Bệnh tiểu đường trong thời kỳ mang thai khá phổ biến ở các bà mẹ châu Á. Thông thường bác sĩ sẽ làm xét nghiệm để biết lượng đường trong máu của mẹ bầu vào khoảng tuần thai thứ 20 (Huyền Ny sống ở Mỹ). Vì vậy, theo MC Huyền Ny, khi mang thai, người mẹ cần đi khám bác sĩ thường xuyên để kịp thời xử lý các vấn đề liên quan đến sức khỏe, không chỉ là bệnh tiểu đường.
Bà mẹ ba con giải thích về cơ chế hình thành thai kỳ rất dễ hiểu như sau: "Người bình thường, khi ăn cơ thể sẽ tiết ra chất Insulin. Insulin có tác dụng đưa năng lượng từ đồ ăn đến các tế bào để tiêu thụ. Khi có thai, trong cơ thể tiết ra nhiều hormone và điều đó làm ảnh hưởng đến sự chủ động của cơ thể trong việc tiết ra chất insulin. Và vì insulin không được tiết ra lúc có đồ ăn vào cơ thể nên năng lượng từ đồ ăn không biết đi đâu nên sẽ ở trong máu. Khi nồng độ đường (từ đồ ăn) ở trong máu cao sẽ gây ra nhiều vấn đề: chóng mặt, hoa mắt.. lâu dài thì sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể và thai nhi".
![luu-y-cua-mc-huyen-ny-ve-tieu-duong-thai-ky](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2015/12/13/12339274-1012001442195514-9057-9318-9217-1449974582.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=x-MA7d01-iY_573yQbNUEQ)
Huyền Ny ăn rất nhiều rau và hoa quả ít ngọt trong thời gian mang thai.
Từ kinh nghiệm tự chăm sóc sức khỏe của bản thân khi mang bầu, Huyền Ny khuyên các bà mẹ nên tham khảo bạn bè, những người có kinh nghiệm để tìm được một bác sĩ phù hợp giúp theo dõi suốt quá trình mang thai. Lý tưởng nhất là vị bác sĩ này cũng sẽ đỡ đẻ cho mình. Như vậy, bác sĩ sẽ nắm rõ nhất sức khỏe của mẹ bầu như thế nào và từng gặp vấn đề gì trong thời gian mang thai... "Bác sĩ sẽ kiểm tra và nếu cần sẽ hướng dẫn mẹ chích insulin trong thời gian này", Huyền Ny chia sẻ.
Bệnh tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của mẹ và bé nhưng nếu mắc rồi, mẹ bầu cũng đừng quá lo lắng vì phần lớn bệnh sẽ tự dứt sau khi sinh con. Tuy nhiên, nguy cơ bị tiểu đường trong tương lai sẽ cao hơn người bình thường. Do đó, mẹ bầu nên chủ động hơn trong việc điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh lâu dài. Cách hạn chế bệnh tiểu đường trong thời gian mang thai là mẹ bầu nên ăn 8-9 bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn 3-4 bữa lớn và hạn chế không ăn "thả ga" đồ ngọt.
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp người mẹ phòng tránh tiểu đường thai kỳ nên ngoài lời khuyên như trên, MC còn lưu ý các mẹ mỗi lần ăn không nên ăn quá no, cảm thấy no 60-70% là ngừng. Vì khi thai nhi lớn thì bao tử của mẹ sẽ bị đẩy dồn lên trên, ăn no quá dễ cảm thấy buồn nôn. Thực đơn của Huyền Ny khi mang bầu được "thiết kế" đủ các nhóm chất gồm đạm, rau quả, tinh bột và đặc biệt nhiều trái cây (loại không quá ngọt). MC đa tài cho biết: "Ny uống nhiều nước trong ngày. Các món bún hay phở thay vì hầm xương, thịt với nhiều mỡ, Ny thay một phần bằng rau quả. Khi nấu nước sẽ ngọt, thanh và ít béo hơn. Bên cạnh đó, Huyền Ny cũng không quên uống một viên vitamin cho bà bầu để bổ sung đầy đủ các chất cần thiết, nhất là acid folic.
Huyền Ny cho biết, cô cũng đặt ra những kiêng kỵ trong thời gian mang thai như tránh các thức ăn nhiều mỡ động vật mà thay bằng mỡ thực vật (trái bơ, hạt điều, hạnh nhân...) và cá. Đặc biệt, Huyền Ny kiêng ăn sushi trong thời gian mang thai và cho con bú vì trong cá sống có nhiều vi khuẩn ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
Song Giang