Thành phố này nổi tiếng khắp thế giới với hơn 2.600 năm lịch sử, với nhiều công trình kiến trúc cổ xưa, nhiều thánh đường Hồi giáo và cung điện nguy nga rực rỡ, với một sinh hoạt đô thị sôi nổi và phong phú, thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới đến đây mỗi năm.
Hầu hết những công trình kiến trúc có giá trị lịch sử đều nằm ở Istanbul cổ. Các đường phố chung quanh khách sạn đều nhỏ hẹp, lòng đường lát đá, ít có xe cộ, hàng quán xinh xắn, sạch sẽ. Nhiều nơi, đường có dốc lên xuống, hoặc quanh co ngoằn ngoèo, hai bên là những nhà xây bằng đá cổ xưa tạo nên quang cảnh rất thơ mộng. Ở đây hơi giống như khu phố cổ gần đồi Montmartre ở Paris, tức là quang cảnh một làng quê xinh xắn ở giữa đô thị.
![]() |
Thành phố cổ. |
Người dân ở đây đều mặc Âu phục, các cô gái thì quần jeans áo pull, nam giới mặc veston thắt cà vạt, ít có ai mặc áo dài phủ cả người theo kiểu Hồi giáo (mặc dù 99,8% dân chúng theo đạo Hồi giáo phái Sunni). Điều làm bạn phải chú ý là thanh niên Thổ, nữ cũng như nam đều rất đẹp. Các thiếu nữ ở Istanbul với dáng người dong dỏng cao, nước da trắng mịn, nét mặt thanh tú, không thua gì các cô gái Pháp ở Paris.
Tên đầu tiên của thành phố là Byzane, ra đời từ thế kỷ thứ 7 trước Công nguyên, do công khai phá và xây dựng của những di dân Hy Lạp với người cầm đầu có tên là Byzane. Nơi đây nhanh chóng trở thành một trung tâm thương mại phồn vinh. Vào thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên, đổi tên là Constantinople khi trở thành kinh đô của đế chế La Mã (đế chế Byzantin). Đến thế kỷ 15, trở thành kinh đô đế chế Ottonman của người Thổ Nhĩ Kỳ và lấy tên là Istanbul.
Phần quan trọng nhất của thành phố nằm trên lãnh thổ châu Âu. Eo biển Bosphore dài 30 km nối biển Đen ở phía bắc với biển Marmasa ở phía nam. Có hai chiếc cầu vắt ngang eo biển Bosphose, đảm bảo giao thông liên lạc giữa hai phần Á và Âu của thành phố. Bên phía châu Âu, một nhánh của eo biển Bosphore lấn vào đất liền, giống như ruột con sông nhỏ, dài 11 km. Con sông này hình cong, ở ngoài rộng, vào trong hẹp dần, giống như một chiếc sừng nên được gọi là "Chiếc sừng vàng" (tiếng Anh là Golden Horn, tiếng Pháp là Corne d'Or) phía nam của Sừng vàng là Istanbul cổ, phía bắc là thành phố mới.
![]() |
Tường thành cổ. |
Bạn có thể bắt đầu chuyến tham quan của mình từ những di tích của thời kỳ đế chế Byzantin, tức là thời kỳ thống trị của người La Mã.
Đầu tiên là Quảng trường đua ngựa (Hippodrome), ngay bên cạnh khách sạn chúng tôi ở. Quảng trường được xây dựng năm 203 bởi hoàng đế La Mã Septime Sévèse, dài 400 m và ngang 120 m, có sức chứa 40.000 chỗ ngồi cho khán giả. Xưa kia, đây là nơi diễn ra những trận đấu đẫm máu của các võ sĩ giao đấu, những cuộc đua xe ngựa (như đã diễn ra trong bộ phim với tiếng Ben Hur), những buổi lễ tôn vinh các hoàng đế. Hiện giờ, quảng trường là một công viên với nhiều cây xanh để cho du khách đến tham quan và người dân địa phương đến nghỉ ngơi thư giãn. Trên quảng trường, còn lại ba công trình cổ:
1. Cột tháp Ai Cập (Obélisque Égyotien): Cột tháp cao 40m, làm từ một viên đá nguyên khối vào khoảng 1.500 năm trước Công nguyên, bị hoàng đế La Mã Théo dose lấy từ Ai Cập đem về dựng lại ở Constantinople (tức Istanbul) vào năm 390.
2. Cột hình rắn (Colonne serpentine): Cột đúc bằng đồng cao 5m và có hình dáng ba con rắn quấn vào nhau. Phần trên của cột, có hình ba đầu rắn đã gãy mất. Cột này do những người Hy Lạp dựng lên vào năm 479.
3. Công trình La Mã lớn nhất là hệ thống tường thành bao quanh thành phố cổ, dài hơn 20km, được xây dựng từ thế kỷ thứ 5, dưới thời hoàng đế Théo dose. Hệ thống tường thành này có thể gọi là vĩ đại, vì nó lớn nhất so với các bức tường thành ở châu Âu, và về chiều dài thì chỉ sau Vạn lý trường thành của Trung Quốc.
![]() |
Cung điện Dolmabahce. |
Trong số nhiều cung điện của hoàng gia, hai cái lớn nhất là cung điện Top Rapi và Dolmabahce. Top Rapi nằm trong thành phố cổ. Đây là cung điện của các hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ từ thế kỷ 15 đến thế kỷ 19. Nó là một tổ hợp kiến trúc gồm đền đài, nhà thờ Hồi giáo, thư viện, sân vườn, đài phun nước... tổng cộng chiếm diện tích đến 70ha. Riêng khu hậu cung dành riêng cho các cung nữ có đến 400 phòng. Khu của các thái giám là một khối nhà hai tầng, mỗi tầng có 12 phòng. Các thái giám đều là những nô lệ da đen, bị đem đi hoạn để làm nhiệm vụ phục vụ các cung nữ.
Cung điện Dolmabahce, nằm theo bờ eo biển Bosphore, trong khu vực thành phố mới được xây dựng vào thế kỷ thứ 19, bởi hoàng đế Abdulmecit, có phong cách kiến trúc hiện đại hơn. Nó có 285 phòng, 43 salon (phòng khách để trang trí các phòng, người ta đã sử dụng 14 tấn vàng, 40 tấn bạc, 4.500 m2 thảm dệt thủ công. Tuy chỉ xem một phần các cung điện trên, nhưng cũng đủ để hình dung cuộc sống huy hoàng và xa xỉ của hoàng đế Thổ Nhĩ Kỳ.
Các thánh đường Hồi giáo Istanbul rất nhiều, tiêu biểu nhất và đẹp nhất như thánh đường Hồi giáo xanh, được xây dựng vào đầu thế kỷ 17. Đặc điểm của nó là có 6 tháp cầu kinh (thông thường chỉ có 4 tháp) - ngói lợp bên trên cũng như trang trí bằng gốm sứ bên trong đều có màu xanh, do đó mà có tên gọi là thánh đường xanh. Thánh đường Hồi giáo Suleyman được xây dựng từ năm 1550 đến 1557. Đây là nhà thờ Hồi giáo đẹp nhất ở Isanbul được xây dựng bởi kiến trúc sư tài ba nhất của Thổ Nhĩ Kỳ là Sinan, theo lệnh cửa hoàng đế Suleyman đệ nhất.
![]() |
Thành phố mới. |
Thành phố cũ là nơi có nhiều di tích lịch sử, thành phố mới là nơi diễn ra cuộc sống hiện đại, ồn ào, náo nhiệt của Istanbul. Từ thành phố cũ, băng qua chiếc cầu bắc ngay con sông mang tên Chiếc Sừng Vàng, đi theo đại lộ Isti Klal (Độc lập) đến quảng trường Taksin nằm ngay trung tâm thành phố mới. Chung quanh đều là những ngôi nhà theo phong cách kiến trúc hiện đại. Ở đây có trụ sở các cơ quan ngoại giao, ngân hàng, công ty nước ngoài, hiệu buôn. Kiến trúc cổ nhất nơi đây là tháp Gapata, cao 68 m, có 9 tầng, do những người Italy xây dựng vào thế kỷ 14. Thành phố mới sáng rực ánh đèn với dòng xe nối đuôi chật cứng, không thua các thành phố sầm uất ở Âu châu.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)