Vẻ mặt rầu rầu của Lã Thị Kim Oanh trong suốt phiên toà. |
Khi HĐXX hỏi đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng hải VN, Thương mại Cổ phần Quân đội, Công thương Ba Đình về nguyên tắc cho Công ty Tiếp thị của Lã Thị Kim Oanh vay vốn có cần xác nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hay không. 3 nhà băng đã đưa ra hai cách trả lời trái ngược.
Phía Ngân hàng Hàng hải (cho Lã Thị Kim Oanh vay 24 tỷ đồng) cho biết, thông thường không nhất thiết phải có xác nhận bảo lãnh của Bộ chủ quản. Nhưng khoản tiền vay này phục vụ dự án của Nhà nước, nên cần có xác nhận của lãnh đạo cơ quan chủ quản là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT). Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở chỗ: "Điều này là cần thiết nhưng không có tính quyết định". Sự cần thiết thể hiện ở chỗ xác nhận của Bộ sẽ giúp ngân hàng không mất nhiều thời gian thẩm định khả năng tài chính của đơn vị vay vốn.
Theo đại diện Ngân hàng Hàng hải, cho đến khi khởi tố, Lã Thị Kim Oanh còn nợ gần 12 tỷ đồng. Hiện, số tiền này đã được đơn vị tiếp nhận lại Công ty Tiếp thị hoàn trả đầy đủ.
Tương tự, đại diện Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội (cho vay gần 20 tỷ) trình bày: "Xác nhận của bộ chủ quản chỉ là một trong những điều kiện để ngân hàng cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền, chứ không phải là thủ tục bắt buộc". Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Hà Nội cho biết, khi Công ty tiếp thị vay tiền thì xác nhận của Cục đầu tư phát triển Hà Nội về nguồn vốn cho dự án mà Công ty Tiếp thị là chủ đầu tư mới là điều họ quan tâm nhất.
Ngược lại với hai nhà băng trên, Ngân hàng Công thương Ba Đình (cho vay 15 tỷ đồng) khẳng định, công văn xác nhận, đề nghị giúp đỡ của Bộ NN&PTNT là điều rất cần thiết. "Nếu không có, dứt khoát ngân hàng không cho vay".
Theo VnExpress, khi trình bày với HĐXX, Lã Thị Kim Oanh cho rằng, còn nhiều khoản chi phục vụ dự án chưa được cơ quan điều tra thống kê đầy đủ. "Tôi ở trong trại, hai tay buông xuôi, làm sao tiếp xúc được với sổ sách để giải trình", bị cáo nói.
HĐXX cho biết, trong việc mua bán khách sạn 120 Quán Thánh, bản án sơ thẩm đã tách số tiền Lã Thị Kim Oanh vay của Công ty Thiên Hải hơn 13 tỷ đồng thành vụ kiện dân sự khác. Lã Thị Kim Oanh tán thành việc này, nhưng vẫn cãi: "Tách ra, nhưng sao vẫn kết tôi tham ô hơn 71 tỷ, số tiền 13 tỷ đồng cũng nằm trong khoản tiền này?". Chủ tọa Nguyễn Hùng Cường trả lời: "Yêu cầu này sẽ được xem xét".
Lã Thị Kim Oanh cho rằng, TAND Hà Nội chấp nhận con số 5,6 tỷ đồng chi cho hoạt động của Công ty Tiếp thị trong suốt những năm qua là quá ít. Theo bà Oanh, công ty là chủ đầu tư nhiều dự án, phải quan hệ giao dịch rất nhiều, nhưng chỉ được chấp nhận tiền điện thoại hằng tháng hơn 19.000 đồng, tiền điện mấy nghìn... là chưa thấm tháp vào đâu. Còn nhiều khoản chi khác trong quá trình hoạt động kinh doanh của Tiếp thị song nhân viên ở đây cũng không nhớ ra để giải trình với cơ quan chức năng. Lã Thị Kim Oanh lấy ví dụ: "Sau khi tiếp nhận nhà 79 Hàng Bồ, đơn vị đã chi hơn 50 triệu đồng để tu tạo nơi này. Điều này là sự thực".
Nguyên giám đốc Công ty Tiếp thị cầu xin: "Mong HĐXX xem xét, quả thật tôi chết là tôi chết oan. Nhiều vụ việc không thể thu thập được chứng từ trong tình hình hiện nay. Tôi rất biết ơn cơ quan điều tra đã tạo điều kiện cho tôi tiếp xúc với chứng từ, giải trình thêm một số khoản chi. Nhưng nếu tôi vẫn bị tử hình thì việc này cũng chẳng giải quyết được vấn đề gì".
Lã Thị Kim Oanh thắc mắc, 4 trong 10 dự án công ty thực hiện, cấp sơ thẩm kết tội bị cáo có hành vi cố ý làm trái. "Tại sao 6 dự án khác lại cho rằng tôi đã tham ô?". Bị cáo nói: "Tôi biết tội của tôi, nhưng đó không phải là tội tham ô, không đến mức bị tử hình".
HĐXX phúc thẩm tiếp tục thẩm vấn Lã Thị Kim Oanh, Nguyễn Tiến Bình về những khuất tất trong việc thực hiện dự án Khu công nghiệp Kim Hoa (Vĩnh Phúc), dự án xây dựng nhà tại 161 phố Sơn Tây, dự án xây dựng nhà ở đường Hoàng Quốc Việt, dự án 76 căn hộ ở Dịch Vọng và việc bán nhà 79 Hàng Bồ.
Tại dự án ở 79 Hàng Bồ, Lã Thị Kim Oanh trình bày: Đây là địa điểm thuộc sở hữu nhà nước, Công ty Tiếp thị thuê để làm Trung tâm Tiếp thị. Nhưng sau đó, Công ty Tiếp thị lại đem bán cho người khác. HĐXX chất vấn: "Việc chuyển nhượng như vậy là bất hợp pháp?". Bà Oanh giải thích rằng đã xin phép một lãnh đạo UBND Hà Nội. Tòa vặn lại: "Có văn bản nào chứng minh?". Lã Thị Kim Oanh nói cùn: "Đang trong quá trình triển khai thực hiện thì tôi bị bắt". Chủ tọa nhắc nhở: "Chưa làm xong thủ tục mà đã đem bán cho người khác là đã vi phạm pháp luật".
Trong dự án bán trộm nhà của nhà nước này, theo tài liệu điều tra, Lã Thị Kim Oanh đã thu gần 700 triệu đồng. Tại phiên tòa chiều nay, lần đầu tiên bà Oanh tiết lộ đã chi hơn 400 triệu đồng cho quá trình làm thủ tục bán nhà và chuyển mục đích sử dụng từ cho thuê sang bán. Mong giảm bớt phần nào số tiền bị cáo buộc tham ô, Lã Thị Kim Oanh thắc mắc: "Tại các dự án khác số tiền bị cáo tham ô được cơ quan điều tra tính bằng cách lấy tổng thu trừ đi tổng chi. Tại sao tại dự án này lại không được?". HĐXX trả lời, những chứng cứ này cần được xem xét cẩn trọng.