Sau 8 tháng liên tục tăng giá, và đạt mức giá 530 USD/tấn, cao nhất từ trước đến nay vào cuối tháng 2, đến tháng 3, giá LPG trên thị trường thế giới lại nhanh chóng hạ nhiệt: chỉ còn 450 USD/tấn, và theo dự báo, sẽ còn tiếp tục giảm trong những tháng sắp tới. Các nhà nhập khẩu và chế biến LPG ở Việt Nam đang ở trong trạng thái phập phồng và chờ đợi. Hơn 60% lượng LPG tiêu thụ ở Việt Nam chủ yếu được nhập khẩu từ Thái Lan, Indonesia... Khi LPG rục rịch tăng giá vào nửa cuối năm 2005, các nhà nhập khẩu của Việt Nam đều có chung tâm trạng lo âu. Và, sự lo âu của họ đã trở thành hiện thực: LPG liên tục tăng giá từ tháng 7/2005 đến tháng 2/2006. Cuối năm 2005, cũng như hầu hết các nhà nhập khẩu LPG khác trên thế giới, các nhà nhập khẩu Việt Nam tới tấp đặt hàng với số lượng lớn. Dự báo và suy đoán của họ không phải không có cơ sở: các bất ổn chính trị ở Trung Đông, Trung Á, miền Nam Thái Lan... và một mùa đông bất thường trong lịch sử. Thế nhưng, trái với các dự báo, giá LPG liên tục giảm, bắt đầu vào tháng 3/2005, từ 530 USD/tấn trong tháng 2/2006 xuống còn 450 USD/tấn, và ở thời điểm hiện tại chỉ còn 410 USD/tấn. Dự báo, giá LPG sẽ xuống đến mức 350 USD/tấn vào tháng 7/2006. Biến động LPG đặt sức ép nặng nề lên các nhà nhập khẩu. Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh LPG than thở: “Hợp đồng đã được ký kết. Nếu chúng tôi nhập hàng về thì sẽ bị lỗ nặng. Nếu không nhập hàng về thì sẽ mất uy tín với bạn hàng. Giải pháp tốt nhất mà đa phần các doanh nghiệp lựa chọn là chịu phạt hợp đồng, tức là nộp phạt do không vận chuyển hàng về. Lỗ, nhưng lỗ ít”. Dĩ nhiên, các doanh nghiệp cũng không ký hợp đồng mới mua LPG do tâm lý chờ đợt giá xuống. Theo ông Đỗ Khang Ninh, Giám đốc PV Gas, kể từ năm 1999, tức là năm PV Gas bắt đầu sản xuất và chế biến LPG, đây là lần đầu tiên PV Gas đối diện với những bất ổn sâu sắc của thị trường LPG. Hiện tại, mỗi tháng, Nhà máy Xử lý khí Dinh Cố của PV Gas sản xuất 30.000 tấn LPG, trong đó, bán hàng trực tiếp tại nhà máy khoảng 10.000 tấn và 20.000 tấn còn lại được đưa xuống kho cảng PV Gas ở Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất đi cho các khách hàng. Do những biến động giảm mạnh về giá, tồn kho của PV Gas trong tháng 3 này vào khoảng hơn 5.000 tấn. Với các cơ sở vật chất hiện có và các biện pháp tiêu thụ hiện tại, hệ thống sản xuất và tồn trữ của PV Gas vẫn nằm trong tầm kiểm soát, vì vậy, sẽ không có hiện tượng PV Gas dư thừa hàng dẫn đến phải tiến hành đốt bỏ LPG. Đại diện PV Gas cũng cho biết lượng LPG do PV Gas sản xuất chỉ đáp ứng được hơn 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước, vì vậy, PV Gas không có khả năng điều tiết và điều chỉnh thị trường. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ LPG ngày càng tăng trong nước, PV Gas đang tìm các biện pháp để thu gom khí và tăng sản lượng LPG cũng như tham gia nhập khẩu bổ sung khi cần thiết. Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ Thương mại, trên phạm vi cả nước hiện có 60 doanh nghiệp tham gia thị trường nhập khẩu, kinh doanh LPG, và dĩ nhiên, cũng có chừng ấy thương hiệu. Người tiêu dùng có quá nhiều chọn lựa, và nhiều khi họ đã chọn phải những thương hiệu dỏm, gây mất an toàn đối với tính mạng con người. Trong 60 thương hiệu LPG ấy, có nhiều thương hiệu cố tình gian lận thương mại như sang chiết gas trái phép, nhái bao bì mẫu mã, sử dụng vỏ bình gas không bảo đảm quy chuẩn an toàn... Một chuyên gia kinh tế cho biết, nhu cầu tiêu thụ LPG của Thái Lan cao gấp Việt Nam 4 lần nhưng chỉ có 5 thương hiệu. Cách đây 15 năm, Thái Lan cũng loạn thương hiệu LPG như Việt Nam hiện nay, hệ quả là người tiêu dùng bị ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp. Sau đó, Chính phủ Thái Lan quyết liệt sắp xếp lại các thương hiệu này và họ đã thành công”. Hậu quả khó lường ở Việt Nam sẽ đến sau 3-4 năm nữa, khi các bình gas trôi nổi, kém chất lượng sau một thời gian dài được sử dụng sẽ bắt đầu bung nổ. Dĩ nhiên, thiệt hại tính mạng sẽ thuộc về người tiêu dùng”, chuyên gia này nhận định. (Theo Người Lao Động)
|