Công Phượng cùng các đồng đội tại học viện HAGL được yêu mến từ khi xuất hiện tháng 10/2013. Nhưng họ được không ít fan dần thần tượng hóa, yêu cuồng si dẫn đến hố khoảng cách giữa cầu thủ học viện với phần còn lại của bóng đá Việt dần xa nhau. Trận đấu giữa hai đội bóng trẻ U21 báo Thanh Niên và U19 HAGL vừa qua cho thấy rõ điều này.
U21 báo Thanh Niên có trận đấu không hấp dẫn như mong chờ của người hâm mộ khi "không dám" chơi sòng phẳng với đàn em và có nhiều tình huống vào bóng quyết liệt. Ở góc độ của thầy trò HLV Phan Công Thìn, dường như họ thành công với toan tính của mình là chơi phòng ngự, chờ phản công và giải quyết trên chấm 11m trước U19 HAGL.
Dựa vào thực tế tương quan lực lượng, các HLV đưa ra đấu pháp cụ thể để đạt được cái đích mong muốn. Trong trường hợp này, không phải lúc nào mong muốn của khán giả cũng “khớp” với toan tính thuần chuyên môn của HLV - người thường bị sức ép thành tích.
Về mục tiêu thành tích, các cầu thủ U21 và U19 hoàn toàn "lệch pha". U19 HAGL suốt 7 năm qua chỉ ăn, tập, học và đến nay không được bầu Đức đặt nặng chuyện thành tích. Còn với các cầu thủ U21, họ được đào tạo ở những môi trường mà ngay khi còn nhỏ đã phải cạnh tranh để có "giải này giải kia" từ cấp độ nhi đồng, thiếu niên… Môi trường HAGL lý tưởng kiểu “học viện”, nó khác với các “lò đào tạo”.
U21 báo Thanh Niên chưa “sắc” ở phản công, nhưng họ hóa giải được các cầu thủ xuất sắc phía U19 HAGL, dù cách hóa giải là chơi rát. Nếu Phi Sơn của U21 thực hiện thành công quả 11m ở lượt thứ 5 để cân bằng tỷ số 4-4 thì chưa biết ai đã vào trận chung kết của giải diễn ra chiều mai (28/10).
Nhưng nhiều khán giả trên sân, người hâm mộ trên các diễn đàn hay Facebook xem U21 báo Thanh Niên như “tội phạm” và không tiếc lời chỉ trích thầy trò HLV Phan Công Thìn. Trong đội hình của U21 có nhiều cầu thủ từng khoác áo U19 Việt Nam từng khiến người hâm mộ có khoảnh khắc hạnh phúc như Hồ Tuấn Tài, Phạm Văn Long.... Nhưng tối 25/10, tất cả cùng được “nhét chung lọ” và bị lên “đoạn đầu đài”.
Nhiều fan có thể dễ dàng bỏ qua, dành nhiều lời động viên Công Phượng và các đồng đội sau các trận chơi như gà mắc tóc và thua bạc nhược trước Nhật Bản, Hàn Quốc, Tottenham hay thậm chí không thể ghi bàn vào lưới U21 suốt 90 phút… Nhưng điều đó chỉ dành cho Công Phượng và đồng đội ở học viện HAGL, còn với các đội trẻ khác như U21, sự rộng lượng như vậy không tồn tại.
Xuất hiện ở đâu là Công Phượng và các đồng đội như Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy, Đông Triều... được các fan quây kín xin chữ ký như hình ảnh ngôi sao xứ Hàn xuất hiện. Trước giải, hình ảnh U19 được mang ra tuyên truyền chứ không phải U21 trên khắp các tuyến đường. Ngay trước khi bóng lăn, khán giả đến vì U19 chứ không hẳn vì U21 vốn cũng tập hợp nhiều tài năng trẻ của bóng đá Việt Nam, đang hướng đến SEA Games 2015. Trong trận đấu, nhiều fan tập trung cổ vũ nhiệt tình cho U19 HAGL (với các cầu thủ nổi bật như Công Phượng, Tuấn Anh…), la ó U21.
Người hâm mộ có quyền yêu một đội bóng. Nhưng nhiều fan dường như đã “yêu cuồng” để rồi tạo nên khoảng cách không đáng có giữa Công Phượng và các đồng đội với phần còn lại của bóng đá Việt Nam. Tình hình này kéo dài suốt một năm qua. Đó là cái hố do nhiều người hâm mộ tạo ra để chôn chính các tài năng bóng đá của mình.
Các cầu thủ khác không muốn ghen tị với U19 của Công Phượng, Tuấn Anh... có lẽ cũng khó. Biểu hiện U21 báo Thanh Niên đá rát, đá như muốn chứng tỏ trong các tình huống tranh chấp tay đôi với U19 HAGL phản ánh phần nào tâm lý ức chế đó.
Tương tự như HLV Lê Thụy Hải, thầy trò ông Phan Công Thìn lên “đoạn đầu đài” của các fan cuồng bởi họ nói thẳng và thể hiện đúng “chất V-League”. Ở góc độ chuyên môn, thầy trò ông Giôm cần học cách thích nghi để trưởng thành trong môi trường cạnh tranh quyết liệt chứ không thể nghĩ ở đâu cũng “trong lành” như học viện.
Ngọc Hà