Nữ đạo diễn tài danh của thế hệ
Jane Campion tên thật là Elizabeth Jane Campion, sinh ngày 30/4/1954 tại New Zealand. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, với mẹ là diễn viên và biên kịch còn cha là đạo diễn sân khấu. Tuy vậy, nghệ thuật không phải lựa chọn đầu tiên của Campion. Bà từng học ngành Nhân học ở New Zealand, trước khi chuyển tới châu Âu theo đuổi nghệ thuật thị giác và sau đó là điện ảnh.
Với bà, điện ảnh là niềm ủi an. Campion từng thổ lộ ở tuổi thiếu niên, những nhà làm phim vĩ đại như Luis Buñuel, Wim Wenders, John Cassavetes đã trở thành người bạn đồng hành, giúp bà trưởng thành và "cảm thấy được kết nối với thế giới."
Năm 1980, Jane Campion chào sân điện ảnh bằng phim ngắn đầu tay mang tên ‘Tissues’, với nội dung kể về một người cha bị bắt vì tội lạm dụng tình dục trẻ em. Chỉ bốn năm sau, sự nghiệp bà khởi sắc khi bộ phim Peel (1982) đạt giải Cành Cọ Vàng dành cho phim ngắn tại Liên hoan phim Cannes. Cũng từ đây, những thành tựu bà đạt được gắn liền với liên hoan phim danh giá này. Hai phim ngắn sau đó là Passionless Moments (1983) và A Girl’s Own Story (1984) cũng được trình chiếu tại hạng mục Un Certain Regard.
Tuy nhiên, phải đến năm 1993, Campion mới đạt được thành công vang dội với vai trò đạo diễn khi bộ phim The Piano giành đến 8 đề cử Oscar và thắng ba hạng mục – "Nữ diễn viên chính xuất sắc" (cho Holly Hunter), "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" (cho Anna Paquin) và "Kịch bản gốc xuất sắc" (cho Jane Campion). Bộ phim cũng đoạt giải Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes 1993 cùng với Bá vương biệt cơ của Trần Khải Ca, đưa Jane Campion trở thành nữ đạo diễn đầu tiên đạt được thành tích này.
Tại cuộc đua tranh giải Oscar năm nay, The Power of the Dog tiếp tục là minh chứng rõ nét cho tài năng xuất chúng của Campion khi giành đến 12 đề cử, trong đó có "Phim hay nhất" và "Đạo diễn xuất sắc". Bộ phim được dự đoán nhiều khả năng bội thu tại Oscar sau chiến thắng giải Quả Cầu Vàng trước đó. Nếu đạt được kỳ tích, Jane Campion sẽ trở thành nữ đạo diễn thứ ba trong lịch sử giành được giải thưởng danh giá này, sau Kathryn Bigelow (với The Hurt Locker) và Chloé Zhao (với Nomadland).
Ngóc ngách bí ẩn trong những tâm hồn đè nén
Phim của Jane Campion thường có cốt truyện tối giản, xoáy sâu vào những góc khuất nội tâm và cảm xúc con người. Bà đặc biệt quan tâm đến những nhân vật có tính cách phức tạp và hành xử trái với chuẩn mực thông thường. The Piano (1993) kể về Ada McGrath (Holly Hunter), một phụ nữ câm người Scotland chuyển tới New Zealand sống cùng chồng mới cưới. Lênh đênh qua đại dương, cô cập bến ở một đất nước xa lạ với những cánh rừng xám xịt và những khoảng bùn lầy lội, với duy nhất đứa con gái nhỏ Flora (Anna Paquin) và chiếc đàn piano làm bạn. Phần còn lại của bộ phim chỉ là chiếc đàn ấy bị tước đoạt khỏi cô, và cô phải làm mọi cách để lấy lại, trong đó có việc rơi vào trò chơi tình ái đầy nguy hiểm nhưng cũng không kém phần cám dỗ với Baines (Harvey Keitel) - người bạn thân thiết của chồng mình.
Còn trong The Power of the Dog, bộ phim mới nhất và vẻ vang nhất tính đến thời điểm này của Jane Campion, câu chuyện thậm chí còn đơn giản hơn: Hai anh em Phil (Benedict Cumberbatch) và George Burbank (Jesse Plemons) sống cùng nhau tại một trang trại được kế thừa từ cha mẹ. Trái với sự thân thiện của George, Phil có tính cách cộc cằn, cay nghiệt, luôn sẵn sàng trút giận lên những người xung quanh. Câu chuyện bắt đầu khi George kết hôn và chung sống với Rose (Kirsten Dunst), một phụ nữ góa chồng đã có con riêng. Vốn phản đối cuộc hôn nhân từ đầu, Phil không ngừng chì chiết Rose, khiến cô bị khủng hoảng tinh thần và mắc chứng nghiện rượu.
Với hai bộ phim tưởng chừng không có cốt truyện, Campion dành nhiều thời lượng khám phá những khao khát mãnh liệt bị kìm nén của nhân vật. Với Ada trong The Piano, chơi đàn là cách duy nhất cô giải phóng những suy nghĩ và xúc cảm không thể diễn tả thành lời. Trong cô dường như luôn có gì đó sục sôi và đè nén mà chỉ những phím đàn đen trắng mới có thể giải tỏa. Bởi vậy, mất đi chiếc đàn thân thuộc cũng là lúc cô tưởng chừng mất kết nối với tất cả. Tuy nhiên, hành trình sau đó đánh thức những bản năng tình dục sâu thẳm bên trong Ada, từng bước giải phóng cô khỏi cuộc hôn nhân không tình yêu.
Còn với The Power of the Dog, một bộ phim phê phán nam tính độc hại (toxic masculinity), nỗi lòng của Phil cũng được giấu kín sau vẻ ngoài thô ráp, bất cần. Người xem có cảm tưởng bên trong anh là khối cô đơn vô tận, với những ánh nhìn xa xăm về phía núi và ký ức về người thầy quá cố Bronco Henry. Không khó để nhận ra tình cảm thật sự của Phil với Henry, cũng không khó để hiểu tại sao anh phải che giấu những tâm tư ấy trong bối cảnh miền Tây nước Mỹ những năm 1920. Với bộ phim này, Jane Campion đã thành công trong việc nhìn sâu vào tâm hồn con người để bóc tách những cảm xúc đẹp, chân thật và riêng tư nhất trên nền câu chuyện mang tính thời đại.
Từ The Piano đến The Power of the Dog là khoảng thời gian 18 năm, khá dài với sự nghiệp của một đạo diễn. Trong khoảng thời gian đó, phong cách của Campion có những bước tiến rõ rệt. Nếu như The Piano thô ráp và có phần khô khan thì phần hình ảnh của The Power of the Dog lại trau chuốt hơn đáng kể, với những khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đến choáng ngợp, mang đặc trưng của miền viễn Tây. Tuy nhiên, nét thô mộc và hoang dã đặc trưng trong từng khuôn hình vẫn được giữ nguyên vẹn để miêu tả tính cách và cảm xúc của nhân vật, như cảnh Phil thiến bò mà không dùng găng tay trong The Power of the Dog.
Chưa thể biết được liệu vào ngày 27/3, The Power of the Dog có được xướng tên ở hạng mục "Phim hay nhất" không nhưng có một sự thật không thể thay đổi là Jane Campion đã làm nên lịch sử và trở thành một trong những đạo diễn xuất chúng nhất của thế hệ mình.
Minh Trang
Ảnh: The Guardian, Cineuropa, MUBI