Nhà quay phim Phạm Hoàng Nam. |
- Anh học được những gì sau chuyến đi?
- Có hai lợi ích chính. Một là củng cố lại những kiến thức điện ảnh đã học và đang áp dụng theo một cái nhìn của công nghệ sản xuất mới, rất chuyên nghiệp. Hai là học về những kiến thức hoàn toàn mới của công nghệ làm phim hiện đại. Tất nhiên đó chỉ là những gạch đầu dòng cơ bản. Vấn đề còn lại phải đọc và xem thêm rất nhiều, đồng thời liên tục cập nhật thông tin vì ở thời đại kỹ thuật số, mọi thứ thay đổi hàng ngày. Ngoài ra, chúng tôi còn được giới thiệu về tính quan hệ trong công nghiệp điện ảnh Hollywood, cách sử dụng nhân sự theo công thức của họ. Phần lớn những vấn đề này đều khác hoàn toàn với chúng ta.
- Anh nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng Hollywood là thiên đường điện ảnh và tất cả những gì liên quan đến nghệ thuật thứ bảy?
- Hollywood chắc chắn không phải là thiên đường vì không phải mọi thứ ở đó đều ngọt ngào trôi chảy. Hollywood có rất nhiều "vấn đề" theo kiểu của họ. Nhưng đó chính xác là kinh đô điện ảnh của thế giới, nơi có một guồng máy khồng lồ để sản xuất ra những bộ phim khổng lồ với sự áp dụng những kiến thức tiên tiến nhất của nhân loại. Nói cách khác nó là một nền công nghiệp điện ảnh. Nói như vậy không có nghĩa là không thể làm phim theo cách khác ngoài Hollywood. Những người "nông dân" sống xa kinh đô vẫn có thể sống khỏe, nếu biết làm nông nghiệp hoặc thủ công cho thật tốt. Một sản phẩm hand made thường thì vẫn giá trị hơn đồ sản xuất hàng loạt nếu nó thực sự độc đáo. Tất nhiên cần phải có những tiêu chuẩn, nhất là về kỹ thuật.
- Anh nghĩ sao về sự khác nhau giữa trình độ chuyên môn của imageing director Việt Nam và thế giới?
- Dưới góc độ nghệ sĩ và cảm thụ thì không thể nói ai hơn ai. Tôi không nghĩ là một quay phim người Mỹ thì có tư chất nghệ sĩ hoặc rung động nghệ thuật hơn một quay phim người Việt. Vấn đề khác nhau là kiến thức về chuyên môn, mà hạn chế là do kiến thức văn hóa nền, đào tạo cơ bản hoặc sự thiếu thốn về thông tin cập nhật thường xuyên, giao lưu với nhau và với bên ngoài. Vấn đề thứ hai là khả năng phối hợp làm việc đồng bộ trong một tổ chức chuyên nghiệp, sự phân công rõ ràng trong những khâu sản xuất và sự hỗ trợ tối đa về phương tiện kỹ thuật của các nhà sản xuất cho các cộng sự của mình. Điều này thì các nhà làm phim Việt Nam thiệt thòi và yếu kém hơn hẳn so với bên ngoài.
- Để nâng nền điện ảnh Việt Nam lên tầm cao mới, những "giám đốc hình ảnh" như anh phải mang "nhiệm vụ" gì?
- Nhiệm vụ "nâng" nền điện ảnh Việt Nam lên thuộc về các nhà quản lý và cơ chế. Những nhà làm phim thì chỉ phải tự "nâng" chính bản thân mình lên mà thôi.
- Một tháng học nghề tại Mỹ, điều đó có ý nghĩa gì với thương hiệu Phạm Hoàng Nam?
- Nhiệm vụ của tôi là có trách nhiệm hơn và khám phá khả năng của bản thân để xem nó có ích gì cho điện ảnh, bộ môn nghệ thuật mà tôi tự nguyện theo đuổi suốt cuộc đời.