Ông Kai Klose, người đứng đầu Sở Y tế bang Hesse, hôm 24/5 cho biết các quan chức y tế địa phương đã lập danh sách những người tham dự buổi lễ tại Nhà thờ Tin lành Christian Baptist hôm 10/5 và những người đã tiếp xúc với họ sau đó.
"Trường hợp này cho thấy chúng ta vẫn nên cảnh giác và không nên bất cẩn, ngay cả khi đang trong quá trình nới lỏng phong tỏa. Virus vẫn còn đó và có thể lây lan", ông Klose nói.
Ông Klose nhấn mạnh việc dỡ bỏ phong tỏa có thể phản tác dụng khi làn sóng lây lan trong cộng đồng đang gia tăng, cụ thể là trường hợp tại nhà thờ Tin lành Christian Baptist, nơi có 107 người được phát hiện nhiễm nCoV có liên quan tới buổi thánh lễ hôm 10/5.
Các ca nhiễm mới ở Đức bùng lên khi quốc gia này bắt đầu nới lỏng lệnh phong tỏa từ ngày 1/5. Các nhà thờ, nhà hàng được mở cửa trở lại với điều kiện tuân thủ giãn cách xã hội và giữ khoảng cách ít nhất 2 m. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định giãn cách xã hội vẫn chưa phải là biện pháp an toàn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Ông Wladimir Pritzkau, thành viên cấp cao của Hội thánh Tin Lành Baptist Frankfurt, khẳng định tín đồ của họ đã tuân thủ giãn cách xã hội và giữ khoảng cách 2 m với nhau, các nhà thờ cũng được khử trùng. Tuy nhiên sau khi các ca nhiễm mới bùng lên tại một thánh lễ, các nhà thờ đã chuyển sang hình thức trực tuyến.
Đây không phải lần đầu tiên các địa điểm tôn giáo trở thành "ổ dịch" trong cộng đồng. Hồi tháng 2, một nhà thờ của giáo phái Tân Thiên Địa (Shincheonji) ở Deagu, Hàn Quốc, cũng là nơi phát tán virus ra cộng đồng và 60% các ca nhiễm ở Deagu có liên hệ với giáo phái này. Tại Malaysia, hàng trăm ca mắc Covid-19 liên quan đến buổi lễ tôn giáo tại thánh đường Hồi giáo Masjid Jamek Sri Petaling, ngoại ô Kuala Lumpur, diễn ra từ 28/2 đến 1/3. Sự kiện Hồi giáo này còn có sự tham gia của nhiều tín đồ đến từ Bangladesh, Brunei, Philippines, Singapore, Thái Lan, Việt Nam.
Hiện Đức ghi nhận 180.000 ca nhiễm, trong đó 8.428 trường hợp tử vong, đứng thứ 8 toàn cầu.
Sơn Nam (Theo Reuters)