Đến giờ đã nhiều năm trôi qua nhưng trong ký ức của trung tá Nguyễn Xuân Kỷ, Đội phó truy nã tội phạm Công an Hà Nội vẫn nhớ rành rọt từng kẻ tội phạm mà anh từng tham gia truy bắt. Hơn 20 năm gắn bó với công việc của một cảnh sát chuyên truy tìm những tên tội phạm nguy hiểm trốn truy nã, anh bảo đó phải có “duyên” và tình yêu, sự gắn bó với nghề.
Anh vẫn còn nhớ rõ chân dung từng kẻ phạm tội. Nghiêm Xuân Lung là một cái tên mà trung tá Kỷ mỗi lần nhắc đến đều đọc vanh vách, tiểu sử, hành vi phạm tội. Điều anh khó quên ở Lung, hắn là một kẻ luôn sống tội lỗi khi gây ra vụ án mạng ở tỉnh Hà Sơn Bình cũ.
Năm 1982, khi đó Lung quê ở Ứng Hòa, Hà Tây cũ, 27 tuổi, phạm tội giết người. Kẻ thủ ác đối diện với mức án tử hình. Ngày diễn ra phiên xử bị cáo này, trên đường dẫn giải Lung từ trại giam ra tòa án Hà Sơn Bình, kẻ phạm tội đã bỏ trốn ngoạn mục. Sau đó, anh ta bị Công an tỉnh này truy nã đặc biệt trên toàn quốc.
“Năm đó tôi chưa vào nghề và mãi sau này khi công tác tại tỉnh Hà Sơn Bình, tôi mới được tham gia tìm hiểu hồ sơ vụ án và truy bắt Lung. Nhưng điều khó khăn với chúng tôi, và những cán bộ trong ngành trước đó là anh ta đã trốn biệt tăm, không có dấu vết”, trung tá Kỷ cho biết. Trong khi cơ quan điều tra nhiều năm tổ chức truy bắt không thành, và các anh không thể ngờ Lung sinh sống ngay ở Quảng Ninh.
Sau cuộc “đào tẩu” trên, Lung sống chui lủi, trốn tránh pháp luật. Anh ta chọn đất Quảng Ninh là nơi sinh nhai, lấy vợ sinh con. Sống bên vợ hiền con ngoan, Lung không bao giờ nói về quá khứ hay nhắc tới cội nguồn của mình. Mỗi lần vợ hỏi han về gốc gác, Lung nổi cơn, đánh đập khiến chị này không dám đề cập đến. Chỉ biết rằng, thỉnh thoảng chị vợ thấy chồng lạ lùng đó lại ngồi ngây ra một mình như kẻ mất hồn. Vợ anh ta không hề biết đang sống cùng kẻ giết người.
27 năm trốn truy nã, sống trong ám ảnh tội lỗi, cuối cùng Lung đã tự tìm đến cái chết. Anh ta treo cổ tự tử và để lại cho vợ con một bức thư viết tay dài. Trong lá thư tuyệt mệnh, Lung kể lại hành vi phạm tội của mình và muốn vợ mang lá thư đến cơ quan điều tra. Anh ta mong mỏi đó là sự “đầu thú” của mình sau khi đã tự vẫn.
Một ngày cuối tháng 4/2009, chị vợ mang lá thư tuyệt mệnh của người chồng tội lỗi đến trình báo tại Công an tỉnh Quảng Ninh. “Trong lá thư của Lung, anh ta muốn được tự thú về hành vi của mình để lòng được thảnh thơi. Có làm như vậy thì linh hồn anh ta mới được siêu thoát. Có lẽ kẻ giết người đã không đủ can đảm để ra đầu thú mà đã chọn cách đầu thú của riêng mình. Anh ta có lẽ đã không thể chịu nổi kiếp sống gian dối với cả chính những người thân yêu nhất của mình, rồi lại mang theo những ám ảnh tội lỗi luôn đeo bám", trung tá Kỷ nói. Sau đó hồ sơ vụ việc đã được kết thúc, cơ quan điều tra có quyết định đình chỉ lệnh truy nã với Nghiêm Xuân Lung.
Bùi Văn Đường trong hồ sơ truy nã của cảnh sát. |
Theo chia sẻ của những người làm công tác truy nã, thông thường kẻ phạm tội sau khi bỏ trốn đều “bọc” cho mình một cái vỏ, chẳng hạn như: thay đổi tên họ, địa chỉ, quê quán… để bắt đầu một cuộc sống mới. Có những kẻ giấu giếm tung tích khá hoàn hảo với một gia đình êm ấm, một công dân mẫu mực ở vùng đất mới. Thậm chí họ còn được chính quyền cơ sở tuyên dương, khen thưởng về những thành tích đóng góp cho sự phát triển của địa phương. Nhưng với những cảnh sát truy nã, kẻ phạm tội vẫn nằm trong hồ sơ, và các anh không hề lơ là mỗi khi có manh mối. Dù che đậy kín thế nào, trong cuộc sống và các mối quan hệ hàng ngày, hung thủ sẽ như kiểu “cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra”.
Đối với trung tá Kỷ, vụ án Bùi Văn Đường, quê ở Nho Quan, Ninh Bình và đồng bọn cướp của giết người, luôn ám ảnh anh trong gần suốt thời gian làm nghề truy nã tội phạm. Năm 1988, anh Kỷ ra trường và vào công tác tại Công an Hà Sơn Bình, cũng là năm Đường gây án. Một ngày đầu tháng 7 năm đó, tại nông trường 2/9, thuộc Yên Thủy, Hà Sơn Bình (cũ), Đường khi ấy 25 tuổi, đã cùng đồng bọn xông vào nhà bắn chết một nạn nhân, cướp đi chiếc xe đạp, phích nước và vỏ chăn con công. Kẻ cầm đầu tên Hoàng Văn Đông cùng bốn người khác khi đó bị bắt giữ và đưa ra xét xử, nhưng riêng Đường thì trốn thoát.
Năm đó, các anh em trong đơn vị được giao nhiệm vụ đi truy bắt Đường. Khi đó dù nóng lòng tham gia, nhưng là "lính mới" nên anh Kỷ chỉ có thể háo hức nhìn đồng đội đi truy bắt tên Đường. Sau một thời gian công tác, anh Kỷ được cấp trên giao nhiệm vụ bắt nã và mục tiêu là tên Đường. Dù cố công nhiều năm, nhưng tên Đường vẫn bặt vô âm tín.
Không chịu thua, anh Kỷ cố lục lại hồ sơ và phát hiện trong lệnh truy nã tên Đường, có một chi tiết ghi sai, khiến hướng tầm nã của anh bị lạc. Khi đã tìm ra được mấu chốt khiến nhiều năm dòng không thể tìm ra tên Đường, anh Kỷ lại lên đường đi truy bắt tên tội phạm. Trong khi đó, Đường bỏ trốn vào tận xã Tân Lập, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai để mai danh ẩn tích. Không ai biết rõ về gốc tích của một kẻ ít lời như hắn. Lấy được cô vợ là y sĩ khá xinh đẹp, cuộc sống gia đình hạnh phúc với hai cô con gái nhưng lúc nào người ta cũng thấy Đường có tâm trạng không yên ổn. Đường còn được chính quyền địa phương tin yêu và cấp chứng minh nhân dân vẫn dùng tên cũ, chỉ khác chút tên quê quán.
“Trong tay chúng tôi chỉ là một tấm chứng minh cũ kĩ của Đường làm từ năm 17 tuổi. Khi vào trong Đồng Nai xác minh bắt giữ anh ta, chúng tôi còn sợ bắt nhầm người vì Đường khác nhiều”, Đội phó Kỷ kể lại. Mới 47 tuổi, trông Đường già sọm. Thời gian sống trong tội lỗi, hung thủ không bao giờ thấy được yên ổn dù có vợ đẹp, con khôn bên cạnh. Có những lúc nhìn thấy bóng công an từ xa là hắn chạy thục mạng, không cần biết gì nữa...
Đường vừa mới bị bắt trong năm nay. Theo như lời anh Kỷ, khi biết bị bắt, anh ta không hoảng hốt. Đường khẩn cầu, xin được nói vài lời với vợ con. Lúc đó, tại hội trường của ủy ban xã Tân Lập, chân dung của một kẻ giết người, cướp tài sản mới bị lật tẩy. Vợ con anh ta quá sốc trước sự thật chồng, cha mình là kẻ tội phạm.
Việt Dũng