Nên chọn mua sữa của các hãng sản xuất uy tín. |
Dĩ nhiên, chất lượng loại sữa này rất kém.
Trước đây, người tiêu dùng đã biết đến sữa ký, sữa bịch nhái (tức sữa bột vô bao ni lông hoặc đóng gói trên bao bì in lem nhem các nhãn hiệu nổi tiếng để bán). Cách làm hàng nhái này hiện nay đã được “nâng cấp”, bài bản hơn rất nhiều là sữa được đóng hộp (hộp giấy và hộp thiếc) giống như sản phẩm của các thương hiệu lớn. Trên thị trường TP HCM đang có hàng chục nhãn hiệu khác nhau, toàn là nhãn hiệu tiếng nước ngoài như sữa B, U, V, T... Không chỉ có các loại sữa thông thường mà nhiều cơ sở còn có sữa ngừa loãng xương, sữa dành cho người gầy để tăng cân, sữa giảm mập...
Trên thị trường TP HCM, loại sữa này có giá bán từ 30.000 đến 35.000 đồng/hộp (hộp giấy loại 400 gram), từ 40.000 đến 55.000 đồng/lon (hộp thiếc 450 gram). Mức giá này thấp hơn nhiều so với sản phẩm của các hãng lớn...
Ngoài ra, những cơ sở này còn o bế người bán bằng khuyến mãi “liều cao” như mua một thùng (24 hộp hoặc lon) được giảm giá 200.000 đồng và tặng thêm 2 lon hoặc hộp. Nếu cửa hàng nào dành chỗ tốt để trưng bày hàng của họ sẽ được tặng thêm 2 triệu đồng/năm. Đối với người mua sữa, dù chỉ một lon (hộp) cũng được tặng kèm tô, đĩa, ly thủy tinh...
Trên bao bì sản phẩm, nhà sản xuất liệt kê đủ các thành phần, công dụng, thậm chí còn vượt xa các đại gia trong ngành sữa. Chẳng hạn riêng vitamin không dưới 30 loại, khoáng chất cũng có gần 20 loại, rồi các dược chất đang “hot” hiện nay như DHA, MCT, taurine... cũng đầy rẫy trên bao bì...
Sữa mà không phải sữa
Lloại sữa này có giá rẻ là do các cơ sở “sản xuất” sử dụng loại nguyên liệu mà dân trong nghề thường gọi là “sữa mà không phải sữa”. Đó là nguyên liệu bột bắp của Hàn Quốc và một số nước khác, giá nhập khẩu chỉ bằng 30-40% so với sữa nguyên liệu nhập từ New Zealand, Australia, Hà Lan (nếu nhập từ Hàn Quốc giá thành chỉ khoảng 40.000 đồng/kg). Loại nguyên liệu này khá giống với nguyên liệu sữa chính phẩm từ màu sắc đến mùi vị. Ngoài ra, nhiều cơ sở còn sử dụng nguyên liệu sữa cận đát...
Theo giới kinh doanh sữa, từ nguồn nguyên liệu nói trên, các cơ sở sẽ pha trộn với sữa nguyên liệu chính phẩm theo một tỷ lệ nhất định để sữa “thật” hơn, dễ qua mặt người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều cơ sở chỉ sử dụng bột bắp pha trộn chất tạo béo, hương, đường cũng như các chất phụ gia bảo quản, chống mốc khác rồi đóng gói đưa ra thị trường. Các cơ sở dạng này thường chỉ pha chế bằng tay hoặc chỉ với máy trộn giống như máy trộn bê tông cỡ nhỏ. Nếu đóng hộp giấy thì họ chỉ cần đặt bao bì tại các cơ sở in lụa và thực hiện đóng gói đơn giản tại nhà. Trường hợp bao bì bằng hộp thiếc thì gia công tại các cơ sở ở khu vực Chợ Lớn...
Theo bà Nguyễn Thu Ngọc Diệp, Khoa An toàn Vệ sinh thực phẩm, Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM, loại sữa này chắc chắn chất lượng rất kém. Chất dinh dưỡng trong động vật và thực vật khác nhau nên chất lượng cũng khác nhau (không thể lấy bột bắp thay sữa được vì sẽ thiếu một số chất dinh dưỡng quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng, nhất là với trẻ em).
Bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn Văn phòng phía Nam Hội KHKT An toàn Thực phẩm VN, lưu ý: Các đơn vị sản xuất sữa quảng cáo đủ thứ các chất bổ sung nhưng trên thực tế họ có đưa vào hay không, hàm lượng cao hay thấp chỉ có nhà sản xuất biết chứ chưa có cơ quan nào kiểm chứng. Chưa kể nếu một chất nào đó đưa vào vượt ngưỡng hấp thu thì còn gây hại. Chẳng hạn, với vitamin dành cho mỗi người là 10 mg/ngày, nếu tăng lên 30 mg thì cơ thể phải đào thải, nếu thải không hết sẽ gây ngộ độc vitamin dẫn đến tiêu chảy, chán ăn, lâu ngày dẫn đến suy dinh dưỡng.
Quản lý bị buông lỏng
Theo Quản lý Thị trường TP HCM, những năm trước đơn vị này có kiểm tra vài cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói sữa bột. Các cơ sở được kiểm tra đều vi phạm về công bố chất lượng, nguồn nguyên liệu không rõ ràng, điều kiện an toàn vệ sinh không đạt...
Bà Đào Mỹ Thanh, Trưởng Khoa Vệ sinh An toàn Thực phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng TP HCM, cũng cho biết không nắm rõ số cơ sở là bao nhiêu. Vừa qua, ngành y tế đã yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm gửi hồ sơ để trung tâm kiểm tra, thẩm định để được cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy cơ sở nào gửi hồ sơ.
(Theo Người Lao Động)