Về hành vi ban hành văn bản trái quy định của Chính phủ trong việc giải quyết hạn ngạch dệt may tại Bộ thương mại, cơ quan điều tra nhận định: Ngoài bị can Mai Văn Dâu, cần xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo Bộ thương mại trong việc ban hành và chỉ đạo ban hành các văn bản trái quy định của Chính phủ. Trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ Thương mại đã để xảy ra tiêu cực, vi phạm trong việc giải quyết cấp hạn ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ.
Bộ Thương Mại ban hành 5 văn bản trái với quy định của Chính phủ trong đó ông Bộ trưởng Trương Đình Tuyển, ký ban hành 1 thông báo, ông Lương Văn Tự, thứ trưởng Bộ Thương mại ký 1 thông báo, ông Mai Văn Dâu ký ban hành 3 thông báo trong vấn đề hạn ngạch dệt may. Lợi dụng 5 thông báo trên, các doanh nghiệp đã tìm cách chạy và xin mua bán hạn ngạch dệt may. Đặc biệt, việc này đã "để bị can Mai Văn Dâu và một số cán bộ lợi dụng có hành vi tiêu cực nhận tiền quà của các doanh nghiệp xin cấp quota hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ, gây hậu quả nghiêm trọng". 45 doanh nghiệp nhà nước được xác định đã tận dụng triệt để việc này.
Việc ban hành các văn bản trái quy định của Chính phủ có liên đới trách nhiệm của ông Trương Đình Tuyển, là người đề ra chủ trương cho vay, nhường hạn ngạch. Cơ quan điều tra cũng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo Bộ Thương mại, Bộ Công nghiệp tổ chức kiểm điểm xem xét đề xuất xử lý đối với ông Trương Đình Tuyển, Bộ trưởng Thương mại, ông Lương Văn Tự, Thứ trưởng Bộ Thương mại và Thứ trưởng Bộ Công nghiệp Bùi Xuân Khu.
Trong vụ án này, dù không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trên, nhưng ông Mai Văn Dâu bị xem xét về tội nhận hối lộ. Nguyên thứ trưởng này khai đã nhận 6.000 USD từ Nguyễn Cương (Phó ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, bị bắt trong cùng vụ án) trong các vụ chạy quota dệt may...
Về bị can Mai Thanh Hải, ngoài tội nhận hối lộ, trước yêu cầu của VKS về củng cố chứng cứ kết luận hành vi làm giả tài liệu của bị can Mai Thanh Hải. Theo kết quả xác minh, Mai Thanh Hải đã nộp bằng tốt nghiệp Đại học Ngoại thương giả cho nơi làm việc trước đây là Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp I, Bộ Thương mại. Sau 6 năm công tác ở đây, năm 2001, Hải về Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Thương Mại.
Cơ quan điều tra cho rằng, việc Mai Thanh Hải trình bày không biết vì sao trong hồ sơ cán bộ được lưu trữ tại Vụ Tổ chức - cán bộ Bộ Thương mại lại có tấm bằng trên là không có cơ sở. Theo lập luận của cơ quan điều tra, việc nộp bằng tốt nghiệp giả chỉ bản thân Mai Thanh Hải mới biết. Còn cán bộ tiếp nhận không thể biết đó là thật hay giả. Việc này phải do cơ quan giám định chuyên môn mới kết luận được. Vì lẽ đó, cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm những cán bộ đã làm thủ tục tiếp nhận Mai Thanh Hải về công tác tại Vụ xuất nhập khẩu.
K.Ngọc