- Chị có ấn tượng gì về ngày 20/11 đầu tiên sau khi được bạn trai đưa về ra mắt gia đình?
- Hồi đó chúng tôi yêu nhau mới được ba tháng, người yêu lại ở Mỹ. Thời điểm ấy, tôi vẫn còn đang hơi... lạ lẫm với bên nhà người yêu nên ngày 20/11 cũng chỉ dám chúc mừng gia đình qua Facebook của mẹ anh ấy thôi. Không ngờ mẹ anh vui tính quá. Bà còn bình luận ở dưới trêu tôi là "cô muốn cả hoa thật nữa" (cười). Tôi vừa buồn cười mà cũng vừa cảm thấy mẹ bạn trai là người dễ thương và khá teen đây. Thế là tôi vui vẻ chạy đi mua hoa và qua nhà tặng luôn.
Lần "được" mẹ anh ấy trêu "phải đến tặng hoa thật" có lẽ là kỷ niệm khó quên. Tôi cảm giác lần đó là một bước xích lại giữa tôi và gia đình chồng. 20/11 năm nay đặc biệt hơn cả vì là ngày nhà trai sẽ đem lễ sang nhà tôi xin dâu.
- 20/11 năm nay trùng đúng vào ngày vui của chị. Vậy kế hoạch kỷ niệm ngày này với mẹ Dương và đại gia đình nhà chồng có gì thay đổi?
- Gia đình sẽ liên hoan ngày 20/11 sau vì bây giờ mọi người đều đang tất bật chuẩn bị mọi thứ cho lễ ăn hỏi. Năm nay chồng sắp cưới của tôi về hẳn Việt Nam rồi nên chúng tôi sẽ dắt tay nhau đến chúc và tặng hoa mọi người! Mọi năm chỉ có mình tôi ở đây làm đại diện thôi.
- Chị làm cách nào để nắm bắt được đúng tâm lý mẹ Dương, để tặng món quà bà thích?
Tôi nghĩ một món quà mang ý nghĩa tinh thần cao sẽ luôn được ghi nhận trong ngày này. Bởi ngày thường chúng tôi cũng có thể tặng mẹ những món đồ mẹ thích. Nên ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam, mẹ chồng tôi chỉ cần được con cái, học trò nhớ tới và thể hiện tình cảm với bà.
- Lúc biết Quỳnh là con cháu của một gia đình có truyền thống làm nghề giáo, có ông ngoại là giáo sư nổi tiếng Văn Như Cương, bản thân chị cảm thấy thế nào?
- Tất nhiên tôi rất vui với những thông tin đó và cũng tự hào khi bạn trai của mình là con cháu của một gia đình gia giáo. Nhiều người hỏi tôi có sợ khi về ra mắt gia đình PGS Văn Như Cương không. Vui một điều, bên nhà tôi cũng là gia đình truyền thống, chỉ khác là làm Nghệ thuật. Từ nhỏ đến khi trở thành thiếu nữ, tôi đều được sống trong sự yêu thương và chỉ dạy cẩn thận từ ông bà cho tới bố mẹ (không chỉ riêng việc làm nghề) nên tôi chưa bao giờ thấy "ngại" hay "sợ" mà còn rất hào hứng khi được gặp gỡ mọi người trong nhà người yêu. Tôi có cảm giác gia đình hai bên có những nét tương đồng nhất định.
- Biết chị yêu cháu ngoại của PGS Văn Như Cương, gia đình chị phản ứng ra sao?
Bố mẹ tôi tâm lý và gần gũi với con cái lắm, nhất là mẹ tôi. Họ cũng tin tưởng vì tôi là người mạnh dạn, lại hay xông pha, đi nhiều (cười). Thấy tôi yêu con cháu gia đình trí thức thì người thân càng tạo điều kiện và ủng hộ hơn.
- Trở thành dâu, con của một đại gia đình có truyền thống làm trong ngành giáo dục, chị có áp lực gì?
Khi đi làm dâu ai cũng lo sợ, nhất là tuổi còn trẻ hay có nhiều thiếu sót lắm. Các cô dâu về nhà chồng ban đầu chắc ai cũng ngơ ngác hết (cười). Có điều, tôi và gia đình bên chồng lại thân thiết từ hồi còn đang yêu, nên hiện tại tôi cũng chưa tự thấy áp lực gì cho bản thân cả. Có khi cứ nghĩ thoáng lên thì mọi thứ xung quanh lại dễ dàng. Gia đình chồng sắp cưới của tôi mọi người cũng văn minh hiện đại lắm. Họ đều là những người tử tế nên tôi tin, khi thật lòng yêu thương họ, thì sẽ nhận được những điều tương tự thôi.
- Cô Văn Thùy Dương, mẹ Quỳnh, cũng là một nhà giáo và nổi tiếng "ghê gớm" ở trường. Còn trong mắt chị, bà là người thế nào?
Tôi không bênh nhưng là người làm quản lý đương nhiên phải nghiêm khắc trong công việc rồi. Nhiều lúc, tôi thấy nể mẹ chồng lắm vì là phái nữ nhưng sự quyết đoán và mạnh mẽ thì đấng mày râu lắm người còn không bằng. Thế nên, chất lượng học tập tại trường Lương Thế Vinh mới cao như vậy. Đa phần, những người nóng tính thường là người không có tâm địa. Mẹ chồng tôi là người dễ cáu nhưng cũng dễ quên. Chỉ cần các con luôn quan tâm mẹ và hỏi han tình cảm thì có đang cáu mấy bà cũng nguôi ngay tắp lự. Tôi để ý mấy lần rồi (cười).
Bình Minh thực hiện