Đã 10 ngày kể từ khi thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền bị bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường ném xuống sông Hồng, nhưng hiện mọi nỗ lực tìm kiếm vẫn chưa có kết quả. Để xác định bác sĩ Tường có phạm tội Giết người hay không cần kết luận giám định pháp y. Bên cạnh góc độ tâm linh, tập quán thì việc truy tìm xác nạn nhân là cần thiết và quan trọng.
Theo Luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty Luật Bảo An (Hà Nội), việc khởi tố bị can (về một tội danh cụ thể) không đồng nghĩa với việc chắc chắn bị can sẽ bị đề nghị truy tố về tội đó mà còn tùy thuộc vào kết quả điều tra vụ án. Nhiều trường hợp sau khi điều tra, nếu bị can không phạm tội đã bị khởi tố mà phạm một tội khác thì có quyền thay đổi quyết định khởi tố bị can để điều tra tội mới.

Công cuộc tìm kiếm xác chị Lê Thị Thanh Huyền đã tiếp tục diễn ra nhiều ngày qua. Ảnh: Quý Đoàn
Do vậy, với quy định trên, cơ quan điều tra vẫn có quyền khởi tố Nguyễn Mạnh Tường về tội Giết người. Việc tìm thấy thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền hay không là mấu chốt của vụ án nhưng không có nghĩa nếu không tìm thấy thì không thể khởi tố bị can. Việc xác định bị can có phạm tội hay không có thể căn cứ vào các lời khai của nhân chứng, các tài liệu, đồ vật thu thập được trong quá trình điều tra, lời khai nhận của bản thân bị can… Nếu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án thể hiện đủ cơ sở để xác định bị can đã phạm tội giết người thì việc phải tìm thấy thi thể nạn nhận không còn là điều kiện bắt buộc khi giải quyết vụ án.
Tuy nhiên, trường hợp không tìm thấy thi thể nạn nhân mà các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ không đủ cơ sở để quy kết thì cơ quan điều tra phải thay đổi quyết định khởi tố bị can để điều tra về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp và tội Xâm phạm thi thể người khác. Tội Xâm phạm thi thể người khác, bị phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm. Bên cạnh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Xâm phạm thi thể thì can phạm còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp với mức hình phạt tối đa lên đến 12 năm tù. Sự vi phạm quy tắc nghề nghiệp ở đây có thể được thực hiện do lỗi vô ý hoặc cố ý.
Việc bác sĩ Tường vứt nạn nhân xuống sông là nhằm che giấu các vi phạm trong hoạt động nghề nghiệp và giũ bỏ trách nhiệm với hậu quả mình đã gây ra. Do vậy, can phạm sẽ phải chịu 2 tình tiết định khung tăng nặng về tội giết người là Giết người để che dấu tội phạm khác và Giết người vì động cơ đê hèn. Khi gặp tình huống này, can phạm phải dùng mọi biện pháp, khả năng có thể để cấp cứu nạn nhân, kể cả việc chuyển nạn nhân đến Bệnh viện Bạch Mai do bệnh viện này rất gần với phòng khám nhưng can phạm không làm cách đó mà lại thực hiện một hành vi thể hiện đầy đủ sự đê hèn.
Trong vụ án này, những người liên quan như bảo vệ, các nhân viên y tế cũng có thể sẽ bị xem xét trách nhiệm hình sự. Đối với bảo vệ là người trực tiếp cùng Nguyễn Mạnh Tường mang nạn nhân ra sông vứt sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm. Các nhân viên y tế khác có thể bị kết tội Che giấu tội phạm hoặc Không tố giác tội phạm tùy theo hành vi cụ thể của mỗi người.
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, thời hạn tạm giữ tối đa để điều tra về hành vi phạm tội của nghi can là 9 ngày. Hết thời hạn này, nếu không đủ căn cứ khởi tố bị can thì phải trả tự do ngay cho nghi can. Trường hợp đủ cơ sở xác định bị can đã phạm một tội nhất định thì cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can.
Tùng Dương