Tắm cho sạch là một chuyện. Tắm cho khỏe và đẹp lại là chuyện khác. Nên dùng nước ở nhiệt độ nào và nên thêm gì vào nước tắm là điều mà không phải ai cũng biết.
Tắm với nước ở nhiệt độ nào?
Mỗi mức nhiệt độ nước tắm đều có tác dụng của nó.
Tắm nóng: Nước tắm nóng trên 37 độ C, có tác dụng tăng tưới máu tới da, làm ra mồ hôi và giúp cho sự đào thải chất độc tốt hơn. Nước nóng giúp thư giãn cơ bắp, phân phối lại sự cung cấp ôxy cho cơ thể, do đó cải thiện dinh dưỡng tế bào, chữa được chứng đau nhức mình mẩy, đau lưng và những hệ quả của sự làm việc quá sức (như trạng thái mỏi mệt, uể oải hoặc có biểu hiện quá hăng hái). Với phụ nữ, tắm ngồi khi ngâm mình trong nước nóng còn làm dịu đi những cơn đau quặn mỗi kỳ kinh. Tuy nhiên, những người có bệnh tim, cao huyết áp, bị giãn tĩnh mạch hay ứ trệ tuần hoàn ở chi dưới thì không nên tắm nóng quá 37 độ C. Sau khi tắm, nên tắm tráng ngay dưới vòi hoa sen với nước mát từ 25 đến 30 độ C.
Tắm ấm: Nhiệt độ nước bằng thân nhiệt, từ 35 đến 37 độ C. Tốt nhất là nên tắm vào buổi sáng để lập lại sự thăng bằng cho cơ thể. Với nước ở nhiệt độ này thì cơ thể không phải gắng sức gì cả và hoàn toàn không nguy hiểm nếu sau khi tắm cảm thấy buồn ngủ. Nên ngâm gáy trong nước ấm khoảng 15 phút. Khi ra khỏi bồn tắm, nên tắm bằng nước mát vài giây dưới vòi hoa sen cho vùng gáy, cẳng tay và cẳng chân, như thế sẽ cảm thấy sảng khoái hơn.
Tắm mát: Nhiệt độ nước từ 25 đến 30 độ C. Tắm với nước mát trong 3 phút giúp cho cơ thể khỏe khoắn hơn. Có thể ngồi trong bồn tắm lưng chừng nước ở nhiệt độ 35-37 độ C và để nước lạnh chảy từ từ trên cơ thể trong 15 phút cho tới khi nước trong bồn chỉ còn 15 độ C. Sau đó, choàng khăn tắm lớn lên người và ngủ một giấc khoảng 1 tiếng vào buổi trưa. Cách này có tác dụng làm dịu sự căng thẳng thần kinh trong trường hợp bị stress, mất ngủ và sau tiệc rượu vì giúp đào thải khỏi cơ thể những chất độc như rượu, nicotin hay cafein.
Tắm lạnh: Nước từ 15 đến 17 độ C, giúp nâng cao sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn, gây co các mạch máu nhỏ nhưng lại giãn mạch ở các cơ quan sâu bên trong (nên những cơ quan này được tưới máu nhiều hơn, hoạt động tốt hơn). Cơ thể run rẩy và nhịp tim tăng lên. Nhà thủy liệu pháp Sébastien Kneipp khuyên nên ngồi trong bồn tắm có mức nước cao 25 cm ở nhiệt độ 16 độ C, kỳ cọ khắp cơ thể trong khoảng 1 phút với nước của bồn tắm rồi lau khô, cảm giác khỏe khoắn sẽ kéo dài nhiều giờ sau. Buồng tắm cần ấm áp.
Nên cho thêm gì vào nước tắm?
Chất tạo bọt, muối, tinh dầu, rong tảo và cả dầu có tác dụng thư giãn, thải chất độc hoặc làm cho da không khô (các hãng mỹ phẩm đều chế tạo các loại dầu này). Có thể phối hợp trong một bồn nước tắm. Có người cầu kỳ còn đòi hỏi muối của biển Chết hoặc muối của Đại Tây Dương; nhưng chỉ cần 2 nắm muối thô là đủ, hòa tan trong bồn tắm, có thể thêm cả tinh dầu (chanh, oải hương…). Nhân dân ta đã sử dụng nhiều loại lá thơm làm nước tắm, nước xông chữa bệnh từ lâu đời.
Tắm để ngủ ngon giấc: Cho thêm vào bồn tắm nước nóng có nhiệt độ cơ thể muối biển (một chén to) và tinh dầu thơm. Để nước lạnh dần, cuối cùng tráng bằng nước nóng dưới hoa sen. Người Nhật lại có cách tắm thư giãn: Tắm cho sạch trước rồi mới ngâm mình trong bồn tắm hoặc ngược lại, sau khi tắm nóng trong bồn, tắm lại bằng xà phòng cho sạch và tráng.
Tắm để chữa cảm lạnh: Tắm nước nóng thêm muối và 10 giọt tinh dầu trong 20 phút. Lau khô và dùng khăn nóng xoa khắp cơ thể. Không để bị lạnh, mặc thêm áo ấm đi nằm, nếu ra mồ hôi càng tốt (chất độc được đào thải, nước nóng làm giãn các mao mạch, lỗ chân lông mở ra nên toát mồ hôi nhiều). Uống nhiều nước.
Tắm để chữa đau mình mẩy: Nước không cần nóng lắm và không cần cho muối và tinh dầu nhưng lại cho thêm 2-3 viên aspirin.
Màu sắc nước tắm cũng quan trọng
Màu nước tác động đến các chức năng sinh lý. Da và não rất nhạy cảm với những rung động và màu sắc của nước. Một số màu có tác dụng thư giãn thần kinh, một số khác lại kích thích. Màu lam ngọc, màu xanh lơ và màu tím đều làm dịu thần kinh. Màu xanh ve tạo cảm giác thanh thản. Màu đỏ làm cho máu lưu thông tốt hơn và làm tăng dục năng. Màu vàng kích thích trí não, rất tốt khi tắm vào buổi sáng để nảy ra những ý hay và làm cho hệ thần kinh thăng bằng.
Bạn cũng nên chú ý đến cả màu sắc của khăn tắm và ánh sáng đèn trong buồng tắm.
(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)