Ca sĩ Phương Uyên.
- Nhiều người bảo phòng thu của chị được mở ra chỉ để dành cho chủ nó, chị nói sao?- Tôi mua lại phòng thu vì thích làm chứ không phải mua để người khác làm. Mệt nhưng thêm được nhiều tiền. Chỉ thu cho mình, không thu dịch vụ, vì tôi nghĩ, thà để thời gian kiếm tiền một lần cho nó đáng, không để mất nhiều thời gian kiếm tiền lặt vặt.
- Thời gian qua, chị sống được nhờ làm nhạc, viết nhạc quảng cáo. Vậy chị đi hát lại vì lý do gì?
- Tôi không quan tâm, đặt nặng chuyện tiền bạc, dĩ nhiên là biết tiền bạc làm cho mọi người vui vẻ. Hiện nay ngoài viết nhạc, tôi còn làm quản lý âm nhạc cho vũ trường Palace. Cũng đủ sống. Nên bây giờ đi hát lại không vì kinh tế, tôi muốn hát theo cảm xúc bên trong của mình. Thời buổi này đi hát không vì kinh tế. Hồi xưa đi hát mua được nhà. Bây giờ thì không ít người bán, cầm cố nhà làm CD.
- Nhắc đến chuyện kinh doanh, chị từng nói “nghệ sĩ tính” như mình thì làm bao nhiêu cũng về lại số 0. Còn bây giờ chị kinh doanh nhà hàng thế nào?
- Ban đầu suy nghĩ đơn giản lắm, mở quán cà phê tiện hơn mở quán quần áo. Tôi còn định đi đăng ký bản quyền tên quán nữa đó, sung lắm. Bây giờ thì, rất thật lòng mà nói mình không phù hợp với việc kinh doanh. Nghệ sĩ làm việc theo cảm xúc, thích thì nửa khuya cũng ngồi bật dậy làm. Đối với việc kinh doanh, mình phải tỉ mẩn từng tí một như nuôi con mọn vậy, phải trực tiếp quản lý công việc mỗi ngày, ngay cả cành hoa cũng phải để ý. Bạn tôi nói "phải chi li từng con số lẻ, nếu mày thất lạc 1.000 đồng, mày cũng phải truy tìm cho ra". Làm riết rồi thấy cảm xúc của mình bị chai, chẳng sáng tác gì được.
- Nhưng trước khi bắt tay vào kinh doanh, chị phải lường trước những việc này chứ?
- Nhưng có những việc không lường trước được, Khi mở quán 8, ngày nào tôi cũng say hết! Nhiều khách cứ nhất định phải có Phương Uyên mới chịu đến. Đến lại kêu một thùng bia để đó, nói Phương Uyên uống mới chịu uống. Mà phải uống 100%, hết bàn này tới bàn kia. Muốn bán được mình phải chiều khách thôi, người ta quý mình sao nỡ từ chối.
Ngày nào cũng vậy, nhiều khi khách ngồi đến 3-4h sáng cũng phải ngồi, chẳng lẽ lại đi về? Trốn được một thời gian nhưng khách không thấy mình lại không tới. Rồi khi quán có chương trình hát với nhau, khách cũng cứ vỗ tay rần rần nhất định bắt tôi phải lên hát. Quán thì nhỏ, ngồi đâu khách cũng thấy, không trốn được. Mà có bia rượu vào thì tôi không viết và hát gì được.
- Chị đầu tư vào quán hết bao nhiêu tiền?
- Cũng tốn mấy chục nghìn đô đó. Thành ra khi người ta muốn lấy lại quán, mừng quá trời. Nói chung là cũng có lời, nhưng so với sức mình bỏ ra thì quá nhiều. “Lời” được đống bàn ghế, ti vi chở về nhà. Kinh nghiệm rút ra là kinh doanh khó hơn đi hát. Chỉ kinh doanh tốt khi nghỉ hẳn công việc nghệ thuật.
- Từng kinh doanh nhưng chị lại bảo không quen tiếp xúc với tiền, chị giải thích sao đây?
- Ngay cả khi mở quán cà phê, nhân viên làm mất tiền cũng ngại, không dám nói nhiều, vì sợ người ta xấu hổ. Mình thương người ta nên người ta ỷ lại. Tháng đầu tiên đã mất ba mươi mấy triệu, mà quán chỉ có mấy nhân viên. Nếu tôi kinh doanh mặt hàng khác thì chỉ lên kế hoạch chiến lược này nọ, còn tính tiền là bạn bè tính. Ngay cả quán 8 cũng vậy, A Zìn (tay trống Huỳnh Nhiên, em rể, chồng của Ngọc Diệp) báo cho tôi biết doanh thu vậy thôi.
Đi show cũng vậy, người ta đưa tiền thì cầm về chứ không đếm. Về nhà kiểm tra lại mất, hụt thì ráng chịu. Nếu người yêu mà đếm tiền trước mặt tôi chắc tôi cũng bỏ quá (cười).
Hồi nhỏ đi hát, cát-xê do ba mẹ giữ, sau này Ngọc Diệp giữ. Từ nhỏ đến lớn tôi không biết cách xài tiền. Mới mấy năm sau này, nghĩ là hát tiền ai nấy giữ thì mới tập đó. Bây giờ, tuy mới đi hát lại, tôi phải có ngay một người trợ lý để lo giúp những chuyện như thế này.
- Là thủ lĩnh của nhóm, lên sân khấu bạo dạn tưng bừng, thậm chí tạo ấn tượng mạnh mẽ trong phong cách biểu diễn, nhưng chị lại nhận mình là kẻ nhút nhát thì lạ quá. Có gì mâu thuẫn ở đây?
- Lên sân khấu là rất tự tin, thoải mái như là đi về căn nhà của mình. Nhưng thật ra tôi là kẻ nhút nhát từ nhỏ. Tôi không chịu được sốc, nên người nói nhìn bản lĩnh trên sân khấu mà hay mau nước mắt là vậy. Mấy đứa em tôi chính là người bảo vệ tôi đó, nên lúc đi hát, thử thách lớn nhất là khi không có hai em bên cạnh. Khi đi hát tôi không nói chuyện với ai, ban nhạc tự lập, ba không đi với nhóm nữa mới biết giao thiệp. Tôi không có bạn, hiếm khi nào đi học lớp. Đi bar cũng chỉ mấy chị em với nhau thôi. Mấy chị em hiểu nhau như bạn bè thân, chỉ một cái nhìn thôi cũng hiểu rồi.
- Đề tài xã hội được nhiều nhạc sĩ trẻ nhìn nhận là khó viết và khó phổ biến. Còn chị nghĩ sao?
- Đâu cứ phải đề tài xã hội không có chỗ đứng rộng là không viết. Đâu chỉ là tình yêu mới ca ngợi? Vấn đề của tôi là viết theo cảm xúc, mong nó được hát từ những gia đình. Tôi nghĩ, chẳng lẽ khi họp gia đình, chỉ toàn hát nhạc tình yêu. Bây giờ nhiều người cứ nói là tôi không có thời gian cho gia đình, tôi mong là khi nghe những bài hát về gia đình, người ta sẽ suy nghĩ lại.
Nhóm Ba con mèo. |
- Đối với chị, gia đình có vị trí như thế nào?
- Với tôi, gia đình là quan trọng nhất, vì gia đình sẽ không bao giờ bỏ mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Những lúc tôi khó khăn nhất ai cũng chạy hết, chỉ có gia đình là luôn bên cạnh. Thường thì chủ nhật tôi không gặp ai, chỉ để dành cho gia đình. Nhà tôi đông người, lắm chúa, ở riêng nhưng cuối tuần lại tụ về nhà với bố mẹ, ăn cơm trưa, cái nếp lâu nay vậy, nếu vắng thì phải xin phép.
- Chị định sẽ sống cuộc sống độc thân đến bao giờ đây?
- Chưa sống hết đời thì đâu có nói trước được điều gì. Mình nghĩ là như vậy, nhưng cuộc đời có thể thay đổi. Tôi quen ai mà thấy người đó không muốn tôi gần gia đình, không muốn tôi lo cho gia đình nhiều đến mức như thế, là không thương được. Tôi gắn bó với gia đình rất nhiều, có được như hôm nay cũng nhờ gia đình. Tôin quen nhiều người, nhưng đến giờ phút này vẫn cứ một mình…
Tính ra vài năm trước tôi đã muốn ra hát solo. Thấy vàng thau lẫn lộn, mà mình phải bon chen, làm sao chịu nổi với mấy cái nhạc kiểu Người ấy và tôi em chọn ai. Nhưng rồi tôi nghĩ tôi phải làm, muốn đời sống âm nhạc phải cân bằng trở lại - những dòng nhạc chính thống của thị trường với nhạc chợ. Hồng Nhung, Thanh Lam, Mỹ Linh… mọi người đều phải “ra tay” hết để dòng nhạc này lên trở lại. Các tụ điểm ca nhạc vốn không nhiều quá. Mỗi ngày khán giả phải được giải trí, thì có cái gì nghe cái đó. Giống như dọn một mâm cơm, có bao nhiêu món ăn bấy nhiêu, dù có thể không thích, Khán giả chê thì chê nhưng vẫn đi xem vì không còn gì để chọn lựa. Nhưng khi có hai mâm cơm để chọn lựa, thì hẳn là người ta sẽ dễ chọn lựa món ăn cho mình hơn.
(Theo Thế Giới Nghệ Sĩ)