Trầm cảm sau sinh là một cụm từ được nhắc đến nhiều trong những ngày gần đây khi hàng loạt bài viết trên các phương tiện thông tin đại chúng đề cập đến mức độ nghiêm trọng của bệnh lý này. Người mắc chứng trầm cảm sau sinh có thể bị sa sút nhanh chóng về sức khỏe, tâm lý đến mức làm hại chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra. Trong hầu hết các vụ việc được nhắc đến, bệnh nhân thường là người mẹ mà ít khi đề cập đến các ông bố. Có lẽ bởi sau mỗi lần "vượt cạn", người mẹ bị tổn thất trực tiếp về thể chất và tinh thần nên cũng dễ trở nên yếu đuối hơn trước những áp lực mới.
Tuy nhiên, bên cạnh người mẹ, các ông bố cũng phải đối diện với không ít khó khăn khi gánh trên vai trọng trách nặng nề. Chúng ta luôn kỳ vọng người cha sẽ là chỗ dựa vững chắc nhưng không phải ai cũng làm được như vậy và ngay cả một người mạnh mẽ nhất cũng có lúc "lung lay". Trên trang Theasianparent đã chia sẻ bài viết của một người vợ kể về chồng mình trong những ngày đầu làm bố.

Người viết giấu tên cho biết, cô cảm thấy vô cùng thất vọng về chồng. Sau khi sinh con, cô mong chờ người bạn đời sẽ luôn có mặt và hỗ trợ khi cô cần nhưng dường như mọi chuyện xảy ra theo hướng ngược lại. Cô thậm chí còn phải cố gắng hơn để hiểu được chồng. Người vợ này viết: "Con gái của chúng tôi được 5 tháng tuổi. Chồng tôi dường như chẳng có sự liên kết nào với con. Sau 6 năm chung sống, anh ấy đang cảm thấy cuộc hôn nhân của chúng tôi dần tan vỡ vì sự có mặt của đứa trẻ. Anh nói với tôi rằng anh chưa sẵn sàng để làm cha và cảm thấy rất suy sụp. Tôi đã bảo với chồng mình rằng anh ấy cần được giúp đỡ nếu không tôi sẽ ra đi. Tôi phải làm gì bây giờ? Xin hãy giúp tôi".
Chúng ta thường bàn luận đến vấn đề trầm cảm sau sinh ở phụ nữ mà hầu như không nghĩ đến đàn ông, nhưng thực tế thì cánh mày râu cũng không phải ngoại lệ của chứng bệnh này. Theo một nghiên cứu trên Journal of Parent and Family Mental Health, "trầm cảm sau sinh phổ biến ở nam giới cũng như ở nữ giới".
Triệu chứng trầm cảm sau sinh ở nam giới
4-25% những người mới làm bố mắc trầm cảm sau khi con chào đời. Các triệu chứng bao gồm cảm giác tuyệt vọng, mặc cảm tội lỗi, mất ngủ, thiếu quan tâm đến các hoạt động như bình thường và có ý nghĩ tự tử. Những ông bố bị trầm cảm sau sinh cũng trở nên dễ nổi nóng hay lầm lì hơn và ít tương tác với vợ, với các thành viên trong gia đình.
Điều này có thể gây trở ngại để người vợ tạo mối liên kết giữa bố và con. Nếu nghi ngờ chồng mình bị trầm cảm sau sinh, hãy giúp anh ấy tìm kiếm một người tư vấn chuyên nghiệp càng sớm càng tốt. Bởi khi không được điều trị, trầm cảm sau sinh có thể khiến người cha trở nên bạo lực hơn.

Động viên anh ấy thay vì trách móc
Hãy để anh ấy biết rằng anh ấy cần được giúp đỡ. Bạn có thể nhờ tới bác sĩ, bạn bè, người thân trong gia đình hay một người có ảnh hưởng tới anh ấy hỗ trợ hoặc giới thiệu chuyên gia tư vấn phù hợp.
Mặc dù bận rộn với công việc chăm con nhỏ nhưng hãy cố gắng dành thời gian cho chồng của mình và khuyến khích anh chia sẻ nỗi lòng. Khi một em bé ra đời, người mẹ thường có xu hướng dành hết thời gian của mình cho con. Tuy nhiên, việc phân bổ thời gian một ngày để có khoảnh khắc riêng cho anh ấy cũng rất quan trọng. Hãy nhờ người khác chăm sóc em bé một lúc giúp bạn.
Khi bạn giúp chồng mình giải tỏa nỗi niềm, anh sẽ không chỉ trở thành một người cha tốt mà cũng chính là người chồng hoàn hảo.
Hà Nhi