"Ban giám khảo sẽ đánh giá vẻ đẹp hình thể của thí sinh qua phần chụp ảnh với áo tắm ở hoạt động bên lề", ông Chung nói ở họp báo khởi động cuộc thi chiều 21/11.
Theo trưởng ban tổ chức, anh muốn tìm đại sứ về áo dài qua cuộc thi. Anh nói mình ấp ủ việc tôn vinh vẻ đẹp của lụa, làng nghề truyền thống suốt 20 năm qua. Anh mong thí sinh, MC, khách mời tham dự các hoạt động đều mặc áo dài để tạo ra sự kiện tôn vinh quốc phục Việt.
Hoa hậu Lụa Di sản Việt Nam - Miss Silk Heritage - được ban tổ chức giới thiệu là cuộc thi tôn vinh áo dài, các làng nghề, chất liệu truyền thống; lan tỏa thông điệp giữ gìn, phát triển di sản, văn hóa Việt Nam. Cuộc thi dự kiến tổ chức vào tháng 5/2024, tại TP Hội An, Quảng Nam, với chủ đề Hành trình dệt gấm thêu hoa.
Các cô gái từ 18 đến 30 tuổi, cao trên 1,6 m, đã tốt nghiệp THPT, chưa lập gia đình, sinh con và không có tiền án tiền sự đủ điều kiện tham gia. Cuộc thi cho phép các thí sinh nước ngoài, đã phẫu thuật thẩm mỹ đăng ký tham dự. Những thí sinh từng vào top 3, top 5 các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người đẹp năm 2022, 2023 được ban tổ chức xem xét đặc cách vào chung kết.
Sau các vòng sơ khảo, bán kết, 35 thí sinh được lựa chọn sẽ thi chung kết ngày 25/5/2024. Trong chung kết, tân hoa hậu sẽ mặc áo dài, khoác áo choàng lụa và đội vương miện lấy cảm hứng từ hình ảnh khăn đóng khi đăng quang. 5 danh hiệu chính được trao gồm: Hoa hậu Lụa Di sản Việt Nam 2024 và bốn á hậu. Các giải thưởng phụ gồm: Người đẹp Lãnh Mỹ A, Người đẹp Mặc nưa, Người đẹp Lụa Vạn Phúc, Người đẹp Lụa Hà Đông, Người đẹp Thổ cẩm, Người đẹp Tơ tằm, Người đẹp Lanh, Người đẹp Gấm, Người đẹp Gai... Cuộc thi thiết kế áo dài truyền thống cũng được tổ chức song song, với sự đồng hành của các nhà thiết kế Thuận Việt, Đức Vincie...
Thiên Anh