Ở thế hệ iPhone 13, Apple thay đổi cách đóng hộp sản phẩm. Hộp đựng iPhone 13 không khác biệt so với iPhone 12, tuy nhiên lớp seal nilon được thay bằng seal giấy mỏng. Theo hãng công nghệ Mỹ, sự thay đổi này nhằm giảm thiểu tác hại của nilon với môi trường. Sự mới mẻ này tưởng chừng có tác dụng giúp Apple tránh được nạn đồ giả, máy dựng để bảo vệ người tiêu dùng. Tuy nhiên, lớp niêm phong này nhanh chóng bị làm giả tại Trung Quốc. Nhiều cửa hàng trên sàn thương mại điện tử AliExpress rao bán lớp niêm phong cho iPhone 13 với giá khoảng 700.000 đồng cho mỗi lô 100 miếng.

Lớp niêm phong giả của iPhone 13. Ảnh: Jinmingruei
Bên cạnh đó, việc làm seal mới cho những chiếc iPhone 13 đã bóc hộp cũng đơn giản. Trong đoạn video mô phỏng quá trình làm lớp niêm phong mới, những người thực hiện mất khoảng 1 phút biến iPhone 13 không hộp thành máy có hộp như thật. Điều này làm dấy lên lo ngại về chất lượng của iPhone "nguyên seal", bởi kẻ gian có thể mở hộp và đánh tráo phụ kiện đi kèm. Thậm chí những chiếc iPhone không hộp, không rõ nguồn gốc có thể được đóng như mới cùng phụ kiện kém chất lượng để móc túi người dùng.
Quá trình đóng seal mới cho iPhone 13. Video: DuanRui
Tình trạng hô biến máy trôi nổi thành máy mới nguyên hộp từng xảy ra tại Việt Nam. Nhiều cửa hàng kinh doanh máy xách tay nhỏ lẻ đóng hộp iPhone hàng ngoài, tự mở hộp hàng mới thay thế phụ kiện và đóng lại nhằm kiếm chênh lệch. Phụ kiện zin theo máy có thể được dùng để bán với giá cao hơn.
Do đó, người dùng nên kiểm tra kỹ lớp niêm phong khi mua máy để phát hiện những bất thường. Đồng thời, nên lựa chọn những đơn vị phân phối hàng chính hãng, được ủy quyền của Apple để nâng cao khả năng mua được máy đúng chất lượng.
Thiên Di