- Khi NTU Inc. được cổ phần hóa và chị mang thêm nhiều trách nhiệm kinh tế đối với nhà đầu tư, thì danh xưng "nhà thiết kế" dường như chỉ còn mang tính bảo chứng kinh tế hơn là cá tính sáng tạo trong thiết kế, chị nghĩ sao về nhận xét này?
- Nếu danh xưng nhà thiết kế Ngô Thái Uyên có thể là một bảo chứng kinh tế thì cũng chỉ là một bảo chứng về sáng tạo cho sản phẩm. Vì về khả năng kinh tế thì tôi là người chưa đủ kinh nghiệm, cụ thể là tôi đã không thể duy trì shop thời trang riêng của mình trên đường Nguyễn Tiệp. Nhưng khi NTU Inc. được cổ phần hóa, khả năng sáng tạo của tôi dường như được sử dụng có mục đích hơn, những sáng tạo bây giờ không còn dành cho những trưng trổ cá nhân mà được dùng để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho nhu cầu ăn mặc của người khác.
Nhà thiết kế Ngô Thái Uyên. |
- Có thể giữ một cá tính cá nhân trong sáng tạo không khi người thiết kế đặt mục tiêu là phục vụ theo nhu cầu ăn mặc của người khác?
- Với một người làm thiết kế, dấu ấn cá nhân là điều không thể che lấp được cho dù mục tiêu là hướng đến phục vụ cho mục đích gì. Với những thiết kế của NTU Inc., màu sắc là yếu tố mang rõ nét phong cách thiết kế của tôi. Theo một số khách hàng nước ngoài mà tôi tiếp xúc, họ đánh giá những thiết kế của tôi giống phong cách làm thời trang của Anh, tức là những thiết kế đẹp ở bề sâu, có thể không tốt về mặt kinh doanh nhưng nó thể hiện cá tính của người làm ra thiết kế.
- Vậy ngược lại, khi thiết kế mang đậm cá tính của người làm ra sản phẩm thì liệu những thiết kế đó có biến người mặc thành ma-nơ-kanh của thương hiệu?
- Bắt đầu từ năm 2006, xu hướng sản phẩm của công ty là hướng đến khả năng phối bộ cho thiết kế. Mua một bộ trang phục của NTU Inc., bạn có thể tách ra mặc với nhiều sản phẩm khác, và chính cách bạn chọn phối bộ cho mình mới là cái thể hiện cá tính của người mặc. Còn nếu mặc nguyên bộ thì NTU Inc. đảm bảo là trang phục phù hợp cho một mục đích cụ thể nào đó.
- Chị tiếp xúc với khách hàng như thế nào để có thể tư vấn cho họ một trang phục phù hợp?
- Khi khách đến mua hàng, tôi luôn quan tâm họ tìm trang phục để mặc đi đâu, tính chất nơi họ đến..., biết được mục đích càng cụ thể thì những tư vấn cho người mua càng đảm bảo phù hợp. Ngày nay, quần áo không còn dừng lại ở khả năng mặc ấm hay mặc đẹp, mà nó còn phản ánh cá tính của người mặc. Đôi khi nó là ấn tượng ban đầu của người mặc gieo vào những người lần đầu tiên tiếp xúc.
- Khi thời trang mang ý nghĩa như vậy, theo chị, nhà thiết kế cần có những khả năng gì để có thể làm tốt công việc?
- Theo tôi, ngành thời trang rất thú vị, vì để tạo ra một sản phẩm cho đến khi nó được công bố trên sàn diễn thì phải trải qua một chuỗi thời gian, không gian, và công việc rất dài; với sự tham gia của nhiều đối tượng lao động, từ những người đi hái bông vải cho đến những người mẫu, diễn viên khoác trên mình bộ trang phục trị giá hàng triệu đô... Nhưng giá trị của một thiết kế lại tồn tại rất ngắn, từ đó, nó đòi hỏi người thiết kế phải nhạy cảm, đón đầu được trào lưu và xu thế thẩm mỹ để sản phẩm đến tay người tiêu dùng vào đúng thời điểm phù hợp.
- Nhiều nhà thiế kế đánh giá quá cao về ý nghĩa công việc mình làm đã khiến cho cái tôi lớn quá mức cần thiết, chị thấy sao?
- Đúng là có những người thiết kế ảo tưởng về vị trí của mình trong ngành thời trang, họ không ý thức được tính "rộng" của ngành này. Họ ảo tưởng rằng họ đang đóng một vai trò rất lớn, nhưng thật ra đóng góp của họ rất nhỏ, chưa kể là thiết kế làm ra chỉ thỏa mãn sáng tạo cho riêng họ, không có tính đời sống. Chính vì điều này mà nhiều nhà đầu tư không hợp tác được với nhà thiết kế trong nước.
- Vậy theo chị, làm sao để có thể gắn kết nhà thiết kế Việt Nam với nền công nghiệp thời trang trong nước?
- Không nên mang một suy nghĩ sai lầm rằng, nhà đầu tư chỉ là những người có tiền và thiếu kiến thức về thời trang cuộc sống. Những người làm kinh tế rất nhạy cảm với thị trường, họ biết rất rõ về nhu cầu của thị trường nên các nhà thiết kế cần có sự quan tâm đúng mức đối với những ý kiến của nhà đầu tư. Những nhà thiết kế cũng cần học cách tính giá trị sản phẩm của mình, từ ý tưởng và thời gian đầu tư cho sản phẩm, tất cả những điều này cần được quy ra giá thành của sản phẩm.
- Đã có ít nhiều thành công với vai trò là một nhà thiết kế, giờ chị lại muốn tìm thành công trong lĩnh vực kinh doanh, khó thể nói chị là người không tham vọng?
- Ai cũng có tham vọng nhưng quan trọng là tham vọng của họ để làm gì. Tôi không phải là người có tham vọng tích lũy tiền bạc, tôi làm việc vì cảm thấy hứng thú với công việc mình đang làm. Với công việc này, tôi chủ động và tự quyết trong công việc, được làm cái mình thích và có cơ hội phát triển. Tôi không còn ảo tưởng về cái tự do vô hạn và tôi thấy rất thoải mái với những quy định vì yếu tố kinh tế. Hiện nay công việc của tôi chiếm 70% sức lực và thời gian trong ngày, nhưng tôi vẫn dành thời gian để chăm sóc con nhỏ và chăm sóc bản thân, vì tôi không muốn mình là người phụ nữ khiếm khuyết. Như thế có phải là tham vọng quá không?
- Nhưng khó ai có thể giành hết những điều trọn vẹn cho mình, với chị, còn riêng chị thì sao?
- Nhiều người có những suy nghĩ quá kịch tính về quyết định sinh con một mình của tôi. Với tôi, đây là một quyết định không đơn giản nhưng là do tôi lựa chọn, hoàn toàn không mang một ấn tượng xấu về chuyện tình cảm. Ở chừng mực nào đó, khi báo chí làm quá lên cái quyết định riêng tư này, nó biến thành bài học lệch cho nhiều bạn gái trẻ. Nhiều bạn gái nhầm lẫn rằng tôi chia sẻ với họ những suy nghĩ tiêu cực về đàn ông và họ xem quyết định sinh con một mình của tôi là một tuyên ngôn bày tỏ thái độ hay thể hiện cá tính. Họ chưa nghĩ đến cảm giác của đứa bé khi nó lớn lên, điều này tôi hoàn toàn không khuyến khích!
(Theo Thể Thao Văn Hóa)