- Vai diễn Ngọc trong "Người đàn bà yếu đuối" năm 2002 tạo ra cho chị nhiều cơ hội phát triển trong điện ảnh. Lý do gì khiến chị từ bỏ tất cả sang châu Âu kết hôn?
- Tôi bắt đầu sang Italy vào năm 2004, cứ nghĩ sang một năm lại về. Nhưng khi gặp chồng tại Milan, tôi biết trái tim mình đã bị đánh cắp. Càng sống bên anh, tôi càng yêu thương, muốn gắn bó lâu dài. Tình cảm như cái cây bắt đầu mọc rễ, bám sâu vào lòng đất. Năm 2005, chúng tôi chính thức kết hôn, sau đó tôi sinh hai bé Gulia và Alberto. Chúng tôi gặp nhau hoàn toàn bất ngờ, là duyên số, định mệnh chứ không phải tính toán hay có bất cứ sự sắp đặt nào. Hiện vợ chồng tôi chuyển sang sống ở Thuỵ Sĩ, sát biên giới với Italy. Cuộc sống ổn định, mọi thứ đều an yên, trọn vẹn. Tôi luôn biết ơn hạnh phúc mình đang có.
- Chị và ông xã chinh phục lẫn nhau bởi điều gì?
- Định mệnh và duyên số đã đưa chúng tôi đến với nhau từ hai phương trời xa lạ. Tôi yêu thương anh vì anh luôn sống đặt chữ tâm hàng đầu, hướng đến điều tích cực và hướng thiện. Trong cuộc sống hôn nhân, anh hết mình cho gia đình dù bộn bề công việc. Những giá trị tốt đẹp ấy làm tôi thêm tôn trọng anh.
Có lần tôi cũng hỏi: "Tại sao anh lại lấy một cô gái ở một đất nước quá xa xôi như vậy?". Anh nói có ba thứ chinh phục trái tim anh mà tôi vẫn gìn giữ suốt 15 năm qua, khiến anh không đòi hỏi gì hơn. Đó là sự nhiệt tình, ngọt ngào và coi trọng giá trị gia đình.
- Thời gian mới kết hôn và bắt đầu sang Italy, chị có kỷ niệm đáng nhớ nào?
- Vợ Việt chồng Tây là câu chuyện dài nhiều tập vì hai người xuất phát từ hai nền văn hoá khác nhau. Lúc tổ chức đám cưới, tôi làm hai nơi là Milan và Hà Nội, khiến mọi thứ có phần vất vả. Lúc mới sang, tôi bắt đầu lại nhiều thứ. Tôi phải học tiếng Italy, lái xe, cầm dao nĩa sao cho đúng... tuy mất nhiều công sức nhưng không quá khó khăn với một cô gái trẻ. Thứ làm tôi mất thời gian nhiều hơn là sự thích nghi thời tiết, ẩm thực, văn hoá và tôn giáo để hòa nhập với mọi người.
Giai đoạn sinh hai con cũng gặp không ít khó khăn. Ở nước ngoài, cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ độc lập, phải tự lo liệu chứ không trông chờ sự trợ giúp của gia đình nội ngoại. Con được vài ngày tuổi, mình đứng lên đi lại, nấu ăn chứ không nằm cữ cả tháng. Những ngày đầu làm cha mẹ, vợ chồng tôi đầy bỡ ngỡ, vụng về, thay tã cho con đến vài lần mới biết tã bị ngược. Nhưng trải qua giai đoạn khó khăn ấy, tình cảm vợ chồng thêm gắn kết.
- Chị cảm nhận hôn nhân ở phương Tây khác gì so với Việt Nam?
- Người phụ nữ ở đây độc lập, mạnh mẽ. Nếu hạnh phúc không thể níu kéo, họ chấp nhận và quyết định ly hôn. Phụ nữ Việt Nam có thể không hạnh phúc trong hôn nhân, nhưng vì gia đình hoặc những ly do khác mà họ chịu đựng, không phải mang tiếng ly dị.
Riêng chuyện kinh tế giữa vợ chồng không có mẫu số chung. Ở bên này vì neo người, nhiều gia đình chỉ có chồng đi làm, vợ ở nhà chăm sóc con cái. Điều đó không có nghĩa người vợ phụ thuộc kinh tế chồng. Khi cưới nhau, tôi giải thích với anh rằng phong tục Việt Nam là người đàn ông kiếm tiền, người vợ giữ tiền. Ông xã hoàn toàn đồng ý, tin tưởng vợ chứ không có chuyện "tiền anh hay tiền em". Nhờ việc được định hướng ngay từ những ngày đầu, chúng tôi chưa bao giờ có sứt mẻ về vấn đề kinh tế. Tôi được tự do làm những gì mình thích, không cảm thấy tủi thân. Hiện tôi quản lý thêm một tiệm pizza, nhờ đó tự chủ hơn về kinh tế.
- Không có kinh nghiệm kinh doanh, chị bắt đầu công việc mở nhà hàng pizza từ đâu?
- Tôi thử sức kinh doanh vì muốn cuộc sống đa màu sắc hơn, chứ không đặt mục tiêu kiếm nhiều tiền. Ông xã luôn ủng hộ nếu điều đó mang lại niềm vui cho vợ.
Ban đầu nhận thấy nơi mình ở chưa có nhà hàng Việt, tôi định là người tiên phong. Đến lúc tìm được mặt bằng, tôi thay đổi ý định bởi vì đó là một tiệm pizza có số lượng khách hàng nhất định. Ý định mở nhà hàng Việt Nam vì thế "phá sản", tôi chuyển qua tiếp quản tiệm pizza. Vừa học thêm từ sách vở vừa có kinh nghiệm từ thực tế là chìa khóa giúp tôi sớm vững vàng. Ngoài trả lương cho 5-6 người, tôi vui vì có chút lợi nhuận cho mình dù không nhiều.
Sau một năm điều hành, tôi lùi về làm quản lý tài chính nhân sự. Kinh doanh nhà hàng ở đây không vất vả như Việt Nam, chỉ mở cửa vào đúng giờ ăn. Nên một khó khăn khác là khi nhà hàng hoạt động, cần mình có mặt lại là lúc các con đi học về, gia đình quây quần. Tôi không chịu được cảnh các con ăn cơm mà mẹ phải đi làm nên cố gắng cân đối thời gian tốt nhất.
- Chị dạy hai con hướng về Việt Nam bằng cách nào?
- Tôi tập cho các bé nói tiếng Việt từ những điều nhỏ nhặt nhất trong giao tiếp. Ngôn ngữ là sự lặp lại, dần dần các bé sẽ hiểu và phản xạ nói lại. Nhưng học ngoại ngữ cũng cần chút năng khiếu. Nếu Gulia học rất giỏi, Alberto gặp khó khăn đôi chút. Đến bây giờ, một trong những niềm tự hào của tôi là Guila và Alberto đối đáp tiếng Việt thuần thục với mẹ. Khi về Việt Nam, hai con có thể hiểu được những câu nói thông thường.
Tôi dạy con biết thêm về văn hóa Việt Nam qua ẩm thực và du lịch. Châu Âu không có nhà hàng món Việt nên tôi mày mò, chịu khó bỏ tâm học nấu nướng. Bún bò, phở gà, bánh cuốn từ đó được đưa vào bữa cơm của gia đình và được hai bé yêu thích. Khi các bé được nghỉ ở nhà, tôi bày cho các bé làm bánh giúp ba mẹ con khắng khít hơn. Những năm gần đây, vợ chồng tôi tranh thủ sắp xếp đưa các bé về Việt Nam để thêm cảm giác thân thuộc với quê hương. Chuyến đi còn cho hai bé khám phá thiên nhiên, văn hóa và hiểu rằng cuộc sống luôn có nhiều bức tranh khác nhau.
- Cuộc sống mỗi ngày của chị diễn ra như thế nào?
- Một ngày của tôi trôi qua bình lặng. Buổi sáng, tôi lo bữa sáng cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa và đi tập gym. Khoảng 11h, tôi chuẩn bị bữa trưa trước khi bán hàng online vì nhà tôi ở sát một trung tâm mua sắm nổi tiếng. Khoảng 16h, tôi đưa các con tham gia các hoạt động ngoại khoá. Một trong những điều tôi cảm thấy quý giá là chúng tôi vẫn giữ được thói quen có ba bữa ăn trong ngày bên nhau trọn vẹn.
Tôi hiện ưu tiên nhiều thời gian cho Gulia vì bé ở giai đoạn dậy thì. Qua quan sát, tôi thấy bé ngang bướng hơn - một dấu hiệu hoàn toàn quen thuộc. Lúc này, con cần mẹ nhất vì có nhiều điều thay đổi về tâm tư suy nghĩ. Tôi luôn dặn mình phải thật kiên nhẫn và chịu khó lắng nghe con.
- Bí quyết giữ lửa hôn nhân của chị với chồng Tây là gì?
- Vợ chồng sống với nhau cần lắm những lúc "cơm sôi bớt lửa". Mối quan hệ vợ chồng ở đâu trên trái đất cũng vậy, mình nhường nhịn nhau một tí. Tôi luôn cố gắng kìm cơn nóng giận và tôn trọng nhau, tránh buông lời đắng cay. Chờ lúc "hạ hoả", mình nhẹ nhàng tâm sự chưa muộn. Tôi vẫn hay đùa mình "thua trên thế thắng".
- Việc tham gia bộ phim "Người đàn bà yếu đuối" mang đến cho chị những ký ức đẹp đẽ gì?
- Anh Quốc Thái trước đó xem tôi diễn một số tiểu phẩm và clip đóng phụ họa video karaoke nên giới thiệu tôi với chú Đinh Đức Liêm - đạo diễn bộ phim. Lúc đến casting, tôi thấy mình trẻ quá so với nhân vật có chồng con, trải qua nhiều đau khổ. Hơn nữa, tôi chưa bao giờ đóng phim. May mắn tôi được làm việc với một êkíp chuyên nghiệp, hết lòng giúp đỡ nên tôi hoàn thành vai diễn thành công hơn mong đợi. Lúc bấy giờ làm xong một bộ phim dài tập cần cả năm trời vì điều kiện còn nhiều khó khăn. Nhờ thế, êkíp hiểu và yêu mến nhau đến tận bây giờ.
Bộ phim mang đến biết bao tình cảm của khán giả mà tôi không thể cám ơn họ như thế nào cho đủ. Sau gần 20 năm, tôi vẫn nhận được nhiều tin nhắn hỏi han, động viên. Nhiều người vẫn theo dõi cuộc sống của tôi vì quá yêu mến nhân vật Ngọc trong phim.
- Chuyến về thăm Việt Nam gần đây của chị có gì thú vị?
- Bạn bè, đồng nghiệp chỉ cần biết tôi về là ngay lập tức lên kế hoạch hẹn hò. Chúng tôi ăn uống, ôn lại kỷ niệm và hỏi thăm nhau sức khỏe, công việc hàng giờ không chán. Hành trang trở lại Thuỵ Sĩ của tôi lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười và những cái ôm thắm thiết của bạn bè, người thân. Cuộc sống xa xứ chỉ đong đầy là khi tôi biết còn nhiều người mong ngóng ngày mình trở lại. Mỗi một chuyến ra đi lại nặng lòng hơn vì tôi biết mình được yêu thương nhiều hơn.
Anh Tuấn