Cháu bé "thần đồng" Đặng Văn Thủy. |
Cháu Đặng Văn Thuỷ sinh ngày 10/1/2003, ở thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình. Gần 3 năm trời, Thuỷ không hề nói một từ nào, chỉ “ú a ú ớ” như bố, anh Đặng Văn Chung (31 tuổi), bị câm từ nhỏ. Ai cũng tưởng cháu Thuỷ “theo gen” bố nên “ngậm bồ hòn...” đau khổ. Một ngày giáp Tết 2006, cậu bé Thuỷ cất lên tiếng nói khiến dòng tộc, họ hàng, gia đình “sướng rơn”. Nhưng, càng ly kỳ hơn, chỉ sau một thời gian ngắn “nói được”, cậu bé Thuỷ trở thành “thần đồng” khi đọc, viết thành thạo và trí nhớ thì tuyệt diệu...
Ngay sau cơn bão số 5, chúng tôi tìm về địa chỉ “cậu bé thần đồng”. Tuy quê nghèo vẫn ngập chìm trong biển nước, nhưng khi đề cập đến chuyện cu cậu Thuỷ, ai ai cũng khoe: “Làng tui có “thần đồng” đó nghe!”.
Thủy (tên gọi thân mật là Cò) có gương mặt sáng, khôi ngô tuấn tú. Cậu nhanh nhảu mời chào chúng tôi bằng phép lịch sự quá sức tưởng tượng của đứa bé lên 3 khiến ai cũng trố mắt ngạc nhiên. Nói về những tháng ngày “sang trang” của đứa cháu đích tôn cả nhà Thuỷ ai cũng tươi mừng nét mặt
Chị Lê Thị Hiền, mẹ Thủy, tuổi 24, mấy năm trước cũng là “đề tài” nóng của dân làng. Người cùng làng, thương cảnh anh Chung bị câm bẩm sinh nhưng chị vẫn quyết định lấy anh tuy rào cản luôn thường trực. Sinh đứa con trai đầu lòng, là đứa đích tôn nối dõi tông đường nên cả họ ai cũng mừng.
Hiền nhớ lại: “Tui không nói ra, nhưng tui sợ con giống ba nó”. Càng lo lắng khi thời gian trôi, cháu Thuỷ vẫn “im lìm”, không nói không rằng. Ai cũng đinh ninh cháu bị bệnh giống bố, sự buồn len lỏi vượt ra khỏi ba gian nhà. Cho đến một ngày niềm hy vọng dần mất...
Bà Đào, bà nội cháu Thuỷ, nhớ như in ngày 28 Tết năm 2006, khi bà nhận gói quà của cô con gái từ phương Nam gửi về, có ghi dòng chữ trên bao bì, bỗng nhiên Thủy lên tiếng: “Quà của o gửi về”. Bà Đào cứ ngỡ “tai mình có vấn đề”, cố lắng nghe thì đứa cháu vẫn điệp khúc ấy. “Chao ôi, tui mừng chi mà mừng”, nước mắt hạnh phúc của bà nội khi đứa cháu đích tôn nói được không lấy gì sánh được. Bà Đào vô nhà kể nhưng không ai tin. Thủy đành nói đi nói lại cho cả nhà thỏa nỗi ước mong. Cả nhà mừng như vớ được của quý.
Trong nỗi hân hoan, ông nội cậu bé Thuỷ kể: “Mấy năm chưa nói được, cậu rất thích xem ti vi, kể cả đang chơi ngoài sân mà ai tắt ti vi là... khóc toáng lên: Từ lúc bắt đầu nói, Thuỷ đếm số tài lắm, đếm từ 1 đến 100, chỉ có điều ban đầu cậu đọc số 100 là: “mười mười”. Sau đó cậu đọc ngược từ 100 đến 1.
Mang bảng chữ cái về, Cò đọc thông 1 lần là thuộc luôn, có thể viết xuôi ngược đều được và còn ghép lại với nhau thành từ. Nó thích đọc các chữ hiệu trên đồ vật. Những dòng chữ giới thiệu chương trình chạy liên tục trên màn hình TV tui đọc không kịp thế mà nó đọc được hết và nhớ rất kỹ, đến giờ chương trình nào là nhắc cho mọi người”.
Điều lạ là, khi chúng tôi đến nhà thấy cậu bé Thuỷ tung tăng đọc sang sảng quyển Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Ông nội Thuỷ giải thích sự lạ kỳ đó của đứa cháu đích tôn: “Đây là quyển sách “gối đầu giường”, nó luôn giữ khư khư bên mình. Có lúc còn đứng trên ghế đọc dõng dạc y như người lớn”.
Chúng tôi và làng xóm được một phen cười như nắc nẻ khi chứng kiến Thủy thể hiện biệt tài. Cậu rất thích các con số, nhất là số nhảy ở một số vật dụng như đồng hồ điện tử, máy ghi âm. Cậu viết dễ dàng số 500 triệu đồng (có hai dấu chấm dưới hàng trăm, hàng nghìn và chữ “đ” viết tắt của đồng).
Ví như “năm 1992”, cậu đọc: “Năm một nghìn chín trăm chín mươi hai” đàng hoàng. Khi đưa máy ảnh lên chụp, cậu bé đang lúi húi viết thì bỗng cậu đọc “Canon” rồi viết lên giấy. Mọi người xung quanh chưa hiểu gì, nhưng tôi biết đó là hiệu cái máy ảnh của tôi.
Vừa lúc đó, có người thấy đông đi vào xem, mang áo có dòng chữ “Ngân hàng NN & PTNT VN”, cậu đọc rõ ràng: “Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam”, nghĩa là đọc được từ viết tắt khiến ai cũng sửng sốt. Chúng tôi làm phép thử trí nhớ của Thuỷ: Thử đọc lên 3 số điện thoại di động, một lúc sau, cu cậu viết tên từng người kèm theo số di động được lục lại trong trí nhớ.
Ngoài ra, nghe bà nội cháu nói, Thuỷ đọc rất thạo tên các loại axít, prôtêin, phần trăm ở các lọ thuốc, sữa theo đúng cách phát âm... Và , trong căn nhà, ở mọi ngóc ngách, Thuỷ đều xem là bảng, viết và viết, đọc rồi viết, cứ thế... cả ngày.
Làng xóm thấy thế, mang nhiều sách đến khiến cậu bé thích thú. Thủy có một thói quen cố hữu: “Lúc nào đi ngủ cũng ôm một, hai quyển sách vào lòng. Cậu nhớ như in đang đọc trang nào, bảo đọc quyển nào là cậu lật tìm trang đó đọc tiếp”. Đám trẻ đã học mẫu giáo (hơn Cò 1- 2 tuổi) trong làng thấy thế cũng đến nhờ “thầy Cò dạy” chữ. Được làm “thầy- trò” như thật đám trẻ chơi không hề thấy chán...
Vừa qua cậu bé Thuỷ được nhận giấy chứng nhận “Thần đồng ngôn ngữ” do một Câu lạc bộ “Thần đồng đất Việt” ở TP HCM trao tặng.
(Theo Giadinh.net)