"Nếu trong làng có nhà bỏ hoang, hãy nhốt họ vào đó và khóa lại", bà Kusdinar Untung Yuni Sukowati, lãnh đạo huyện Sragen, nói về biện pháp trừng phạt kỳ lạ mà chính quyền ban hành trong tuần này.
Biện pháp này nhằm đối phó với tình trạng người đổ vào huyện Sragen tăng cao trong bối cảnh thủ đô Jakarta và nhiều thành phố lớn bị phong tỏa. Một số người mới đến coi thường yêu cầu tự cách ly 14 ngày để ngăn dịch bệnh lây lan tại huyện đông dân cư này. Hiện có 5 người đã bị nhốt vào các ngôi nhà "ma ám" ở Sragen.

Một người vi phạm quy định cách ly bị nhốt trong nhà "ma ám" ở Sragen. Ảnh: AFP.
Tại làng Sepat, huyện Sragen, người dân chọn một căn nhà bị bỏ hoang từ lâu và đưa vào một số giường nằm được phân cách bằng màn che. Ba người đã bị nhốt vào căn nhà này cho đến hết thời gian cách ly của họ.
"Dù chuyện gì xảy ra đi nữa, tôi hiểu điều này là để bảo đảm an toàn cho mọi người. Tôi đã học được bài học", Heri Susanto, một người vi phạm lệnh cách ly bị đưa nhốt vào nhà ma, nói. Susanto khẳng định chưa gặp ma trong thời gian bị giam tại đây.
Trước đó, một ngôi làng tại Indonesia cũng sử dụng yếu tố tâm linh để đe dọa người vi phạm lệnh phong tỏa. Nhà chức trách địa phương cho một số tình nguyện viên giả thành ma Pocong, ngồi canh gác ở cổng làng và hoặc đi tuần trong đêm, với hy vọng khiến họ sợ hãi và không ra khỏi nhà.
Indonesia hiện là vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, sau Singapore với 7.135 ca nhiễm, trong đó 616 trường hợp tử vong. Toàn cầu ghi nhận hơn 2,5 triệu người mắc Covid-19, trong đó 177.000 ca tử vong.
Sơn Nam (Theo AFP)