- Chuyển sang công việc mới, vậy còn việc sáng tác của thì sao?
Nhạc sĩ Quốc An. |
- Gần đây, tôi đã viết trở lại rất nhiều bài. Có lẽ do quá trình vui bạn vui bè, tiếp xúc các ca sĩ trẻ và cảm nhận sự hăng hái với nghề nghiệp của họ truyền sang tôi. Thú thật cũng có thời gian tôi ngừng viết nhạc do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Đặc biệt là có thời điểm nhạc Việt xuống dốc và người nghe quay lưng. Rồi nạn đạo nhạc tràn lan. Tác quyền nhạc sĩ vừa thấp vừa dễ bị xâm phạm...
Tôi đã trở lại và phổ biến các nhạc phẩm mới của mình trong các album mới phát hành gần đây của Quang Dũng, Hồng Hạnh... Trong album đang ghi âm của Kasim Hoàng Vũ sẽ có hai ca khúc của tôi Lối vắng, Muốn nói yêu em. Thị trường nhạc Việt hiện nay đã bắt đầu tạo động lực trở lại cho các nhạc sĩ sáng sạo, sáng tác và phổ biến tác phẩm của họ.
- Vậy theo anh thì nhạc Việt hiện nay như thế nào?
- Có ba "trường phái" (tôi tạm gọi nôm na thôi) dễ thấy nhất hiện nay: Thứ nhất là dòng nhạc mang hơi thở dân gian đương đại, pha trộn jazz, world music từ các lớp nhạc sĩ phía Bắc (như Quốc Trung, Lê Minh Sơn, Huy Tuấn...). Tiếp theo là dòng nhạc thị trường cho khán giả trẻ nghe phát triển rất mạnh. Đặc điểm của nó là sự đa dạng, thoải mái, nhiều giai điệu, dễ nghe (đôi khi chịu ảnh hưởng ballad Hong Kong). Cuối cùng là dòng nhạc "hoài cổ" với giai điệu và lời ca có thể chịu ảnh hưởng Phạm Duy, Ngô Thụy Miên... Những năm trước đây, nhạc sĩ trẻ Việt Anh là người đã phổ biến những tác phẩm trữ tình theo hướng này. Gần đây hòa theo phong trào hát lại các bản nhạc xưa, tiền chiến... của các ca sĩ thì dòng nhạc này càng được chú ý hơn.
- Còn anh đang sáng tác theo dòng nào?
- Dĩ nhiên tôi vẫn viết những sáng tác được thị trường chấp nhận, hướng đến số đông khán giả trẻ. Mảng nhạc trẻ vẫn là thế mạnh của tôi. Nhưng trước đây và hiện nay tôi đã viết nhiều ca khúc trữ tình phổ thơ như Ngày xưa (thơ Hà Phú), Ghen (thơ Nguyễn Bính), Tương tư (thơ Hoa Phương - Cẩm Ly đã trình bày), Chắc gì (thơ Vũ Thị Khương)... Đây chính là nét "mới mà cũ" mà tôi sẽ tập trung sáng tác và phổ biến đến công chúng.