Cơ quan quản lý thảm họa Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay cho hay số người chết vì động đất ở nước này đã vượt 8.500 người. Trong khi đó Bộ Y tế Syria thì nói con số được ghi nhận ở các khu vực do chính phủ kiểm soát vượt 1.200 và tại khu vực do quân nổi dậy chiếm giữ là ít nhất 1.400 người.
Hơn 30.000 người đã bị thương sau trận động đất 7,8 độ sáng 6/2. Số người chết dự kiến còn tăng lên khi các nhân viên cứu hộ vẫn tiếp tục tìm kiếm người sống sót dưới các đống đổ nát.
Đây là trận động đất chết chóc nhất thế giới kể từ năm 2011, khi trận động đất mạnh 9 độ ngoài khơi bờ biển phía đông bắc Nhật Bản gây sóng thần, giết chết gần 20.000 người.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đều không cung cấp số liệu về số người còn mất tích, khi Đức giáo hoàng Francis yêu cầu trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần nhằm cầu nguyện và thể hiện tình đoàn kết.
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm nay sẽ bay tới thị trấn Pazarcik, tâm chấn trận động đất, và tới tỉnh Hatay - nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ông cũng đã nhận được nhiều lời kêu gọi gửi thêm hỗ trợ tới các khu vực thảm họa. Quốc gia này hiện huy động gần 60.000 nhân viên cứu trợ ở các khu vực động đất, tuy nhiên, do phạm vi ảnh hưởng trải rộng, nhiều người vẫn đang phải chờ giúp đỡ.
Thảm họa động đất khiến hàng nghìn tòa nhà bị sập, trong khi nhiệt độ giảm sâu và các dư chấn tiếp diễn gây cản trở cho các nỗ lực cứu hộ.
Các nhóm tìm kiếm đến từ hơn 20 quốc gia đã được cử đến giúp đỡ lực lượng ứng cứu khẩn cấp của Thổ Nhĩ Kỳ. Nước này cũng đã nhận được nhiều cam kết viện trợ.

Hai người phụ nữ ôm nhau gần một đống đổ nát sau động đất ở Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
Tại Syria, quốc gia đang phải đối phó với cuộc nội chiến kéo dài 12 năm và cuộc khủng hoảng người tị nạn, động đát cũng đánh sập hàng nghìn tòa nhà.
Chiều 6/2, tại một thị trấn ở phía tây bắc Syria, người dân tìm thấy một bé sơ sinh đang khóc còn nguyên dây rốn bên cạnh người mẹ đã qua đời. Bé là thành viên duy nhất trong gia đình còn sống sau khi một tòa nhà bị sập tại thị trấn Jinderis.
Theo Adelheid Marschang, một quan chức khẩn cấp cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới, có thể có tới 23 triệu người bị ảnh hưởng tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi trận động đất.
Nhiều người sống sót ở Thổ Nhĩ Kỳ đã phải ngủ trong ôtô, bên ngoài hoặc trong những nơi trú ẩn của chính phủ sau khi trận động đất buộc họ phải rời bỏ nhà cửa.
"Chúng tôi không có lều, không có bếp sưởi, không có bất cứ thứ gì. Con cái chúng tôi ở trong tình trạng tồi tệ. Tất cả chúng tôi đều bị ướt dưới mưa và lũ trẻ phải ở ngoài trời lạnh," Aysan Kurt, 27 tuổi, nói với AP. "Chúng tôi không chết vì đói hay động đất, nhưng chúng tôi sẽ chết cóng vì lạnh".
Erdogan cho biết 13 triệu người ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị ảnh hưởng bởi thảm họa. Ông tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở 10 tỉnh.
Hiện hơn 8.000 người đã được kéo lên từ dưới đống đổ nát ở Thổ Nhĩ Kỳ, và gần 380.000 người đã đến trú ẩn ở các khu tạm trú hoặc khách sạn của chính phủ.
Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở nơi giao nhau của các mảng kiến tạo có nhiều đường đứt gãy lớn và thường xuyên bị rung chuyển bởi động đất. Khoảng 18.000 người đã thiệt mạng trong các trận động đất mạnh tương tự xảy ra ở tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1999.
Hướng Dương (Theo AP)