Nhạc sĩ tiếp chuyện phóng viên trong một căn phòng khách sạn rất rộng. Con trai và con gái ông ở chung phòng với bố để tiện chăm sóc vì sức khỏe ông không được tốt. Tuy vậy, khi chia sẻ những quan điểm của mình, nhạc sĩ luôn tỏ ra linh hoạt và dí dỏm. Dù đã ngoài 60 nhưng vẫn thấy ở ông sự lãng mạn, yêu đời và sức cuốn hút với người đối diện.
Trước khi phỏng vấn, ông giao hẹn "30 phút nhé" và kết thúc cuộc nói chuyện rất đúng giờ. Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ ly cà phê sáng của nhạc sĩ.
- 8h sáng mà đã thấy ông làm việc, uống cà phê. Thường ngày ông vẫn dậy sớm như vậy?
- Sớm gì nữa đâu. Tôi dậy từ 3h sáng cơ! Thành thói quen rồi.
- Ông bị mất ngủ như thế từ bao giờ?
- Không! Mất ngủ đâu. Chỉ là nó ngược với người ta thôi, tôi cũng ngủ nhiều lắm đó chứ không ít đâu ạ. Thức dậy thế rồi làm việc, xong nằm giường lim dim…
- Trong lúc lim dim đó ông thường nghĩ về những điều gì?
- Đủ thứ chuyện trên đời! Trông tôi thế thôi nhưng mà cũng… nhiều chuyện lắm.
Nhạc sĩ Thanh Tùng. |
- Lần này ra Hà Nội làm liveshow, có những ai tháp tùng ông?
- Làm gì có ai. Tôi ra một mình. Con cháu tôi nó ở đây đông đủ cả nên không lo thiếu người chăm sóc.
- Vậy là có các con tháp tùng rồi còn gì?
- Đâu! Tháp tùng là phải đi theo từ trong kia ra chứ, đằng này chúng nó ở đây sẵn rồi, nghĩa là… mai phục chứ không phải tháp tùng.
- Liveshow "Một mình" của ông làm 3 đêm 2-3-4/5 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhưng đêm đầu tiên là toàn khách mời. Thông tin này cụ thể thế nào?
- Thế này, đêm đầu tiên ngoài 200 vé mời thì có một đơn vị họ mua tất cả vé còn lại để mời khách của họ. Hình như ở bên công an. Có vẻ công an hơi hâm mộ Thanh Tùng (cười). Còn hai đêm tiếp theo thì… nghe đồn là cũng hết sạch vé rồi.
Tôi tập với ca sĩ tất cả 24 bài. Mỗi đêm sẽ hát 18 bài và có sự thay đổi ở các đêm. Chương trình kéo dài tối đa khoảng 1 tiếng 45 phút. Mọi thứ tôi giao hết cho nhà tổ chức và nhà tài trợ lo, riêng phần âm nhạc là việc của tôi và không ai được can thiệp vào. Tôi phải chịu trách nhiệm về phần hát hò, nhảy múa, ca sĩ, tập tành. Ca sĩ trong đêm nhạc của tôi có Hồng Nhung, Thanh Lam, SiuBlack, Kasim Hoàng Vũ, Lưu Hương Giang, Phương Anh, Mỹ Dung.
- Trong một số liveshow, lực lượng bảo vệ cũng đóng một phần khá quan trọng. Thế còn đêm nhạc của ông thì sao?
- Cả một nhà hát toàn công an rồi thì cần gì phải bảo vệ nữa (cười). Có báo An Ninh Thủ Đô tổ chức thì lo gì. Khán giả của tôi bảo vệ tôi rồi. Nhất là đêm đầu tiên, toàn cán bộ chiến sĩ công an của Hà Nội đấy thôi.
- Thế còn bình thường, nhu cầu cần người “bảo vệ” của ông ra sao?
- Tôi được nhân dân yêu quý lắm. Đâu có cần ai phải bảo vệ. Bạn của tôi nào là xe ôm, xích lô, rồi các kiểu… Đi đâu cũng có người tình nguyện. Thậm chí chưa quen đội nón bảo hiểm, người ta còn cài vào hộ, rồi khi xuống xe thì tháo ra cho. Sướng lắm! Thật mà! Ngay như tôi ở Hà Nội này, ra cửa là có đứa nó dắt đi, đưa vào thang máy, xuống xe có đứa mở cửa cho… Đấy, số nó sướng thế. Mà không phải mất tiền nong, thuê mướn gì hết. Thậm chí lúc nào mà muốn đi một mình thì phải… lẻn đi đó.
Nói đùa vậy chứ chúng nó thấy mình già lọm khọm, nó thương thì ra trợ giúp thôi. Tôi bị huyết áp nên cũng hơi nguy hiểm, đứng lên ngồi xuống là tăng giảm đột ngột nên đi lại khó khăn. Bị lâu rồi nhưng mình không để ý, bây giờ có máy đo thường xuyên thì thấy nó buồn cười lắm. Người ta gọi là bệnh tụt huyết áp tư thế. Thí dụ đang ngồi thế này mà đứng lên thì nó tụt. Hoặc là đang ngồi trên ô tô mà xuống xe rồi lại phải lên sân khấu đứng một lúc lâu thì là thời gian nguy hiểm đấy. Đứng trên đó mà như biểu diễn, thành tiết mục… thời trang đứng thì chết dở.
- Nhưng trong chương trình ông cũng phải đứng trên sân khấu một lúc để tâm sự chia sẻ với khán giả, ông sẽ nói gì với họ?
- Theo tôi thì nói dài, nói dai thành ra nói dại. Tốt nhất chỉ nên quanh quẩn trong mấy câu chào hỏi, cám ơn thôi. Không gì bằng cám ơn, cứ cám ơn là ổn! Lúc nào MC “dí” micro là nói thôi.
- Những sáng tác của ông đa phần là về tình yêu, điều gì khiến ông luôn hứng thú với chủ đề đó như vậy?
- Chẳng có bài nào của tôi là không viết về tình yêu cả. Không viết tình yêu thì viết cái gì. Tình yêu của tôi thì nó tùm lum lắm, yêu quê hương, đất nước, con người chứ đâu chỉ tình yêu nam nữ không đâu.
- Nói về tình yêu của ông còn rất nhiều điều để chia sẻ, vậy ở thời điểm hiện tại, bóng hồng nào đang ở bên cạnh ông?
- Không có! Một mình riết rồi nó cũng thành bình thuờng. Không có một người thì sẽ có nhiều người chia sẻ với mình, muốn chơi với ai cũng được mà không phải chịu sự sở hữu ràng buộc nào cả. Dại gì có một người bên cạnh rồi để họ quản lý mình luôn, phiền phức (cười).
Trước đây cũng có người muốn quản lý nhưng tôi không bao giờ cho phép. Tôi quan niệm rằng mình sống tử tế và tự biết kiểm soát bản thân thì không cần ai phải kiểm soát cả. Với những người như thế thì tốt nhất là... "bò né”.
- Nhưng nếu người ta cứ muốn ở gần ông thì làm thế nào?
- Làm gì có ai đâu!
- Rất nhiều người phụ nữ đẹp và nổi tiếng nữa đã ở bên ông. Vậy ông thấy mình có điểm nào hấp dẫn phái đẹp đến vậy?
- Tôi không biết đâu! Tôi thực sự không biết là mình có hấp dẫn họ hay không. Thật đấy! Người ta cứ đồn thế thôi!
Có khi vì tôi ít gần gũi với phụ nữ mà thành ra họ lại thích. Tôi nghĩ thế chẳng biết có phải không? Tôi có cái tính ngại tiếp xúc, né né ra xa để chiểm ngưỡng họ mới dễ chứ đến gần lại cứ thấy… khó xử (cười).
- Vậy các con ông có ý kiến gì về điều này?
- Bố nó cực kỳ… ngoan thì làm gì các con phải có ý kiến. Nhiều khi chúng nó cũng bảo “thôi cho bố có vợ đấy”, nhưng được hay không là ở tôi chứ. Cho hay không là quyền của tôi. Tôi giờ độc thân rồi, lấy ai chả được, lấy vợ là hợp pháp chứ đâu có vấn đề gì. Quan trọng là mình có thích hay không. Nói thật hôn nhân vào là rắc rối lắm. Tôi giờ lớn tuổi rồi, thích bạn bè đi chơi đông vui hòa đồng hơn.
Vả lại sống một mình nó cũng quen. Mà bạn xem giờ giấc sinh hoạt của tôi đấy, ai mà ở chung được. Tự dưng 2-3h sáng bật dậy khua giầy dép, gõ bàn gõ ghế cứ như… giống khùng vậy thì ai chịu. Gớm! Ai mà thích được thì tôi chết liền à!
Trong Sài Gòn tôi vẫn cứ sống một mình. Con cái ở hết ngoài Hà Nội mà. Phòng tôi có đầy đủ các thứ phương tiện để có thể tự lo được. Dọn dẹp nhà cửa, nấu nướng thì có người giúp việc, còn chăm sóc có bác sĩ, alô là họ đến thôi. Giờ hiện đại rồi, có sao mình đến phòng khám, nếu không đi được thì nằm im trên giường bấm điện thoại gọi cấp cứu đến. Phải không!
- Nhưng ông đã nhiều tuổi rồi, sức khỏe lại không ổn định mà cứ một mình như vậy, con cái sẽ thấy rất lo lắng, ông nghĩ sao?
- Tất nhiên là con cái cũng lo lắm chứ nhưng chúng nó còn công việc nữa. Mà tôi thì vẫn tự lo được cho mình mà. Sống 18 năm một mình nó thành quen. Rồi bạn bè trợ giúp nữa, công việc cuốn mình đi khiến tôi thấy mọi thứ bình thường và nhẹ nhàng lắm. Đừng có trầm trọng hóa vấn đề không lại sớm thành bệnh nhân tâm thần thì chết. Thà tim mạch huyết áp còn đỡ hơn nhiều! (cười)
- Ông bị huyết áp mà sao vẫn thấy hút thuốc nhiều vậy?
- Ngày trước có một thứ tôi tưởng mình nghiện thì lại bỏ được, đó là rượu. Trước uống 10 thì giờ chỉ 1 thôi. Có khi cả tuần không động đến một giọt. Nhưng thuốc lá thì vẫn hút.
Bởi vì sao? Rượu phải lằng nhằng một tí mới uống được. Nào ly, cốc, rồi khui chai, lấy đá, rồi phải có bạn bè... Còn thuốc ở ngay trước mặt, lấy ra, châm lửa cái xoẹt là đưa lên miệng hút được rồi. Thế nên khó lòng từ chối!
- Ngoài thuốc và rượu, ông còn nghiện gì nữa?
- Nghiện xem... tivi (cười). Tôi xem tivi suốt ngày không biết chán. Mở hết kênh này đến kênh kia từ phim ảnh, thể thao, ca nhạc, thời sự... Có thời kỳ tôi xem nhiều quá thành ra không viết nhạc được vì nghe nhạc suốt nó thành... lẫn lộn. Tất nhiên là cũng tại mình cứ ham chứ không thể đổ tội hết cho cái tivi được. Lắm khi tôi thức cả đêm xem, đến khi không còn gì hay nữa mới đi làm việc khác.
Đặc biệt tôi lại chỉ thích những chương trình có tiết tấu nhanh. Thí dụ như thể thao, tôi chỉ thích bóng đá, boxing, còn bi-a, bóng bàn, nhảy cầu... để chấm điểm thì tôi chẳng xem bao giờ. Ghét nhất là mấy thứ đem ra chấm điểm, kể cả âm nhạc cũng thế. Không tin mấy ông giám khảo được. Ban giám khảo luôn có sự dở hơi, không ai chính xác hết. Có chăng chỉ là 50 đến 70% là cùng.
Tôi cho rằng, nghệ thuật không phải là thứ đem ra thi đấu, so tài thắng thua mà là để thưởng thức. Những cuộc thi ca nhạc đã đành mà thi tác phẩm còn dở hơi hơn nữa. Vì sao? Vì tác phẩm nó có đời sống riêng, và người sáng tác ra nó tài giỏi gấp trăm lần so với những ông giám khảo. Vậy thì ông chấm cái gì. Tôi nghĩ, những ai đã được làm ban giám khảo thì phải biết ngượng, phải bình tĩnh để xem mình chấm ai, chấm cái gì, lấy của ai, cho ai... Bản thân tôi khi được mời làm giám khảo luôn cảm thấy ngượng. Mình biết gì mà chấm. Người ta cười chết! Phải bình tĩnh, kiềm chế để chiến thắng mình?
- Vậy ông đã bao nhiêu lần chiến thắng được bản thân?
- Khó lắm! Làm người bình thường theo tiêu chuẩn nghiêm chỉnh không dễ chút nào. Tôi vẫn đang tiếp tục phấn đấu để thắng phần xấu, phần ác trong con người mình. Giờ tôi giác ngộ hơn rồi, chứ trước đây chủ quan lắm, chỉ được cái mồm thôi! Mình hướng tới cái thiện, cái đẹp, mang đến cái hiền, cái tốt cho mọi người, cho cuộc sống. Đó mới là giá trị lớn.
"Nhân chi sơ bản thiện" nhưng thực ra cũng tiềm ẩn cái ác, cái phá phách. Ví như một đứa trẻ la khóc, quấy tùm lum tà la...
- Ký ức về tuổi thơ của ông như thế nào?
- Có nhớ gì đâu mà biết! Cũng chẳng có ai kể lại cho tôi nghe ngày nhỏ mình thế nào. Khi tôi mới sinh, bố đi Cách mạng, mẹ ở miền Nam. Tôi được gửi cho một bà cô ở Hà Nội chăm sóc (người này mẹ tôi gọi bằng cô). Bà ấy không có chồng con nên cũng cưng tôi lắm. Đến khi 5 tuổi thì mẹ đón tôi vào Sài Gòn.
Hình ảnh mà tôi còn nhớ nhất hồi sống với bà cô đó là mỗi sáng bà quẩy gánh đi bán dừa, tôi lon ton chạy theo. Đến chiều, khi bán hàng xong, bà xếp dừa còn thừa sang một quang gánh, đặt tôi ở quang còn lại và thêm vài quả dừa vào bên tôi ngồi cho cân và gánh về...
Mỹ Dung thực hiện