Nếu bạn thấy khó khăn để có một cuộc nói chuyện cởi mở với con đang ở độ tuổi "nửa người lớn nửa trẻ con" thì cách giải quyết của nữ diễn viên Singapore Wong Li-Lin có thể là gợi ý phù hợp cho bạn. Trên trang cá nhân, cô đã chia sẻ một bản hợp đồng giữa cô và cậu con trai 11 tuổi của mình, với mục đích để con có thái độ tốt hơn. Những "điều khoản" trong đó được đưa ra sau khi một cuộc trò chuyện dài giữa hai mẹ con.
Trong bản hợp đồng, Wong Li-Lin (bên A) hướng dẫn con trai Jonas (bên B) cách thực hiện thỏa đáng các nội dung đưa ra, đó là:
1. Có một tư duy cởi mở
2. Biết lắng nghe
3. Quan tâm đến mọi người xung quanh
4. Dám thử nghiệm những điều mới mẻ
5. Cố gắng đạt được kết quả tốt hơn mong đợi và luôn có sự chuẩn bị
Nếu phá vỡ hợp đồng này, Jonas sẽ phải nhận hậu quả mà mọi cậu bé trong độ tuổi này đều khiếp sợ: Tịch thu các thiết bị điện tử, máy chơi game.
Wong Li-Lin tỏ ra là một bà mẹ nghiêm khắc khi không cảnh cáo con bằng lời nói mà đưa ra thỏa thuận "giấy trắng mực đen". Cách này giúp cô hợp thức hóa những câu nói miệng như kiểu: "Mẹ thề sẽ tịch thu cái máy Playstation của con" hoặc "Làm việc XYZ đi nếu con không muốn cái iPad của con biến mất".
Li-Lin cũng không quên rằng trẻ con là trẻ con, vì vậy, bản hợp đồng được thảo ra với từ ngữ dí dỏm: "Nếu con quên thực hiện hợp đồng, mẹ sẽ nhắc nhở bằng mật mã: 'Ơi giời, con đây rồi' và một cái búng tay".
Giống như Li-Lin, các bố mẹ có con ở độ tuổi "ẩm ương" đều phải cố gắng hết sức để đưa con vào nề nếp bằng mọi cách, từ đe nạt tới dỗ dành ngon ngọt. "Hợp đồng dạy con" như thế này nên bắt đầu từ những năm tiền dậy thì, trước khi các con trở thành người lớn và có thể "sải cánh bay xa". Không bao giờ là quá sớm để tạo ra một thỏa thuận với con vì biết đâu đấy, bạn có thể dạy chúng theo cách vừa vui vẻ vừa không tạo áp lực với con.
Nếu bạn cũng mong muốn đưa ra một bản "hợp đồng" phù hợp cho con của mình, bạn có thể tham khảo những nội dung dưới đây:
1. Đơn giản
Sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu hơn khi bạn tập trung vào một nội dung cụ thể. Bạn cần nhìn vào những vấn đề hiện tại và lựa chọn chúng thành một lĩnh vực riêng biệt để giải quyết.
Ví dụ: Nếu con gặp khó khăn với các bài tập về nhà, hãy tập trung giải quyết việc này. Bạn có thể thiết lập một hợp đồng khác cho những vấn đề khác khi con đã xử lý được vấn đề trên.
2. Cả gia đình cùng vào cuộc
Nếu con được ông bà/cha, mẹ kế... chăm sóc, hãy đảm bảo tất cả mọi người thống nhất một cách dạy con. Điều này nói dễ hơn làm nhưng mục tiêu cuối cùng chúng ta muốn các con hiểu rằng đây là một hoạt động tập thể và ai cũng góp phần vào sự thành công.
3. Xác định hình thức thưởng, phạt
Mục đích là để bé hiểu rằng nếu con làm tốt thì sẽ được ghi nhận bằng các phần thưởng, còn ngược lại con phải chấp nhận hình phạt. Khi khen thưởng con, bạn cần nhắc chúng biết cách chia sẻ sự thành công với những người khác.
4. Theo dõi quá trình hoàn thiện của con
Trẻ con cũng luôn trông chờ vào sự thay đổi và tiến bộ của mình. Miễn là cha mẹ biết tiếp thêm động lực cho con thì chúng sẽ nhìn nhận những thay đổi của bản thân như một thành tích lớn.