Một đoàn xe tay lái nghịch xuất phát từ Ấn Độ khi đi trên đất Việt Nam phải có xe của cảnh sác giao thông mở đường. |
Các chuyến du lịch đến miền Trung Việt Nam ngày 12/4 vừa qua bằng xe hơi tay lái nghịch, xuất phát từ Thái Lan, đã bị đình hoãn vào phút cuối.
Nguyên nhân đình hoãn, theo một giám đốc doanh nghiệp, là do chưa có sự thống nhất của Bộ Công an về việc bảo đảm an toàn cho các đoàn khách.
Theo kế hoạch đã được thông tin trên báo chí, từ ngày 12/4 đến cuối tháng 4 này sẽ có bốn đoàn du khách từ Thái Lan đến Việt Nam bằng xe hơi do khách tự lái, với số xe khoảng 83 chiếc, đều là xe du lịch có tay lái nằm bên phải (tay lái nghịch).
Các đoàn này sẽ vào Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, đi tham quan Huế, Đà Nẵng, Hội An trong 3 ngày rồi trở ra Lao Bảo (Quảng Trị). Các tour này có tính chất thí điểm nhằm khôi phục loại hình du lịch đường bộ trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây đã bị ngừng trệ mấy năm nay do việc thực hiện Luật Đường bộ.
Ông Phùng Cư, Giám đốc chi nhánh Đà Nẵng của Công ty Du lịch Tân Hồng, đơn vị tổ chức hai trong bốn đoàn du lịch nói trên, cho biết chủ trương tổ chức lại các tour du lịch caravan từ Thái Lan, có tính chất thí điểm, đã được Phó thủ tướng Vũ Khoan chấp thuận từ cuối tháng 3 và đại diện các cơ quan liên quan như Tổng cục Du lịch, Tổng cục Hải quan, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, bộ đội biên phòng… đã tổ chức họp bàn vào ngày 5/4 vừa qua.
Tuy nhiên, vì cuộc họp không do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì như ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu bảo đảm an toàn cho các đoàn caravan trên đường di chuyển có thể không chu đáo nên ngày 8/4 Bộ Công an đã có công văn yêu cầu tạm hoãn các chuyến lữ hành này.
Ông Dương Xuân Hội, Vụ phó Vụ lữ hành thuộc Tổng cục Du lịch, cho biết Tổng cục đang yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì một cuộc họp khác vào cuối tuần này hoặc đầu tuần sau để thống nhất biện pháp tổ chức quản lý và bảo đảm an toàn giao thông cho các đoàn caravan tay lái nghịch.
Trước quyết định đình hoãn vào giờ chót của cơ quan chức năng, các doanh nghiệp tổ chức tour đã rơi vào tình huống khó xử. Ông Phùng Cư cho biết mấy hôm nay các đối tác Thái Lan liên tiếp trách móc và dọa sẽ không tiếp tục hợp tác trong việc tổ chức tour sang Việt Nam.
“Tổ chức hai tour thí điểm này, chúng tôi chấp nhận lỗ để khôi phục loại hình du lịch caravan. Ngoài du khách, chúng tôi còn mời đại diện các cơ quan liên quan tham gia xem xét, thẩm định các khâu tổ chức, quản lý, phục vụ… để nhanh chóng đi đến thống nhất chủ trương cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác loại hình du lịch này”, ông Cư nói.
Nhưng hiện nay, tour caravan ngày 13/4 của Công ty Tân Hồng đã bị hoãn, còn tour ngày 29/4 thì công ty vẫn chưa biết có thể tiến hành được hay không. Trong khi đó Công ty Du lịch Hương Giang, đơn vị tổ chức hai tour caravan vào ngày 12 và 14/4, cũng vất vả thuyết phục du khách thay đổi phương thức di chuyển: khách bỏ xe hơi lại bên kia cửa khẩu Lao Bảo, trên đất Lào, rồi lên xe của Công ty Hương Giang đi tham quan các nơi theo chương trình như một đoàn du lịch bình thường.
“Khách rất buồn khi phải thay đổi như vậy vào giờ chót và chúng tôi phải năn nỉ họ hết lời; uy tín của chúng tôi chắc cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều”, anh Nguyễn Hoàng Quý, phụ trách lữ hành của Công ty du lịch Hương Giang, cho biết.
Nhiều cuộc họp giữa quan chức ngành giao thông ba nước Thái Lan - Lào - Việt Nam đã được tổ chức nhằm tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho xe cộ ba nước được di chuyển thuận lợi hơn. Cuộc họp ngày 22/9/2004 tại Đà Nẵng đã dự thảo một thỏa thuận chung, theo đó xe cộ của nước này sẽ được tạo điều kiện để di chuyển trên lãnh thổ nước kia một cách an toàn và thuận lợi, song cho đến nay thỏa thuận vẫn chưa được chính phủ các nước liên quan phê chuẩn.
Trong tình hình như vậy, các doanh nghiệp ba nước thường gặp không ít trở ngại vào giờ chót khi hợp tác kinh doanh với nhau mà việc đình hoãn các tour caravan nói trên chỉ là trường hợp mới nhất.
Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, hồi đầu tháng 4, Hội chợ Thương mại giao lưu Việt - Lào - Thái tổ chức tại Huế cũng suýt bị tan vỡ do đoàn xe chở hàng hóa từ Thái Lan đến hội chợ đã không thể đi vào Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo như đã định, nhiều doanh nghiệp Thái - Lào phải bỏ trống gian hàng. Việc “thông xe” chỉ diễn ra vào phút cuối và hàng hóa của các doanh nghiệp Thái Lan chỉ đến được Huế năm tiếng đồng hồ trước giờ khai mạc hội chợ.