"Bà trùm" Phương. Ảnh:T.H. |
Nguyễn Thị Thanh Phương vốn được biết đến như một "bà trùm" trong đường dây "chạy" giấy tờ giả để đưa người xuất cảnh trái phép. Đường dây của Phương vươn dài từ Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu đến Sóc Trăng và ra tận Quảng Nam... "Quy trình" để hoàn tất một bộ hồ sơ phải thông qua 10 bước, từ việc tìm mua hồ sơ, tìm người giống con lai, nhờ vả các cán bộ có thẩm quyền làm giả giấy tờ liên quan đến nhân thân như chứng minh nhân dân, hộ khẩu... đến việc chạy chọt ở các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực xuất nhập cảnh để "hợp thức hóa" lý lịch giả. Mức giá để được đưa đi xuất ngoại theo diện con lai thường từ 15.000 đến 25.000 USD/người.
Chẳng hạn, giữa năm 1999, Phương mua được một bộ hồ sơ con lai mang tên Đặng Anh Tuấn trong đó có một tờ LOI phía Mỹ chấp thuận cho 5 người được gọi phỏng vấn để đi định cư ở Mỹ. Phương đã thuê một thanh niên tên Hoa Ly Water có nét giống con lai đóng giả đồng thời tìm thêm khách để ghép vào hồ sơ đi xuất ngoại với giá 25.000 USD/người. Phương tiếp tục cho người "chạy" thủ tục nhập khẩu và các giấy tờ xuất cảnh. "Cộng sự" của Phương đã móc nối để nhập hộ khẩu của hộ Đặng Anh Tuấn giả này vào xã Long Đức, Long Thành, Đồng Nai.
Sau đó, Phương đã nhờ Lê Phương, Đội phó Đội quản lý xuất nhập cảnh, Công an Đồng Nai với giá 3.000 USD để Lê Phương lo chi phí đi xác minh, nhận phiếu chuyển... Phương tiếp tục làm quen với Võ Tấn Biên, cán bộ công an huyện Núi Thành, Quảng Nam để Biên xác nhận các giấy tờ cho hộ Đặng Anh Tuấn về Quảng Nam đồng thời nộp hồ sơ vào Cục quản lý xuất nhập cảnh, với giá 4.000 USD. Lợi dụng các mối quan hệ, Biên đã xin được xác nhận của chính quyền xã trong các loại giấy tờ như đơn đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, bản tường trình nguồn gốc con lai, giấy chứng nhận độc thân... Khi hồ sơ này được phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Quảng Nam tiếp nhận và đã có công văn gửi công an huyện Núi Thành xác minh thêm, nhưng Biên đã tự ý xác nhận hộ đi xuất cảnh là hộ không có tiền án, tiền sự rồi đề xuất cho đi xuất cảnh. Cuối năm 2000, Cục quản lý xuất nhập cảnh đã đồng ý cho xuất cảnh và cấp giấy thông hành cho 4 người...
Theo VnExpress, tổ chức của Phương hoạt động chuyên nghiệp, được nhiều cá nhân có nhu cầu xuất ngoại biết tới. Đến ngày 6/9/2001, nhận được tin báo của quần chúng, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP HCM đã bất ngờ kiểm tra hành chính đối tượng Nguyễn Thị Thanh Phương (43 tuổi, ngụ tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) khi Phương đang lưu thông trên đường, phát hiện nhiều giấy tờ, hồ sơ trên xe và trong người Phương liên quan đến việc làm giấy tờ giả diện con lai để xin xuất cảnh sang Mỹ. Tại cơ quan điều tra, Phương khai nhận với cách thức như trên, từ cuối năm 1998 đến cuối năm 2001, Phương đã thực hiện trót lọt 10 "phi vụ", đưa 14 người sang định cư tại Mỹ trái phép.
Để tổ chức được một đường dây chuyên nghiệp như thế này, Phương đã móc ngoặc được với rất nhiều cán bộ công an biến chất từ cấp lớn cho đến cấp bé. Trong số 12 bị cáo thì có đến 6 bị cáo nguyên là cán bộ công an xã, huyện, và Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh Đồng Nai. Bên cạnh đó, còn có 6 đối tượng bị truy nã, trong đó có đến 3 đối tượng nguyên là cán bộ trong ngành công an...
Ngày 12/10, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. HĐXX tuyên bác kháng cáo của các bị cáo tuyên y án sơ thẩm là 30 năm tù đối với "bà trùm" Nguyễn Thị Thanh Phương, 18 năm tù đối với Võ Tấn Biên (nguyên đại úy Công an huyện Núi Thành, Quảng Nam), 8 năm tù đối với Đinh Thị Tâm (ngụ Thống Nhất, Đồng Nai) và 7 năm tù đối với Nguyễn Thị Thúy Hồng (ngụ Biên Hoà, Đồng Nai) vì các tội đưa hối lộ, tổ chức người khác trốn đi nước ngoài, giả mạo giấy chứng nhận tài liệu của cơ quan, tổ chức, môi giới hối lộ... Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, 8 bị cáo khác cũng đã nhận mức án từ 3 năm tù (cho hưởng án treo) đến 3 năm tù giam vì những sai phạm liên quan trong đường dây chạy xuất ngoại này.