Xuất thân là nghệ sĩ múa nhưng Hồng Ánh làm nên tên tuổi trên màn ảnh và sân khấu kịch. Năm qua, cô hội ngộ khán giả ở cả rạp chiếu (phim Đất rừng phương Nam), nền tảng phim trực tuyến (Hoa vương), nhạc Việt (MV Đại minh tinh) và nhiều sân khấu kịch. Trở thành nhân vật của chuyên mục "Chuyện xưa phim cũ" trên Ngôi Sao, nghệ sĩ trải lòng nhiều kỷ niệm của gần 30 năm giữ lửa nghề.
- Ngày xưa, cơ duyên nào đưa chị đến với nghệ thuật?
- Lúc nhỏ, tôi chưa có khái niệm trở thành nghệ sĩ, vì gia đình không ai theo nghệ thuật. Tình cờ, nhà tôi ở kế bên trường Trung cấp Múa. Ngày bé, cứ đi học về, tôi lại bê tô cơm sang bên đó nghe nhạc piano, xem các chị tập bài, dựng tiểu phẩm.
Ngày ấy, tôi đen và đậm người. Mẹ tôi bảo con gái như vậy không ổn nên cho tôi sang học múa, chủ yếu để luyện dáng nhỏ nhắn, uyển chuyển. 13 tuổi, tôi bắt đầu học hệ 7 năm của trường, song song học văn hóa ở trường công. Hết cấp ba, tôi xin phép bố mẹ không thi đại học, duy trì học múa và đi làm kiếm tiền. Tôi đi diễn nhiều lắm. Nhưng khi dự tuyển sang Nga học nâng cao nghề múa, tôi bị đánh rớt. Thầy giáo nhận xét hình thể của tôi không đáp ứng yêu cầu: chân hơi vòng kiềng, đầu gối hơi to, sức khỏe tốt nhưng cơ thể thiếu độ dẻo.
Cùng lúc ấy, tôi cảm nhận mình ít nhiều có năng khiếu diễn xuất. Thời ở trường múa, phần diễn xuất của tôi lúc nào cũng đạt điểm cao nhất. Năm 1995, tôi đánh liều thi Diễn viên Điện ảnh triển vọng do Hội Điện ảnh TP HCM tổ chức, dù chẳng ôn luyện gì trước.
Tôi nhớ có phỏng vấn sơ tuyển, diễn tiểu phẩm, trình diễn áo dài, áo dạ hội, áo tắm. Vào chung kết, tôi chọn đóng tiểu phẩm về cô gái H’Mong chia tay người yêu bộ đội, để được phát huy sở trường với phần múa dù. Tôi giành giải "Người đẹp duyên dáng", tương đương giải năm.
- Từ cuộc thi năm ấy, chị tìm thấy những cơ hội diễn xuất nào?
- Ở chung kết Diễn viên Điện ảnh triển vọng, tôi được xếp vào nhóm thí sinh do đạo diễn Lê Cung Bắc hướng dẫn dựng tiểu phẩm. Quý tôi, anh Bắc giới thiệu cho vai Bạch Vân trong phim Người đẹp Tây Đô. Tôi với chị Việt Trinh hồi đó cùng có gương mặt bầu bĩnh, nước da ngăm và má lúm đồng tiền, hợp đóng chị em.
Từ vai diễn đầu tay ở tuổi 19, tôi đóng chính phim Hải Nguyệt, Cầu thang tối. Sau giải "Gương mặt triển vọng" của Liên hoan phim (LHP) Việt Nam 1999, tôi được đạo diễn Nguyễn Thanh Vân chọn vào phim Đời cát. Tôi bước vào nghề diễn viên ở giai đoạn phim mỳ ăn liền thoái trào, còn phim nhà nước được đầu tư. Lúc ấy, khán giả đại chúng chưa biết nhiều về tôi, nhưng người trong nghề thì quen mặt.
- Điều kiện làm phim cuối những năm 1990 còn hạn chế. Theo các đoàn phim tới nhiều tỉnh thành cho chị những trải nghiệm nào đáng nhớ?
- Vất vả lắm nhưng đổi lại, tôi có một tuổi trẻ thật đẹp với nhiều trải nghiệm thú vị, đúng sở thích làm những gì liên quan cộng đồng. Môi trường làm phim cho tôi thấy mình như người chiến sĩ, luyện khả năng thích ứng điều kiện sống, hòa nhập tập thể và đương đầu rủi ro.
Thời gian quay phim Hải Nguyệt ở làng nước mắm, ngày nào người tôi cũng hôi mùi mắm. Hồi đầu, cứ vào đó là tôi say sẩm mặt mày, đỏ hai con mắt, muốn ói. Nhưng sau tôi quen dần. Đóng Đời cát và Trái tim bé bỏng, đoàn phim ở nhờ nhà dân. Đang ăn cơm, một cơn gió thổi qua là chúng tôi nghe cát lạo xạo trong miệng (cười).
Đóng Thung lũng hoang vắng ở Sa Pa, tôi thích những tối đi bộ từ ủy ban xã xuống nhà dân để cùng họ nướng ngô, vừa đi vừa hát. Đó cũng là dịp tôi được tiếp xúc với bà con vùng cao, loay hoay thuyết phục các em bé dân tộc diễn cùng mình.
Phục vụ đóng phim, tôi trang bị nhiều kỹ năng sinh tồn, tập bơi, học lái xe jeep. Tôi rèn sự nhạy cảm, cách ứng xử khéo léo để vừa giữ được cá tính riêng mà không làm mất lòng người khác. Từ chối những lời đề nghị khiếm nhã cũng cần học.
Dấn thân vào nghề này, tôi phải tự lập mọi thứ vì bố mẹ không thể hỗ trợ quan hệ hay tiền bạc. Nhưng tôi may mắn được nhiều cô chú, anh chị trong nghề thương, từ đạo diễn, diễn viên đến họa sĩ, phục trang, lái xe... Các vai tôi đóng cũng được khán giả lao động đón nhận. Tôi chỉ hơi tiếc là hồi trẻ không được yêu đương lãng mạn trên phim lần nào (cười).
- Được săn đón trong điện ảnh như vậy, tại sao chị chuyển hướng đóng sân khấu?
- Tôi không chuyển hướng từ điện ảnh sang sân khấu mà duy trì song song, đến giờ vẫn vậy. Từ nghệ sĩ múa chỉ trình diễn hình thể đến diễn xuất cả hình thể, tâm lý và đài từ trong vai trò diễn viên đã là một bước chuyển thú vị. Nhưng tôi vẫn chưa thấy đã lắm, vì phim ảnh ngày ấy đều phải lồng tiếng. Dù tự lồng tiếng hay được người khác lồng cho, cảm xúc trong lời nói khó trọn vẹn như lúc diễn.
Trong khi với kịch nói, diễn viên được bộc lộ tình cảm bằng nhiều ngôn ngữ một cách trực tiếp. Bén duyên kịch nói từ khóa đào tạo ngắn hạn tiếng nói của Sân khấu 5B, tôi phát triển nghề nghiệp ở nhiều sân khấu: Tao Đàn, Idecaf, Hoàng Thái Thanh.
Thực ra, tôi mê xem kịch từ bé. Có những vở tôi xem đi xem lại hoài không chán, thuộc hết thoại của các nhân vật. Ngày xưa, tôi tốn nhiều tiền mua vé xem kịch Idecaf lắm. Qua sự kết nối của chị Hoa Hạ, tôi được anh Thành Lộc nhận vào Idecaf cho các vai nhỏ. Tôi nhớ lần đầu gặp, anh Lộc nói với tôi: "Bên điện ảnh là ai tôi không biết, về đây phải làm lại từ đầu".
Một lần, nghệ sĩ Hương Giang trùng lịch diễn, tôi xung phong thế vai chị trong vở Anh chàng xỏ lá. Mới đầu, anh Thành Lộc nghi ngờ. Nhưng tôi thử mấy câu thoại, anh đồng ý giao vai cho tôi. 5h chiều ráp vở, tối tôi diễn luôn.
Gắn bó với sân khấu, tôi nhận ra đây là môi trường tuyệt vời để luyện kỹ năng diễn xuất. Quen giữ tâm lý thời gian dài trên sân khấu, tôi dễ dàng lấy cảm xúc lúc đóng phim, dù các cảnh quay không theo trình tự kịch bản.
- Diễn sân khấu những năm đầu 2000 cho chị mức thu nhập thế nào?
- Tôi nhớ cát-xê kịch đầu tiên của tôi khoảng 100.000 đồng mỗi suất. Mỗi ngày tôi diễn hai hoặc ba suất, Tết Nguyên đán và mùa kịch thiếu nhi có khi ngày bốn suất. Thu nhập tốt, tôi lại độc thân, không ràng buộc trách nhiệm với ai nên chi tiêu khá thoải mái. Có lần vừa lãnh lương, tôi mua luôn đồng hồ đắt tiền. Tôi không đầu tư quần áo, giày dép, túi xách hàng hiệu nhưng thích chơi Vespa cổ, mặc đồ thêu tay, dùng bút viết cao cấp.
- So với thời đó, sân khấu kịch bây giờ gặp nhiều khó khăn, không ít nghệ sĩ cảm thấy khó sống với nghề. Chị cảm nhận ra sao?
- Lĩnh vực nghệ thuật nào cũng có thử thách riêng, vì ngày càng nhiều lựa chọn giải trí và thưởng thức nghệ thuật. Nhưng tôi cho rằng nghệ sĩ chỉ mất thu nhập khi ngừng làm việc. Nhiều đồng nghiệp của tôi thừa nhận không thể sống được nếu chỉ diễn sân khấu. Chúng tôi làm nhiều công việc, người viết kịch bản, người làm đạo diễn, người kinh doanh nhưng bỏ hẳn nghề thì không.
- Ngoài vai trò diễn viên, nhiều năm nay chị còn làm nhà sản xuất, hỗ trợ các đạo diễn điện ảnh và sân khấu. Tên chị cũng xuất hiện ở nhiều phim, trong vai trò cố vấn kịch bản hoặc huấn luyện viên diễn xuất. Chị nghĩ sao về kế hoạch mở lớp đào tạo diễn viên hoặc khai trương sân khấu?
- Đúng là các bạn trẻ tìm đến tôi nhiều. Chắc vì lúc trò chuyện, tôi không giấu nghề, chia sẻ với các bạn nhiều thứ tôi tích lũy. Từ hồi trẻ, tôi đã hay đóng phim tốt nghiệp của sinh viên ngành đạo diễn. Sau này, tôi đóng nhiều phim đầu tay của các đạo diễn trẻ.
Nhưng mở lớp đào tạo đòi hỏi đội ngũ nhân sự lớn và cơ hội đầu ra cho học viên. Còn mở sân khấu kịch phải có lượng kịch bản dồi dào để duy trì hoạt động biểu diễn liên tục. Hiện tôi thấy mình thích hợp với việc tư vấn, hỗ trợ, dạy diễn xuất với từng dự án cụ thể. Với kịch, tôi muốn giúp các đạo diễn thực hiện các tác phẩm thể nghiệm - ứng tác ở Việt Nam.
Phong Kiều thực hiện