinh đánh giá 70% là kiến thức cơ bản, các câu đòi hỏi tư duy, cần suy luận không quá khó. Đề ra không đánh đố thí sinh. Chỉ cần ôn chắc kiến thức cơ bản là có thể đạt điểm cao. Với hình thức trắc nghiệm này, nhiều thí sinh cho rằng không cần thiết phải đi ôn ở lò mà chỉ cần “nắm chắc những gì được giảng trên lớp cũng có thể vượt qua dễ dàng”.
Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đề ra hơi dài, trong vòng 90 phút mà phải trả lời 50 câu hỏi làm nhiều thí sinh bối rối. Lần đầu tiên thi trắc nghiệm môn Lý đã khiến nhiều thí sinh cảm thấy “hơi lạ”, nhất là những em thi năm thứ hai do đã quen cách làm của năm ngoái.
Đức Minh thi vào ĐH Mỏ - Địa chất cho biết: “Trong phòng em nhiều bạn làm chưa xong đã hết giờ vì vậy đành “may hơn khôn tích bừa để... trời thương thì trúng”.
Còn Trần Thanh quê Duy Tiên, Hà Nam thi ĐH Kiến Trúc Hà Nội tỏ ra khá thoải mái: “ Mai thi Vẽ nên tối nay có thể đi loanh quanh Bờ Hồ thư giãn. Môn này có ôn cũng vẫn thế mà thôi”.
Tại TP HCM, môn Lý giúp thí sinh bớt căng thẳng hơn so với môn Toán. Theo nhận xét của nhiều sĩ tử tại các điểm thi ĐH Kinh tế, Kiến trúc, Khoa học Tự nhiên, đề rải đều chương trình THPT, không quá khó. "Em làm dư khoảng 15 phút, không chắc đúng hết nhưng có lẽ được khoảng 6-7 điển, hơn môn Toán", Nguyễn Thị Hồng Liên, thi tại THCS Lê Quý Đôn, quận 3, cho biết.
Dương Phú Thọ, quê ở Cà Mau, thi tại ĐH Kiến trúc TP HCM còn tự tin hơn, với dự đoán môn Lý có thể đúng được 80%, bù cho buổi sáng chỉ hoàn thành chừng 60% bài.
![]() |
Thí sinh ĐH Kinh tế TP HCM kiểm tra bài lần cuối trước khi nộp. |
Thống kê sơ bộ, chiều nay, nhìn chung, số thí sinh của nhiều ĐH tại TP HCM vắng không nhiều so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử, ĐH Công nghiệp vắng hơn 10 em, ĐH Sư phạm vắng 14 em, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông chỉ thiếu 1 em...
Tuy nhiên, không ít thí sinh thi trên địa bàn bị đình chỉ do mang điện thoại di động vào phòng thi. Trong đó, có 1 thí sinh của ĐH Bách khoa TP HCM, 1 thí sinh Khoa Kinh tế, thuộc ĐH Quốc gia TP HCM; 2 thí sinh của ĐH Kinh tế (1 tại THCS Bán công Đồng Khởi, 1 tại THCS Ngô Tất Tố, quận Phú Nhuận); 1 em của ĐH Ngân hàng; 1 em của ĐH Hoa Sen (trường này có 2 thí sinh bị xử lý vì mang điện thoại).
Sáng nay, ĐH Nông lâm cũng phát hiện 2 trường hợp mang điện thoại. Trong đó, 1 trường hợp phát hiện trong phòng thi và 1 trường hợp phát hiện trong toilet, do điện thoại rung chuông.
ĐH Sư phạm Kỹ thuật có 1 thí sinh bị đình chỉ do giấu tài liệu trong máy tính, khi sử dụng máy, tài liệu này rơi ra và 1 trường hợp bị cảnh cáo vì trao đổi bài. Học viện Hành chính Quốc gia có 1 thí sinh đi muộn hơn 20 phút, không được vào thi. ĐH Kỹ thuật Công nghệ có 4 phòng thi cho thí sinh vào sớm 5-10 phút so với giờ quy định, phải lập biên bản, chờ xử lý. ĐH Nông lâm có 2 trường hợp bị khiển trách vì quay qua quay lại nhiều trong giờ làm bài. ĐH Cảnh sát nhân dân có 2 phòng thi in thiếu 12 đề thi, phải sử dụng đề dự phòng.
Trao đổi với báo chí, chiều nay, ông Đỗ Quốc Anh, Giám đốc Văn phòng đại diện Bộ GD&ĐT tại TP HCM cho rằng, ngày đầu, các ĐH trên địa bàn đã triển khai nghiêm cuộc vận động "Hai không" mà Bộ phát động. Và những bộ, ngành đồng quản lý các trường, đặc biệt ngành an ninh, quân đội, xây dựng... thể hiện sự quan tâm hơn tới kỳ thi, qua việc cử lãnh đạo tới thanh tra, giám sát quá trình thi, tạo điều kiện cho thí sinh và phụ huynh ăn ở thuận tiện nhất.
Tuy nhiên, cũng theo ông Quốc Anh, thông báo của Bộ về danh mục máy tính mang vào phòng thi chậm, sát ngày thi nên một số trường bị động, phải in thông tin từ báo chí để hướng dẫn cho thí sinh.
(Theo VnExpress)