Lê Thị Bình ngày bị đưa ra xét xử. |
Sinh ra và lớn lên ở huyện Bắc Quang, Hà Giang, Lê Thị Bình, 27 tuổi, là con út trong một gia đình có sáu anh chị em. Bố mất, mẹ cô ở vậy nuôi con trong cảnh nghèo đói. Thiếu ăn nhưng Bình càng lớn càng xinh đẹp.
Học hết phổ thông, năm 2008, Bình xuống Hà Nội học làm đầu, trang điểm cô dâu. Cô hy vọng sau khi thành nghề sẽ về mở một hiệu cắt tóc nhỏ ở Bắc Quang để giúp mẹ thoát khỏi cảnh bần hàn. Hiệu làm đầu nơi Bình học nghề nằm sâu trong một con ngõ nhỏ ở quận Cầu Giấy. Kể từ khi có sự xuất hiện của cô, đàn ông nườm nượp kéo đến để ngắm vẻ ngoan hiền, trong trẻo của cô sơn nữ. Không lâu sau, Bình gục ngã bởi vẻ hào nhoáng và những lời đường mật của một người đàn ông 30 tuổi quê ở Thái Nguyên.
Tin tưởng và trao thân cho người đàn ông đó, Bình đâu ngờ anh ta đã có gia đình. Biết được sự thật này, cô vật vã đớn đau và quyết về quê lập nghiệp. Nhận được điện thoại "trút bầu tâm sự" của người tình rằng, anh ta sống với vợ không hạnh phúc, sẽ cưới cô khi đã hoàn tất thủ tục ly hôn, Bình đồng ý nối lại tình xưa.
Sáng 10/11/2008, Bình từ Hà Giang xuống Hà Nội định lấy mỹ phẩm lên bán ở cửa hàng. Người đàn ông có vợ trên lái xe từ Thái Nguyên xuống đón cô ở bến xe Mỹ Đình. Hai người thuê nhà nghỉ và "mây mưa" tại đây. Sau đó, anh ta lén cầm điện thoại xóa số của mình trong máy Bình. Nhận ra người đàn ông mà cô tôn thờ hóa ra chỉ coi mình như đồ chơi tình dục, Bình điên cuồng dùng dao gọt hoa quả đâm lia lịa lên thân thể người đàn ông vừa cùng mình ân ái cho tới khi gãy cán mới thôi...
Bình bị bắt. Ngày xét xử, tòa tuyên án 18 năm tù, Bình đã xin được chết. Cô muốn chấm dứt tất cả để khỏi phải ngoái về quá khứ. Nhà Bình nghèo không có tiền thuê luật sư bào chữa, tòa đã chỉ định luật sư cho cô. Mẹ Bình từ Hà Giang xuống xin ở tù thay con…
Kể từ ngày về thụ án tại phân trại 4, trại giam số 5 (Yên Định, Thanh Hóa), Bình nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ của cán bộ trại giam cũng như các bạn tù. Cô đã bình tâm lại, bớt hoảng loạn, hẫng hụt, trầm cảm và cười đùa với mọi người xung quanh.
Trong trại giam số 5, ngoài giờ lao động theo quy định, cô được ban lãnh đạo trại giam sắp xếp làm ở một quán cắt tóc, gội đầu nhỏ trong khuôn viên trại. |
Nhắc đến mẹ, Bình khóc rất nhiều. Anh chị em cô mỗi người một hoàn cảnh, đều cơ cực như nhau. Gần một năm nay, Bình không hề có người thân thăm. Bình khoe xấp thư mấy chục bức xếp trong túi đồ cá nhân không gửi. Cô viết để trải lòng và giải tỏa nỗi buồn sâu kín. Hàng ngày, ngoài giờ lao động theo quy định, cô được ban lãnh đạo trại giam sắp xếp làm ở một quán cắt tóc, gội đầu nhỏ trong khuôn viên trại.
Khách hàng giờ đây là những nữ phạm nhân trong phân trại số 4, những người đồng cảnh ngộ với cô. Ngoài cắt tóc, Bình còn tô son, kẻ mắt, nối mi làm đẹp cho các phạm nhân nữ. Thấy mọi người thích thú, Bình phấn khởi lắm. Cô bảo, trước đây cô chọn nghề này và nguyện làm nó suốt cuộc đời nhưng định mệnh đã đẩy đưa số phận của cô chệch sang hướng khác. Giờ vào đây, cô lại được làm đúng sở trường, được làm đẹp cho mọi người, âu cũng là niềm an ủi.
Bình cười nhỏ nhẹ, nụ cười hiếm hoi trong buổi chiều hanh hao gió cát. Cô tâm sự, tòa tuyên mức án 18 năm tù là đã giúp cô có cơ hội làm lại cuộc đời và sửa chữa những lỗi lầm và tội ác đã gây ra. Cô sẽ nâng niu, trân trọng cơ hội ấy bằng cách cố gắng phấn đấu cải tạo thật tốt để được về bên mẹ.
Công Lý