- Anh nghĩ sao về ý kiến vẫn chưa có một lớp ca sĩ trẻ đủ sức “soán ngôi” lớp ca sĩ cũ như Lam Trường, Phương Thanh, Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng…?
Nhạc sĩ Quốc Bảo. |
- Vì duyên nghề. Xét về bản chất, là khi các yếu tố thiên địa nhân cộng hưởng. Nếu thiếu sự cộng hưởng ấy, mọi cố gắng cá nhân đều khó mà thành tựu. Hơn nữa, ta cũng phải xem lại là liệu các ca sĩ mới có tố chất nghề nghiệp bằng hoặc hơn đàn anh đàn chị chưa? Tôi cho rằng chưa.
- Anh thấy ca sĩ nào vẫn giữ vững phong độ so với năm ngoái và anh dự đoán những gương mặt nào sẽ “làm nên chuyện” vào năm 2006?
- Tôi vẫn thích Mỹ Linh, cô hát để tiếng Việt được vang lên đẹp đẽ, dù cô đã vượt qua mặt bên kia của dốc núi. Điều kiện thuận lợi của Linh là được làm việc với một êkíp chuyên nghiệp, giàu ý tưởng cả về âm nhạc lẫn PR. Và cũng khó phủ nhận Linh là một giọng ca tốt bẩm sinh, tuổi tác chỉ làm mờ cái tốt ấy đi chứ không triệt tiêu nổi.
- Không lẽ không có ca sĩ trẻ nào anh cảm thấy có thể?
- Tôi chỉ biết chúc cho mọi người đều “nên chuyện”.
- Có người cho rằng Hồ Quỳnh Hương vụt thành sao thiếu thuyết phục. Anh nghĩ sao?
- Hương thông minh, giỏi kỹ thuật. Cô ấy chỉ thiếu thuyết phục khi chưa định cho mình được một phong cách âm nhạc kiên định: chung chiêng giữa “chợ” và “đền thờ” thì mệt lắm.
- Còn Mỹ Tâm cuối năm cũng tăng tốc với tour liveshow dành cho HSSV, sao anh lại lo Tâm không còn lửa với nghề?
- Nhìn vào mắt là thấy ngay. Bạn cứ thu chương trình TV để xem lại, rồi bấm nút pause để dừng hình lúc cận cảnh nhé.
- Có ý kiến cho rằng nhạc Việt đang âm thịnh dương suy. Còn anh?
- Chúng ta có cả nam ca sĩ nữa sao?
- Anh có thể giải thích rõ hơn về ý kiến của mình, chẳng phải ban nhạc rock "Bức Tường" cũng là những nam ca sĩ thực sự?
- Tôi đã hết tuổi nghe rock nên không biết Bức Tường. Đơn giản là thế này, bao giờ một nền nhạc pop vững mạnh cũng phải có nam ca sĩ/sáng tác gia chiếm đa số; trong khi đó, chúng ta hầu như chỉ có nữ ca sĩ thực sự có tài. Có lần tôi nói với Lê Hiếu, thật khó để làm một người đàn ông, và càng khó khi làm một người đàn ông hát.
- Ca sĩ đóng phim, người mẫu, MC đi hát…càng lúc càng nhiều. Theo anh đó là điều nên khuyến khích hay phê phán?
- Hãy để mọi người tự do sống, làm việc, miễn họ không phạm pháp.
- Những cú đá chéo sân như thế, trong số họ ai sẽ là người anh đặt niềm tin?
- Tôi khá tiết kiệm niềm tin.
- Anh nghĩ năm 2005 dòng nhạc nào thống trị tại Việt Nam, và tương lai cho năm 2006?
- 2005 là một năm “phẳng”, không có dòng nhạc nào nổi lên thực sự. Tôi cho rằng các biến cách (alternative) dễ có chỗ đứng vì sự đa hướng. Không ai biến cách giống ai. Bây giờ, chăm chăm vào những styles kinh điển, chẳng hạn jazz phải tiêu chuẩn thế này, blues phải khuôn mẫu thế kia, là tự trói mình.
- Nhưng có nhận xét năm 2005 dòng R&B với những Hồ Ngọc Hà, Nguyệt Ánh…và dòng bán cổ điển với những Khánh Linh, Đức Tuấn… đang thắng thế. Anh nghĩ sao?
- Thắng là sao, khi chẳng có cuộc đấu nào. Vài gương mặt mới trình làng chẳng thể nói được điều gì một cách khái quát và có cơ sở.
- Với dòng alternativerock đã có những gương mặt mới như Minh Thư, Lưu Hương Giang, gần đây là người mẫu Dương Yến Ngọc…nhưng có những quan điểm cho rằng thực chất những bài họ hát là rock pha pop và chất giọng họ dường như chưa hợp với alternative rock. Còn ý kiến của anh?
- Tôi chưa được nghe Giang và Ngọc hát. Riêng Thư, cô ấy có tiềm năng. Vả lại, bản thân từ “alternative” nghĩa là phá cách, nên ta cũng đừng quá câu nệ.
- Anh thấy được tương lai nào cho việc xuất khẩu nhạc Việt như trường hợp công ty Thế giới giải trí với Ưng Hoàng Phúc sang Hong Kong; công ty H.T production với Đan Trường sang Đài Loan… và dự án xuất khẩu nhạc Việt của anh kể từ khi album "Những chuyện kể" được bán trên amazon.com?
- Những điều các bạn đồng nghiệp làm đều đáng khích lệ. Nhạc Việt, nếu được đầu tư một cách tử tế, hoàn toàn có triển vọng sánh vai thế giới. Tôi đang làm việc với một công ty promotion Anh quốc, và nếu mọi việc xuôi chèo mát mái, thì các dự án mới của tôi sẽ được phát hành ở Âu châu.
(Theo Sinh Viên Việt Nam)