Hồi tháng 4, trong một chủ đề về chất lượng suất ăn của Singapore Airlines (SIA - Hàng không quốc gia Singapore) trên Reddit, nhiều người cho rằng đồ ăn ở đây là "hạ cấp". Giữa "bão chê bai", đầu tháng này hãng báo cáo lợi nhuận đạt kỷ lục 2,16 tỷ SGD càng khiến khách hàng không hài lòng.
Trên mạng xã hội, nhiều người yêu cầu hãng "trả lại các đặc quyền cho hành khách như trước đại dịch" bằng cách "làm bữa ăn chất lượng hơn với bao bì sang trọng hơn". Nhiều ý kiến cho rằng tiêu chuẩn thực phẩm nên tương xứng với lợi nhuận của hãng.
Ngày 24/5, người phát ngôn của SIA cho biết từ 1/6, hãng sẽ phục vụ các món khai vị trở lại cho khách hàng phổ thông trên các chuyến bay tầm trung, dài và "siêu dài" - các chuyến bay từ ba tiếng rưỡi trở lên. Phần ăn gồm: bánh mì, món chính, phô mai, bánh quy và món tráng miệng.
Phần ăn của hành khách đi chuyến bay ngắn, từ một tiếng rưỡi đến ba tiếng rưỡi, có bánh mì và bơ cùng món chính, món tráng miệng. Một số món đã bị cắt giảm trong đại dịch vì lý do vận chuyển, thiếu chuỗi cung ứng và hạn chế lãng phí thực phẩm, cũng sẽ được phục vụ lại. Những món này gồm: phô mai, bánh quy giòn và bánh nướng.
Đáp lại những chỉ trích rằng chất lượng đồ ăn tệ do hãng cắt giảm chi phí, người phát ngôn của SIA cho biết họ không giảm ngân sách. Hiện ngân sách cho các bữa ăn trên chuyến bay của SIA cao hơn khoảng 20% so với năm 2019-2020, dù công suất phục vụ năm nay thấp hơn.
Theo Aaron Wong, người sáng lập một trang web du lịch ở Singapore, nguyên nhân khiến mọi người thất vọng với SIA vì hãng đã hoạt động theo phương châm "Đẳng cấp thế giới" và đây là "con dao hai lưỡi". Nhiều năm liền, nó nằm trong top những hãng hàng không tốt nhất thế giới. Hãng cung cấp dịch vụ "thực sự vượt trội" so với nhiều hãng khác và duy trì điều này trong thời gian dài. Vì thế, khi hãng cắt bỏ một số dịch vụ, lập tức mọi người sẽ chú ý.
Travel blogger Laurence Foo từng review đồ ăn của SIA, nói "trong bối cảnh lạm phát khiến chi phí càng tăng mà 'tiêu chuẩn thực phẩm không tương xứng với lợi nhuận của hãng' chính là thứ khiến khách hàng thêm khó chịu". Theo Foo, "Trọng tâm vấn đề là SIA đưa ra mức giá cao hơn hầu hết các hãng hàng không và phần lớn mọi người vui vẻ trả mức giá này vì cho rằng sẽ nhận được những gì đúng như họ bỏ ra, trong đó có dịch vụ và giá trị tốt nhất".
Một hành khách 36 tuổi, bay ít nhất hai lần một năm với SIA, nhận thấy "sự sụt giảm đáng kể" trong các dịch vụ khi du lịch nối lại sau thời gian gián đoạn vì đại dịch. "Bây giờ, rõ ràng hãng cung cấp và trình bày đồ ăn theo hướng của các hãng hàng không khác thay vì tạo bản sắc riêng, trong khi vẫn tăng giá. Chưa kể có sự xuống cấp 'nhẹ' của dịch vụ", ông nói.
Blogger Fairuz Sallim cũng cho rằng "vấn đề không thực sự do thức ăn". Hành khách được quyền yêu cầu cao khi trả gấp 2-3 so với các hãng khác. "Công bằng mà nói, họ thất vọng khi những kỳ vọng cao không được đáp ứng. Thực tế, nhiều hãng hàng không đầy đủ dịch vụ đang phục vụ đồ ăn ngon hơn trong khi giá vé rẻ hơn", ông nói.
Ngoài ra, cách trình bày món ăn cũng khiến nhiều khách không hài lòng. Hồi tháng ba, hãng thử nghiệm chuyển sang dùng hộp giấy ở hạng phổ thông và phổ thông cao cấp để "giảm chất thải nhựa". SIA đã bác bỏ ý kiến cho rằng hộp dựng mới là một phần của các biện pháp tiết kiệm chi phí. Họ cho biết hộp giấy giá cao hơn hộp nhựa.
Trong một cuộc khảo sát trên Instagram, nhiều người nhận xét đây là "bao bì tệ hại". Hành khách tên Siew nói hộp giấy sẽ làm súp laksa dễ tràn ra ngoài. Còn Aaron Wong cho rằng những người trả tiền mua vé SIA "thường không mong đợi nhìn thấy thứ gì đó khiến họ liên tưởng đến đồ ăn mang đi".
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người ủng hộ hãng sử dụng bao bì mới. "Chất lượng là ý kiến chủ quan. Nhưng nếu 'bao bì bền vững' đắt hơn và công ty làm vì môi trường, tôi sẽ chọn bao bì mới", một người bình luận trên facebook. Ý kiến khác nhấn mạnh mee siam (món mì truyền thống Singapore, vừa được phục vụ trên SIA) "không tệ" và nói "mọi người không nên kỳ vọng quá cao đối với hạng phổ thông".
Vi Yến (theo CNA)