1. Sử dụng thuốc trong thời kỳ mang thai
Huyền Ny cho biết, cô hầu như không uống bất kỳ loại thuốc nào trong thời gian mang thai, trừ một viên Prenatal vitamin mỗi ngày. Cô duy trì thói quen này cho tới khi ngưng cho con bú. Ngay cả khi bị cảm hay nhức đầu, cô cũng không dùng thuốc mà chỉ uống nước ấm và giữ cho cơ thể không bị lạnh.
Theo bà mẹ ba con, thuốc bôi ngoài da sẽ ít ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi so với thuốc uống hoặc tiêm nên cô chỉ dùng vaseline và vitamin E để chống rạn da. Còn với các loại thuốc uống khác, Huyền Ny không sử dụng, đặc biệt là trong thời kỳ đầu thai kỳ vì nó có thể ảnh hưởng đến sự hình thành của bé.
2. Chọn bác sĩ Sản - Phụ khoa
Khi mang thai, các mẹ hay gặp các vấn đề về viêm nhiễm phụ khoa. Vì thế, nếu có thể, hãy tìm một bác sĩ Sản - Phụ khoa càng sớm càng tốt để bác sĩ theo dõi tình hình sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé ngay từ đầu. Sẽ tốt hơn nếu bác sĩ sẽ trực tiếp đỡ đẻ sau này.
Theo kinh nghiệm của Huyền Ny, "nên hỏi ý kiến của người thân, bạn bè và tự tìm hiểu để chọn ra được một vài cái tên. Sau đó, bạn nên gặp từng bác sĩ và chọn người phù hợp nhất. Hãy tưởng tượng như bạn đang đi phỏng vấn và chọn người đem đến cho bạn sự an tâm nhất. Đừng ngại ngùng khi lựa chọn vì bạn có quyền đó".
Chọn bác sĩ phù hợp là một trong những điều quan trọng nhất với các mẹ bầu vì vị bác sĩ này sẽ đồng hành trong 9 tháng, cùng đón thiên thần nhỏ và giải quyết các vấn đề xảy ra khi "vượt cạn". Huyền Ny từng đứng giữ ranh giới của sự sống và cái chết khi sinh hai hai con gái sinh đôi Hạ Mây và Hải Cát nên cô thấu hiểu điều này. "Khi bạn giao phó tính mạng mình trong tay người khác, bạn hoàn toàn có quyền lựa chọn một người cho bạn cảm giác tự tin và an toàn nhất".
Huyền Ny cũng gợi ý cho các mẹ một số câu hỏi cần đưa ra cho bác sĩ, giúp mẹ bầu có quyết định chính xác. Những câu hỏi đó là:
1. Bác sĩ đã làm công việc đỡ đẻ được bao lâu? Đã đón bao nhiêu em bé chào đời?
2. Trong trường hợp của Huyền Ny, cô còn hỏi bác sĩ từng đỡ sinh đôi chưa và từng gặp trở ngại nào lớn không?
3. Nếu có vấn đề trong thời gian mang thai, bạn có thể liên lạc ngay được không? Có gặp bạn ngay trong ngày được không hay phải đợi?
4. Nếu đợi thì phải đợi bao lâu?
5. Từ đây cho đến lúc sinh thì sẽ cần gặp bao nhiêu lần? Mỗi lần gặp sẽ làm những gì?
6. Văn phòng có lớp chuẩn bị tâm lý và hành trình cho những người làm cha mẹ lần đầu không?
7. Nếu không thì có biết ở đâu có và nhờ chỉ dẫn tham gia lớp học?
8. Huyền Ny còn hỏi bác sĩ đó đã có con chưa?
9. Nếu có vấn đề về truyền máu ngay sau khi sinh vì mất máu quá nhiều thì bác sĩ sẽ có giải pháp gì? Đặc biệt những ai có nhóm máu không phổ biến.
10. Nếu bác sĩ đi vắng khi bạn trở dạ thì có bác sĩ khác thay thế không?
3. Chọn bác sĩ Nhi
Các mẹ cũng cần tìm hiểu về vấn đề này trước khi sinh con vì không ai có thể chắc chắn rằng con sinh ra được khỏe mạnh, suôn sẻ. Vị bác sĩ này cũng sẽ là người theo dõi sự phát triển của con sau này. Bố mẹ cần đem con đi khám định kỳ để kịp thời phát triển những điều bất thường. Lịch khám của các con Huyền Ny như sau: Ngày đầu tiên sau khi xuất viện - 1, 2 tuần đầu - Một tháng - 6 tháng - 9 tháng - 1 tuổi - 1 tuổi rưỡi - 2 tuổi. Và sau đó, mỗi năm đưa con đi khám tổng quát một lần cho đến năm 18 tuổi. Sau 18 tuổi thì chuyển sang bác sĩ thường chứ không cần chuyên về khoa Nhi nữa.
4. Vitamin cho trẻ
Tiêu chuẩn sau được áp dụng trong hệ thống chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Mỹ. Theo Huyền Ny, đây không phải là những tiêu chuẩn tốn kém, chỉ là ở Việt Nam các bậc phụ huynh chưa có cơ hội tìm hiểu đầy đủ. Huyền Ny lưu ý:
- Khi mang thai, người mẹ uống một viên prenatal vitamin, trong đó chứa đầy đủ các khoáng chất, vitamin cho mẹ và cần thiết cho sự phát triển trí não, thể lực của con.
Trong previtamin này sẽ có hầu hết các vitamin thông thường khác nhưng cũng có thêm vitamin bổ sung là Folic acid, vô cùng quan trọng trong việc hạn chế các khuyết tật về thần kinh, sự phát triển của não và tủy sống ở thai nhi.
- Sau khi con được chào đời, con cần được uống thêm vitamin D dạng lỏng trong vòng một năm. Vitamin D cần thiết cho sự phát triển của xương. Trẻ uống 100% sữa mẹ thì cần bổ sung 1 ml vitamin D mỗi ngày vì sữa mẹ không đủ. Nếu trẻ uống 100% sữa bột thì cần bổ sung 0,5 ml mỗi ngày do hàm lượng vitamin D trong sữa bột nhiều hơn sữa mẹ. Còn trường hợp bé uống sữa mẹ kèm sữa bột thì bổ sung thêm 0,75 ml - 1 ml vitamin D dạng lỏng mỗi ngày.
- Khi con được một tuổi thì ngưng vitamin D dạng lỏng và không cần bổ sung thêm bất cứ một vitamin nào nếu không có sự chỉ định của bác sĩ. Bố mẹ cần điều chỉnh thực đơn để con có được một chế độ dinh dưỡng phong phú với nhiều thành phần thức ăn đạm, tinh bột, rau quả, trái cây... Bé uống sữa tươi mỗi ngày để đảm bảo lượng canxi và vitamin D cần thiết.
Hà Nhi
Hà Nhi